Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, các hình thức lừa đảo cũng ngày càng trở nên tinh vi và khó nhận biết hơn. Đáng lo ngại, sinh viên – nhóm đối tượng thường thiếu kinh nghiệm sống, còn đang trong quá trình học tập và rèn luyện – lại trở thành "mục tiêu" của nhiều chiêu trò lừa đảo.
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã phát đi cảnh báo về việc kẻ gian tạo ra các email mạo danh, yêu cầu sinh viên xác thực tài khoản.
Thông tin giả mạo ghi: “Tài khoản của sinh viên đã bị hạn chế do lỗi xác thực và vì mục đích cập nhật bảo mật, vui lòng hoàn tất quy trình xác thực để lấy lại toàn quyền truy cập vào tài khoản của bạn”. Đính kèm nội dung trên là đường link lạ để thực hiện đánh cắp thông tin cá nhân nếu người dùng truy cập.
Không chỉ xuất hiện tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường đại học cũng ghi nhận các phương thức lừa đảo tương tự nhắm vào sinh viên. Những email, cuộc gọi giả mạo từ đối tượng xấu với nội dung đa dạng, tinh vi, gây thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng đến tâm lý sinh viên.
Nhiều thủ đoạn giả mạo tinh vi chữ ký, con dấu của ban giám hiệu nhà trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Trưởng phòng, Phòng Công tác người học và đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, qua quá trình làm việc và phản ánh từ sinh viên, nhà trường ghi nhận một số đối tượng đã tiếp cận sinh viên qua email, cuộc gọi, mạng xã hội… với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, các chiêu trò thường “núp bóng” chương trình du học, giao lưu, trao đổi sinh viên quốc tế nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc thông tin cá nhân của sinh viên.
Các văn bản của đối tượng lừa đảo gửi đến sinh viên thường mạo danh nhà trường, sử dụng chữ ký, con dấu giả mạo ban giám hiệu. Do thiếu kỹ năng nhận biết, nhiều sinh viên không phân biệt được tính xác thực của các tài liệu này, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai thông tin: "Nhà trường luôn cảnh báo sinh viên về các hình thức lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, trong năm học 2024-2025, Phòng Công tác người học và đảm bảo chất lượng đã ghi nhận 2 trường hợp sinh viên bị lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng xấu đã gửi email mạo danh nhà trường tới sinh viên, thông báo sinh viên được đi trao đổi học tập ở nước ngoài và yêu cầu đóng tiền.
Kỳ I của năm học, một sinh viên bị lừa đảo, chiếm đoạt gần 130 triệu đồng. Nhà trường đã hỗ trợ em ổn định tâm lý và hướng dẫn sinh viên cùng gia đình trình báo cơ quan chức năng. Trường hợp còn lại xảy ra vào tháng 3/2025, sinh viên và gia đình có nguy cơ bị lừa mất khoảng 100 triệu đồng nhưng may mắn nhà trường đã phát hiện và kịp thời thông báo, hỗ trợ thông tin, ngăn gia đình sinh viên chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Không chỉ email của sinh viên, ngay cả các kênh email chính thống của phòng, ban nhà trường cũng nhận được những thư điện tử có nội dung mang dấu hiệu lừa đảo. Điều này cho thấy thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, có thể len lỏi vào cả hệ thống liên lạc chính thức, đòi hỏi sự cảnh giác cao độ từ cả phía cán bộ và sinh viên".
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Lương Tuấn Long - Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên, Trường Đại học Mở Hà Nội cho hay: “Thời gian gần đây, nhà trường nhận được một số phản ánh từ sinh viên về các hình thức tiếp cận đáng ngờ qua điện thoại và mạng xã hội, như giả danh cơ quan công an, mời chào việc làm hoặc thông báo trúng thưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp sinh viên nào bị thiệt hại do các hành vi lừa đảo công nghệ cao gây ra.
Đây là tín hiệu tích cực, song cũng cho thấy nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho sinh viên trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi”.
