Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong ngân hàng là tất yếu

01/11/2014 07:51
Thảo Nguyên
(GDVN) - Công nghệ thông tin được coi là sức mạnh sẽ thay đổi nhanh chóng bộ mặt của nhiều ngành kinh tế trong thế kỷ 21.

Tại Việt Nam, phát triển một nền tảng CNTT hiện đại là điều kiện tất yếu để các ngân hàng cung ứng những dịch vụ và sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khách hàng.

Kết quả khảo sát gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các ngành cho thấy: Ngành ngân hàng được xem là một trong những ngành ứng dụng CNTT sâu rộng nhất: 98% các chi nhánh đã tham gia kết nối mạng WAN, 96% ngân hàng đã có hệ thống đảm bảo an ninh mạng, 92% ngân hàng có chính sách quản lý rủi ro dựa trên nền tảng CNTT,…

Hiện hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng CNTT tương đối hiện đại theo mô hình tập trung hóa tài khoản, nhiều tiện ích ngân hàng đã được sử dụng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chủ động hội nhập với khu vực và thế giới.

Không dừng lại ở những thành quả đã đạt được, các ngân hàng TM vẫn tiếp tục đầu tư đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ hàng đầu của thế giới để tăng cường tính bảo mật và chất lượng dịch vụ khách hàng. Mới đây nhất, Techcombank còn ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Integro Technologies để triển khai hệ thống Quản lý Tài sản đảm bảo và Hạn mức tín dụng SmartLender (CLIMS) với mục đích cải thiện hệ thống quản trị.

Việc ứng dụng CNTT có thể đem lại cho khách hàng rất nhiều lợi ích khác nhau. Lợi ích nhìn thấy rõ nhất là sự thuận tiện từ mạng lưới ATM rộng và hoạt động ổn định. Khách hàng có thể tự thực hiện giao dịch nhanh chóng và an toàn trên internet hay điện thoại di động mà không phải đến ngân hàng. Các yêu cầu vay vốn được xử lý nhanh chóng, nhu cầu tài chính của khách hàng được dự báo và chủ động hỗ trợ  và đáp ứng đúng.

“Các ứng dụng của CNTT hiện đại trong ngân hàng còn mang lại hiệu suất, hiệu quả hoạt động cao nhờ vậy giảm chi phí, giá thành và giá bán đến khách hàng, giảm tổng thể chi phí tài chính và phi tài chính của khách hàng khi giao dịch tài chính với ngân hàng và ngược lại tăng lợi ích tài chính và phi tài chính cho khách hàng” – ông Phùng Quang Hưng, Giám đốc khối Công nghệ và Vận hành của Techcombank chia sẻ.

Điều này có thể thấy rõ qua hiệu quả ứng dụng CNTT tại Techcombank. Ví dụ như hệ thống tự động hóa quy trình tín dụng cá nhân đã số hóa toàn bộ quy trình tín dụng bán lẻ: từ bước tiếp xúc, tiếp nhận thông tin nhu cầu của khách hàng tại các đơn vị bán cho đến khi hồ sơ được phê duyệt, giải ngân, quản lý hồ sơ sau giải ngân.  Giúp cho các đơn vị có thể theo dõi trạng thái xử lý hồ sơ trực tuyến, giảm thiểu mất mát, sai sót thông tin do trao đổi thông tin qua các kênh như email, điện thoại, hay chuyển hồ sơ vật lý. Quản lý tập trung và bảo mật hệ thống đánh giá và xếp hạng tín dụng của khách hàng.

Theo ông Đỗ Tuấn Anh, quyền Tổng Giám đốc Techcombank, ngân hàng có thể cung cấp các giải pháp tài chính “may đo” đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng khách hàng là do áp dụng các công nghệ tiên tiến mà trước đây chỉ có các ngân hàng nước ngoài mới có. “Năm nay, chúng tôi đã nâng cấp ngân hàng lõi lên một phiên bản mới, cho phép các giao dịch được xử lý một cách liền mạch, tăng cường năng lực xử lý khối lượng và tốc độ tiền gửi”.

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển các dịch vụ hiện đại cần có sự đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ. Tại nhiều NHTM, hạn chế khả năng về tài chính dẫn đến các hạn chế trong việc đầu tư này. Bên cạnh đó phải phát triển được đội ngũ nhân lực cho CNTT trong ngân hàng. Chính vì vậy, trong cuộc đua này, những ngân hàng có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn sẽ có lợi thế phát triển bền vững hơn.

Thảo Nguyên