Ngày 11/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Tự chủ đại học - Cơ hội nào để phát triển?" để nhận diện rõ hơn những thuận lợi, khó khăn và cơ hội để phát triển hệ thống đại học.

Theo đó, hơn một thập kỷ kể từ khi Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 được ban hành, tự chủ đại học đã trở thành một chủ trương lớn, mang tính đột phá trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, câu hỏi lớn vẫn còn đó: tự chủ đại học ở Việt Nam đã thực sự đi vào chiều sâu, trở thành động lực phát triển nội sinh cho các trường, hay vẫn chỉ dừng lại ở hình thức, nửa vời?

Vì lẽ đó tọa đàm “Tự chủ đại học - Cơ hội nào để phát triển” được tổ chức nhằm nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thực hiện tự chủ đại học, đặc biệt soi chiếu vào những mô hình tiên phong, đã mạnh dạn "dấn thân" để đổi mới thực chất. Qua đó, tọa đàm mong muốn nhận diện rõ hơn những chuyển biến đã đạt được, chỉ ra những điểm nghẽn còn tồn tại từ thực tiễn và góp phần đề xuất các giải pháp thúc đẩy tự chủ một cách toàn diện, hiệu quả.

cover-17522164775241240434686.jpg
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: VGP/Dương Tuấn.

Tham dự buổi toạ đàm có sự góp mặt của Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) - Nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi - Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tiến trình tự chủ đại học còn gặp nhiều rào cản

Sau hơn 10 năm triển khai chủ trương tự chủ đại học, có thể khẳng định đây là một hướng đi đúng đắn, mang tính đột phá trong quá trình đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiến trình này vẫn còn chuyển biến chậm.

Đánh giá về những khó khăn của chủ trương trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc cho biết: "Quả thực tự chủ giáo dục đại học của Việt Nam thời gian qua đã thành một động lực để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học nước ta. Chúng ta cũng đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên dường như trong 10 năm trở lại đây, tốc độ đi hơi chậm so với mong muốn của Đảng, Nhà nước, cũng như của xã hội".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc, thực tế này có thể đến từ 3 lý do, nguyên nhân chính.

Thứ nhất, xã hội và chính các cơ sở giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam trong thời gian qua hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. Nhà nước ban hành chủ trương chính sách tăng cường tự chủ đại học, nhưng lại cắt đầu tư ngân sách, điều đó khiến tự chủ đại học đồng nghĩa với các cơ sở giáo dục phải "tự lo".

Thứ hai, tồn tại tình trạng mâu thuẫn trong quyền lực, điều hành, quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa Hội đồng trường, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu dẫn đến không hiệu quả trong điều hành nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, cơ chế tự chủ chưa thực sự mở. Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên giữa các luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự "đâm ngang" nhau. Có thể nói, nhìn chung, sự thiếu đồng bộ về cơ chế đã khiến các cơ sở giáo dục đại học "bó chân, bó tay" khi thực hiện tự chủ.

2-1752220898507969344513.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Bàn thêm về rào cản trong tự chủ đại học, đặc biệt là “rào cản vô hình” đến từ tư duy quản lý truyền thống, cơ chế “xin - cho”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm nhận định: "Một điểm quan trọng cần phải xác định rõ từ hai phía, thứ nhất là phía cơ quan quản lý được làm gì; thứ hai là phía nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường, được làm gì.

Theo tôi, những gì thuộc về nhà trường, thuộc về hiệu trưởng nhà trường thì phải trả cho họ đúng nghĩa. Còn cơ quan quản lý tập trung vào hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đi sâu vào quản lý. Thực chất, nếu làm được như thế thì tự chủ đại học mới đúng nghĩa và không còn cơ chế xin - cho trong điều kiện hiện nay".

Từ mô hình thành công của Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) - một đơn vị giáo dục đại học tự chủ toàn diện suốt hơn ba thập kỷ qua, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi – Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận thấy, khi được trao quyền thực sự và có tầm nhìn quản trị rõ ràng, các trường hoàn toàn có thể chủ động phát triển bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.

Nhưng để tự chủ không chỉ là chuyện nội bộ của nhà trường, mà trở thành động lực cho hệ sinh thái đổi mới, thì vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu, đặc biệt trong việc đồng hành, đặt hàng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

4-1752217151250280852297-1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi – Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ: "Trong 15 năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc của hệ thống điện quốc gia, với tốc độ tăng trưởng rút ngắn chỉ còn 5 - 6 năm mỗi chu kỳ, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành điện ngày càng trở nên cấp thiết. Hiện nay, hơn 51% cán bộ, nhân viên của EVN là kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp đại học, cho thấy vai trò then chốt của giáo dục đại học trong việc đảm bảo nguồn lực cho ngành".

