Chính vì thu nhập của một bộ phận giáo viên hiện nay còn thấp mà lại có thể bố trí được thời gian rảnh rỗi nên nhiều giáo viên phải tìm việc làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình.
Điều hấp dẫn nhất là hàng ngày, thông qua các trang mạng xã hội thấy bạn bè, người thân của mình quảng cáo, chia sẻ bài viết về đầu tư, kinh doanh online có phần hấp dẫn nên một số giáo viên đã ham và "cắn câu" vào những chiêu thức lừa đảo mà một số cá nhân, tổ chức đã giăng sẵn.
Khi đã đầu tư vào, không thu được lợi nhuận, rút vốn cũng không được nhưng vì “đâm lao thì phải theo lao” mà cuối cùng thì tiền mất, tình cảm mất nhưng tất cả đều đã muộn màng. Đây chính là bài học cảnh báo cho một số giáo viên khi tìm kiếm việc làm thêm nhưng chưa tìm hiểu cặn kẽ.
Nhiều giáo viên phải ngậm ngùi, tiếc nuối khi đã đầu tư vốn kinh doanh qua mạng (Ảnh minh hoạ: Cand.com.vn) |
Đầu tư mua gói quảng cáo
Gần 2 năm trước, cô giáo V. rất thích thú khi thấy một số bạn bè của mình cũng là giáo viên đang đầu tư kinh doanh cho một công ty có trụ sở đóng tại…Ban Lan.
Hình thức là người đầu tư là bỏ ra số tiền 50 USD sẽ mua được 10 gói quảng cáo, sau đó mỗi ngày xem từ 10 quảng cáo để được nhận tiền từ hệ thống. Khi tuyển được người mới đầu tư thì người giới thiệu sẽ được hưởng một khoản hoa hồng từ 20-30% số tiền mà tuyến dưới đầu tư.
Lúc đầu, cô đầu tư 50 USD, sau thấy số tiền lợi nhuận tăng lên hấp dẫn thế là cô đầu tư tiếp, mua thêm nhiều gói quảng cáo nữa. Không chỉ trực tiếp đầu tư mà cô còn tăng cường quảng bá, chia sẻ nhiều bài viết trên trang Facebook của mình.
Thế là có nhiều bạn bè thân thuộc, người thân của cô cũng là giáo viên điện thoại hỏi thăm và cô đã tư vấn nhiệt tình cho họ không kể ngày hay đêm. Nhiều người tin từ những lợi nhuận của việc kinh doanh này nên đã bỏ tiền để đầu tư kinh doanh giống như cô V.
Chẳng mấy chốc, tiền lợi từ những gói quảng cáo và tiền hoa hồng từ các tuyến dưới dồn đến cho cô một khoản tiền ảo khá hấp dẫn.
Thế nhưng, trớ trêu là số tiền này không rút ra được mà chỉ có thể đầu tư mở rộng hoặc bán lại cho người khác. Chính vì thế, số tiền mà cô V. và người thân, bạn bè đầu tư cho công ty này ngày một lớn dần. Có nhiều người bắt đầu hoang mang, lo lắng nhưng rồi mọi người cứ an ủi nhau để chờ đợi.
Vậy nhưng, Tết năm 2019 trang mạng của công ty này không truy cập vào được, hỏi một số người tuyến trên thì họ nói công ty đang nâng cấp…
Lần lữa mãi hết năm 2019, sang năm 2020 công ty này vẫn đang…nâng cấp tiếp. Niềm tin dần dần vơi cạn và ai trong số những nhà đầu tư này cũng đã không còn hy vọng gì về số tiền mà mình đã đầu tư.
Có điều, sau "thương vụ" này, cô V. không chỉ mất hàng chục triệu đồng đầu tư mà cô còn phải xin lỗi nhiều người thân và bạn bè của mình cũng đã đầu tư giống mình vì ngày trước họ đã tin vào những lời tư vấn của cô.
Dù những bạn bè và người thân của cô thông cảm vì họ biết cô cũng chỉ là nạn nhân của việc lừa đảo trên mạng nhưng có lẽ tình cảm thì đã không còn được nguyên vẹn nữa. Mọi người dành cho nhau những cái nhìn ái ngại. Vậy là tiền mất, tình cảm cũng phôi phai theo theo công ty ở tận trời Âu nào đó.
