Đề nghị sớm có Thông tư hướng dẫn danh mục vị trí việc làm theo CTGDPT 2018

25/08/2023 06:30
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Để giải quyết bài toán thiếu đội ngũ giáo viên về lâu dài, ngành giáo dục Tây Ninh đang gấp rút xây dựng chính sách đặc thù riêng để thu hút nhân lực.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất của ngành giáo dục hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, vấn đề thiếu giáo viên lại càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.

Từ 2019 đến nay, số giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc gần “gấp đôi” số giáo viên tuyển dụng mới

Tại Tây Ninh, thống kê đến nay toàn ngành giáo dục vẫn còn thiếu hơn 1000 giáo viên ở tất cả các cấp học. Số biên chế chưa sử dụng của toàn ngành giáo dục Tây Ninh là 1564 biên chế viên chức. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục bởi tỉnh không đủ nguồn tuyển, số lượng giáo viên nghỉ việc, nghỉ hưu nhiều hơn số lượng tuyển dụng hằng năm.

Cụ thể, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh cho biết, từ năm 2019 đến tháng 7/2023, toàn tỉnh Tây Ninh đã tuyển dụng được 952 giáo viên (trong đó, mầm non 343 giáo viên, tiểu học 258 giáo viên, trung học cơ sở 195 giáo viên, trung học phổ thông 156 giáo viên).

Lãnh đạo ngành giáo dục Tây Ninh chia sẻ, có nhiều nguyên nhân viên chức nghỉ việc. Có người do lớn tuổi sức khỏe yếu, có người tìm được công việc mới thu nhập cao hơn, hay hoàn cảnh gia đình khó khăn neo đơn, bệnh nặng…

Trong khi đó, số lượng viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc từ năm 2019 đến nay là 1.562 trường hợp (số viên chức nghỉ hưu: 683; số viên chức nghỉ việc: 879). Do vậy, số lượng giáo viên tuyển dụng mới “không kịp” lấp đầy khoảng trống số lượng giáo viên nghỉ việc, nghỉ hưu hàng năm.

Theo thầy Phước, nguồn tuyển dụng giáo viên của Tây Ninh thường đến từ địa phương và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, những năm gần đây, thiếu giáo viên xảy ra ở hầu khắp các địa phương, do đó nguồn tuyển ngày càng bị thu hẹp. Đặc biệt, nguồn tuyển có xu hướng tập trung về nơi có thu nhập cao như thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố này cũng đang gặp tình trạng thiếu giáo viên và có chính sách tăng thu nhập rất cao. Cụ thể, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 là 1,8 lần tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Trong khi đó, giáo viên tại Tây Ninh vẫn hưởng mức lương và phụ cấp theo quy định chung cả nước mà chưa có cơ chế đặc thù riêng.

“Nhất là những trường vùng biên giới, hiện địa phương chưa có chính sách thu hút nên các trường ở những vùng này đều thiếu giáo viên, nhưng hầu như không có giáo viên nào đăng ký tuyển dụng”, người đứng đầu ngành giáo dục Tây Ninh trăn trở.

Ngành giáo dục Tây Ninh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Tây Ninh. Ảnh: Báo Tây Ninh

Học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Tây Ninh. Ảnh: Báo Tây Ninh

Để phát triển đội ngũ giáo viên ngành giáo dục Tây Ninh, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện tinh giản biên chế hiện nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, đặc biệt chú trọng tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các chính sách pháp luật về phát triển đội ngũ giáo viên. Nắm chắc tình trạng thiếu giáo viên hiện nay và có kế hoạch dự báo nhu cầu khó khăn trong xây dựng đội ngũ giáo viên toàn tỉnh.

Năm học 2022-2023, các phòng giáo dục huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo dạy liên trường 170 trường hợp, trong đó: Tin học 67, Tiếng Anh 56, Âm nhạc 4, Mỹ thuật 3, Toán 9, Vật lý 1, Văn 15, Sinh 6, Địa 3, Công nghệ 1, Hóa 2, Thể dục 1, Sử 2.

Trên cơ sở đó, trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đã chỉ đạo các Phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã thành phố chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng nhiều lần trong năm học. Trong đó, ưu tiên các đơn vị vùng kinh tế xã hội khó khăn để bảo đảm tận dụng được hết nguồn tuyển trong năm học và đảm bảo định mức tối thiểu giáo viên/lớp.