Sự phối hợp giữa EVN và các trường đại học tự chủ càng sâu sắc thông qua hợp đồng kinh tế đào tạo, thể hiện rõ trách nhiệm và vai trò của đôi bên. Thông qua quá trình đào tạo, chúng tôi phát hiện nhu cầu, xác định rõ chương trình, đội ngũ, từ đó tạo điều kiện cho sinh viên phù hợp tiếp cận làm việc tại doanh nghiệp.

EVN còn trao học bổng cho sinh viên xuất sắc, đặt hàng đề tài nghiên cứu khoa học, phối hợp với giảng viên giải các bài toán lớn, cấp thiết của ngành điện. Chúng tôi còn xây dựng khung năng lực đầy đủ dựa trên số hóa để mỗi nhân viên nhìn thấy lộ trình phát triển, lựa chọn ngành nghề, trường đào tạo phù hợp. Hiện đã triển khai các chương trình phát triển chuyên gia (trong 3 năm, tổ chức 45 chương trình cho 100 lớp, gần 3.000 lượt cán bộ nhân viên đào tạo chuyên sâu). Ngoài ra, chúng tôi ứng dụng mạnh mẽ đào tạo số, e-learning.

EVN kỳ vọng các trường đại học tự chủ sẽ tham gia sâu hơn, nâng cấp bài giảng, phòng thí nghiệm, bổ sung các kỹ năng thực hành, đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Nếu sinh viên không được trang bị đầy đủ kỹ năng tư duy đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng giải quyết các bài toán lớn thì khó đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường doanh nghiệp hiện đại.

Tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý

Tự chủ đại học là bước tiến tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục, nhưng đi kèm với nó luôn là yêu cầu rõ ràng về trách nhiệm giải trình và giám sát. Một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là sự nhầm lẫn giữa “tự chủ” và “buông lỏng quản lý” - khi một số cơ sở cho rằng tự chủ là có thể toàn quyền quyết định mọi hoạt động, mà thiếu đi cơ chế hậu kiểm hiệu quả.

Bàn về hệ thống kiểm định, giám sát và hậu kiểm minh bạch, hiệu lực, nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng và khuyến khích đổi mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc chia sẻ: "Chúng ta phải thống nhất rằng tự chủ không phải là buông lỏng quản lý. Nhà nước cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ, luôn có các cơ chế giám sát từ tiền kiểm đến hậu kiểm đi kèm.

Xu thế hiện nay và trong tương lai là tăng cường công tác hậu kiểm. Nhà nước đóng vai trò "kiến tạo", ban hành các chính sách về các quy chuẩn chung như chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Còn tất cả hệ thống hậu kiểm nhằm giám sát sự vận hành, đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học.

Trong thời gian này, tư tưởng cũng cần phải thúc đẩy, xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng từ bên trong, cũng như tạo ra các mô hình quản trị mới trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Song song với đó, cần đẩy mạnh trách nhiệm giải trình và tăng cường sự giám sát của Nhà nước, của xã hội và người học đối với tất cả các hoạt động vận hành của cơ sở giáo dục đại học công lập.

Tất cả những tư tưởng này đang được chuyển hóa vào Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Dự kiến, Luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10/2025, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho giai đoạn phát triển mới".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm (trái) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi chia sẻ quan điểm về kiểm định chất lượng đại học tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm (trái) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi chia sẻ quan điểm về kiểm định chất lượng đại học tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Một khía cạnh khác cũng rất được quan tâm, đó là ai sẽ tham gia vào quá trình kiểm định ấy, và tiếng nói của xã hội sẽ được lắng nghe ra sao?

Thầy Yêm nhận định, việc kiểm định và đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó có các trường đại học có rất nhiều cách đánh giá. Tuy nhiên có một kênh đánh giá khá chính xác, hiệu quả chính là từ phía nhân dân, của phụ huynh, đặc biệt là của sinh viên sau thời gian ra trường, từ thực tiễn việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các cơ quan.

Kênh này hoạt động song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo như ủy ban kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… sẽ giúp cho tự chủ đại học ngày càng hoàn thiện và tốt hơn.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi cho rằng, ngoài các kênh trên, cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng của các trường đại học tự chủ có thể thực hiện thông qua cơ chế kiểm định của các tổ chức quốc tế.

Ngọc Huyền