Dạy học qua truyền hình – một phương pháp hay cần được nhân rộng

20/02/2020 06:00
Ánh Dương
(GDVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Đồng Nai phát sóng chương trình ôn thi cho học sinh thời gian nghỉ chống dịch Covid-19.

Dạy học qua đài phát thanh truyền hình

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có công văn cho học sinh, sinh viên nghỉ học hết tháng 2 để phòng chống dịch bệnh.

Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện cho học sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ôn tập, củng cố kiến thức học kì I trong thời gian nghỉ tại nhà, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai và Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình ôn tập kiến thức học kì I năm học 2019-2020 dành cho học sinh cuối cấp.

Cụ thể, ôn tập các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh cho học sinh lớp 9 và Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Giáo dục công dân cho học sinh lớp 12.

Chương trình được phát sóng vào lúc 7 giờ 30 phút và 13 giờ 30 phút hàng ngày, bắt đầu từ ngày 17/2/2020 – trên kênh truyền hình Đồng Nai 1 (ĐN1), sau đó phát lại vào lúc 8 giờ 35 phút và 14 giờ trên kênh truyền hình Đồng Nai 2 (ĐN2).

Ngoài ra, chương trình được đăng tải trên website của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai tại địa chỉ www.dnrtv.org.vn và cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai tại địa chỉ http://sgddt.dongnai.gov.vn.

Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phát sóng chương trình ôn thi cho học sinh thời gian nghỉ chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: sgddt.dongnai.gov.vn)
Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phát sóng chương trình ôn thi cho học sinh thời gian nghỉ chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: sgddt.dongnai.gov.vn)

Nhiều ưu điểm vượt trội

Hình thức dạy học qua truyền hình của ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai được giáo viên, học sinh và phụ huynh đánh giá cao bởi có nhiều ưu điểm so với dạy học online (trực tuyến) hiện hành.

Thứ nhất, dạy học qua truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12 đáp ứng được nhu cầu của các em cần ôn tập kiến thức để thi tuyển sinh vào 10 và thi trung học phổ thông quốc gia cho thời gian tới.

Có thể nhận thấy, thời gian nghỉ học dài ngày sau Tết Nguyên đán, học sinh lớp 9 và 12 luôn lo lắng vì các em còn phải trải qua những kì thi để hoàn thành nhiệm vụ học tập cho một giai đoạn, một chặng đường quan trọng trong đời.

Thứ hai, đội ngũ giảng dạy là những thầy cô giáo vững chuyên môn, phương pháp và có nhiều kinh nghiệm trong việc luyện thi nên phụ huynh và học sinh hoàn toàn yên tâm.

Thứ ba, dạy học qua truyền hình, phụ huynh không phải tốn kém mời gia sư dạy kèm nhiều môn (ít nhất 3 môn) cho con em cùng một lúc.

Thứ tư, đây là một cách bổ trợ cho việc dạy học online đang diễn ra ở trường hiện nay nhưng còn không ít hạn chế.

Học sinh nghỉ học vì Covid-19, sao không dạy học trên truyền hình, phát thanh?
Học sinh nghỉ học vì Covid-19, sao không dạy học trên truyền hình, phát thanh?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần giáo viên giao bài cho học sinh qua Gmail, Zalo, Facebook… sau đó yêu cầu các em hoàn thành và nộp lại.

Cách làm này được nhiều trường học lựa chọn với mục đích chính là giúp học sinh ôn bài thông qua hình thức luyện tập.

Tuy vậy, học sinh chủ yếu tự làm bài hoặc nhờ sự trợ giúp của cha mẹ, bạn bè chứ hạn chế tương tác với giáo viên.

Thầy cô khó lòng giải đáp thắc mắc một cách cặn kẽ, thấu đáo cho hàng trăm học sinh vì không có nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, nhiều trường yêu cầu giáo viên dạy online bằng cách livestream (phát trực tiếp) kiến thức mới cho học sinh. Nhiều giáo viên nói rằng, ưu điểm của cách dạy này là học sinh có thể tương tác trực tuyến để hiểu sâu về bài học.

Nhưng, không phải em nào cũng đủ máy tính, điện thoại thông minh và đường truyền Internet đảm bảo để theo học. Trong khi đó, dạy học qua truyền hình thì âm thanh, hình ảnh, đường truyền rất tốt, giúp học sinh tiếp thu bài một cách hiệu quả nhất.

Hơn nữa dạy học qua livestream, giáo viên cũng khó kiểm soát giờ học của học sinh bởi có trường hợp các em mở máy tính, điện thoại và để đó cho có chứ không học.

Ngoài ra, với học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa thì phương pháp học online cũng gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện công nghệ thông tin yếu, thiếu không đảm bảo.

Ngày 17/2, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất trong thời gian học sinh nghỉ này thì các tỉnh thành nên chủ động chuyển sang dạy học trên đài phát thanh, truyền hình địa phương áp dụng cho đại trà học sinh.

Chúng tôi cho rằng, ý kiến của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến rất cần được quan tâm, bởi dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm như đã phân tích, nên cần được nhân rộng cho 63 tỉnh thành trên cả nước trong giai đoạn học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19 hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] //www.baodongnai.com.vn/tintuc/202002/hoc-sinh-duoc-nghi-hoc-het-thang-2-2988605/

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-nghi-hoc-vi-covid19-sao-khong-day-hoc-tren-truyen-hinh-phat-thanh-post207180.gd

Ánh Dương