Tiếp tục chỉ đạo giáo viên dạy liên trường để giải quyết tình trạng thiếu, thừa cục bộ, bảo đảm giáo viên dạy đủ số tiết chuẩn theo quy định hiện hành.

Nhiều giải pháp quan trọng khác như tham mưu Ủy ban nhân dân về các chính sách hỗ trợ giáo viên thỉnh giảng phải dạy nhiều cơ sở, di chuyển xa, giáo viên phải đứng lớp quá quy định; chính sách hỗ trợ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa, khó khăn.

Khẩn trương đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện đầy đủ để triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan tâm hướng dẫn, tập huấn để giáo viên khai thác sử dụng, tránh tình trạng đầu tư nhưng không sử dụng gây lãng phí.

Đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền về những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa mới đến cha mẹ học sinh đảm bảo tất cả cha mẹ học sinh đều hiểu biết để phối hợp trong công tác giáo dục và giảng dạy học sinh.

Giáo viên vùng sâu huyện Tân Biên (Tây Ninh) nhận quà tặng nhân lễ bàn giao nhà công vụ. Ảnh: Báo Tây Ninh

Giáo viên vùng sâu huyện Tân Biên (Tây Ninh) nhận quà tặng nhân lễ bàn giao nhà công vụ. Ảnh: Báo Tây Ninh

Về lâu dài, thầy Nguyễn Văn Phước cho hay, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đang rà soát, đánh giá lại đội ngũ giáo viên và dự báo nhu cầu, phát triển của ngành giáo dục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để có Đề án phát triển đội ngũ giáo viên của tỉnh, nhằm đảo bảo căn cơ lâu dài về số lượng, cơ cấu chất lượng đội ngũ giáo viên

Dự kiến tháng 12/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh chính sách đặc thù của địa phương trong hỗ trợ, thu hút và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (gọi tắt Nghị định 116) để thu hút, tạo nguồn giáo viên cho những năm về sau.

Theo thầy Phước, hiện tỉnh đã và đang thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên ngành học mầm non cho Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Ngành giáo dục Tây Ninh cũng đang nghiên cứu thực hiện việc đặt hàng đào tạo cụ thể với những cơ sở đào tạo có uy tín. Đối tượng đặt hàng là sinh viên sư phạm bậc phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên cho những năm học tới.

Số sinh viên mầm non đã ký cam kết theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của năm học 2021- 2022 và 2022-2023 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh là 220 sinh viên; và chỉ tiêu tuyển năm 2023-2024 là 160 sinh viên.

Ngoài ra, triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số đơn vị giáo dục công lập sang hình thức tự chủ về chi thường xuyên; Đề án xã hội hóa giáo dục ở những nơi có điều kiện, dành nguồn lực đầu tư cho những vùng khó khăn.

Tăng cường công tác giáo dục truyền thông nhằm nâng cao vị thế của đội ngũ giáo viên, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh để các em theo học ngành sư phạm và trở về công tác ở quê hương Tây Ninh.

Đề nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm trường phổ thông

Phát triển đội ngũ là công việc chung, lâu dài của ngành giáo dục cả nước. Vì vậy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với kế hoạch dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Khi Thông tư sửa đổi được ban hành sẽ là căn cứ cần thiết để giúp địa phương xác định rà soát nhu cầu giáo viên hằng năm, tạo thuận lợi hơn cho địa phương khi triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP”, thầy Phước phân tích.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, rà soát trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP để giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện (theo Công văn số 1057/VPCP-KGVX ngày 22/02/2023 của Văn phòng Chính phủ).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không có cơ sở đào tạo giáo viên có trình độ đại học trở lên (giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), các trường đào tạo giáo viên có trình độ đại học đa số trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Do đó, tỉnh đề xuất căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật và nhu cầu của từng địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết nên đặt hàng cho các cơ sở đào tạo thực hiện nhiệm vụ này (thay vì dùng ngân sách địa phương, nên dùng ngân sách trung ương để đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ). Ngân sách địa phương có thể đối ứng theo tỉ lệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét.

Doãn Nhàn