Điều cô thấy ân hận nhất là mình đã nông nổi, giấu chồng để đầu tư, đã phải dè sẻn chi tiêu trong gia đình để có được khoản tiền này và mất không biết bao nhiêu thời gian tư vấn, quảng bá, xem quảng cáo cho một công ty chỉ quen biết qua mạng Internet nhưng đã có ngày tháng cô đã đặt trọn niềm tin vào nó.
Đầu tư mua cổ tức
Sau khi xem bạn bè mình hào hứng khoe thường xuyên trên Zalo, Facebook về việc mua cổ tức của một công ty qua mạng Internet. Cô N. bàn với chồng của mình về ý định sẽ đầu tư.
Khi nghe vợ nói thì chồng cô N. đã cương quyết nói không với những trò lừa đảo này. Chồng cô đã chỉ ra hàng loạt vụ lừa đảo mà báo chí đã cảnh báo trong thời gian qua. Thế nhưng, ý cô N. đã quyết thì không có người nào có thể lay chuyển được.
Chồng không cho đầu tư thì tự cô đầu tư. Tiền trong nhà không có thì cô lén chồng đi vay ngân hàng để đầu tư kinh doanh theo bạn mình.
Vậy là cô làm đơn vay ngân hàng 20 triệu đồng trong thời hạn 2 năm để quyết làm ăn nhằm cải thiện cuộc sống của gia đình. Bởi, trong suy nghĩ của cô thì ngoài việc dạy trên lớp, cô cũng còn nhiều thời gian có thể tận dụng được để đầu tư cho việc kinh doanh hấp dẫn này.
|
Sau một thời gian đầu tư “ném tiền qua mạng” cô ngấm dần nỗi chua chát về sự thật của công việc không hề đơn giản này. Tiền đầu tư, có sinh lời nhưng lời mà không rút ra được. Vậy nhưng, lãi ngân hàng thì hàng tháng cô vẫn phải trả đều đều.
Tính cả gốc, cả lãi, mỗi tháng cô phải trả cho ngân hàng là 1 triệu đồng. Tất nhiên, số tiền đó cô phải tìm cách “lách” bởi 2 vợ chồng đều là giáo viên nên lương tháng bao nhiêu thì nó đã cụ thể rồi.
Khi đã “ngấm” việc đầu tư của mình thì cô N. chỉ biết ngậm ngùi và tự trách mình vì không tìm hiểu kĩ, không nghe lời khuyên can của chồng bởi một lý do rất đơn giản là làm thêm để cải thiện cuộc sống gia đình.
Thế nhưng, giữa ma trận thật giả trên mạng xã hội bây giờ, cô N. đã không đủ kiến thức, lý chí để phân biệt được những trò lừa đảo nên đã vướng vào và chưa thể rút chân ra được.
Đôi lời cảnh cáo
Đồng tiền chân chính kiếm được đối với bất kỳ ai cũng không bao giờ là dễ dàng nên mọi người, nhất là những thầy cô giáo đừng tin những lời đường mật đang hiện hữu trên mạng xã hội tràn lan như hiện nay.
Vẫn biết cuộc sống của một bộ phận giáo viên hiện nay còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chính điều này càng nhắc nhở thầy cô phải cẩn thận hơn khi làm bất cứ một công việc gì nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Bây giờ, nhiều khi anh em, bạn bè còn có thể lừa nhau thì đầu tư, kinh doanh online là một kiểu đầu tư cực kỳ mạo hiểm và rất khó có thể kiếm lời.
Bởi, mặt mũi họ là ai, họ ở đâu thì mình không biết, vài cái giấy chứng nhận, vài cái clip họ tự quay rồi đưa lên mạng khoe mẽ, đánh bóng tên tuổi nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin.
Thầy cô hãy cảnh giác, đừng để mất tiền, mất tình cảm rồi ngậm ngùi tự trách mình khi sự việc đã quá muộn vì đã đầu tư tiền bạc, thời gian cho một việc làm vô ích!