Theo Thạc sĩ Lương Tuấn Long, các hình thức lừa đảo hiện nay thường nhắm vào 2 yếu tố tâm lý phổ biến của sinh viên là lòng tham và sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Một số thủ đoạn thường gặp gồm: giả mạo thông báo trúng thưởng, tặng quà miễn phí, hoặc mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Điểm chung của các chiêu trò này là tạo cảm giác hấp dẫn hoặc gây hoang mang tâm lý, nhằm khiến nạn nhân mất cảnh giác. Đối tượng dễ bị tác động nhất là những sinh viên mới rời xa gia đình, còn thiếu kinh nghiệm sống và kỹ năng xử lý tình huống xã hội.
Để chủ động ứng phó với tình trạng này, nhà trường đã và đang triển khai các hoạt động tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý của sinh viên, giúp các em nâng cao nhận thức, tăng khả năng tự bảo vệ trước các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp.

Nhà trường tăng cường phối hợp, chủ động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của sinh viên
Trong bối cảnh các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, trường học cần đóng vai trò chủ động trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như cảnh báo kịp thời để giúp sinh viên tự bảo vệ mình khỏi những mối nguy này.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ An cho biết, thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng lừa đảo nhắm vào sinh viên dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều trường đại học cũng đã phát đi cảnh báo về việc các đối tượng lợi dụng danh nghĩa trường đại học để “mời gọi” sinh viên tham gia chương trình thực tập sinh, trao đổi quốc tế nhằm mục đích lừa đảo.
Trước tình hình đó, nhà trường thường xuyên nhắc nhở sinh viên nâng cao ý thức, tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của đối tượng lừa đảo, đặc biệt là những hình thức tiếp cận qua internet và các nền tảng mạng xã hội.
Cùng với đó, nhà trường gửi công văn cảnh báo tới các khoa đào tạo, sau đó triển khai đến cố vấn học tập và sinh viên thông qua các buổi họp lớp, nhóm Zalo lớp hoặc các hình thức trao đổi trực tuyến. Cố vấn học tập cũng trực tiếp nhắc nhở sinh viên không chủ quan trước cuộc gọi lạ hoặc thông tin đáng ngờ từ bên ngoài.
Trong công văn gửi sinh viên, nhà trường cũng khuyến cáo khi nhận được cuộc gọi lạ, sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay gia đình theo yêu cầu của người lạ. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, sinh viên cần báo ngay cho nhà trường hoặc cơ quan công an để kịp thời xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Đầu năm học, trong tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, nhà trường cũng tổ chức các buổi chuyên đề, lồng ghép nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho sinh viên trên không gian mạng. Nhà trường đã mời chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ đến tập huấn, giới thiệu những kiến thức và kỹ năng về công nghệ mới cho sinh viên, đồng thời phòng tránh các hình thức lừa đảo công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Phòng Công tác sinh viên duy trì đường dây nóng, luôn sẵn sàng hỗ trợ khi sinh viên gặp tình huống bất ngờ từ đối tượng lạ. Trường đã thành lập tổ tư vấn sinh viên với chức năng hỗ trợ toàn diện các vấn đề liên quan đến người học, trong đó, có vấn đề về phòng tránh lừa đảo. Mỗi cán bộ trong tổ được phân công phụ trách một số lớp, nhằm nắm bắt tình hình của sinh viên một cách kịp thời và phối hợp xử lý, góp phần bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho sinh viên.
Trước thủ đoạn lừa đảo nhắm vào sinh viên ngày càng tinh vi, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, nhà trường đã tăng cường cảnh báo cho sinh viên thông qua cố vấn học tập, trợ lý sinh viên, cán bộ đoàn, hội và lớp trưởng.
Phòng Công tác người học và đảm bảo chất lượng cũng đã ban hành các công văn, thông báo cụ thể để hướng dẫn sinh viên nhận diện và phòng tránh các chiêu trò lừa đảo. Bên cạnh đó, cán bộ, giảng viên của nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi các em bị đối tượng lừa đảo nhắm đến.
Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên rơi vào bẫy lừa đảo do bị thao túng tâm lý, thiếu kỹ năng nhận diện nguy cơ. Do đó, các buổi tập huấn, trao đổi với lực lượng công an, chuyên gia công nghệ và giảng viên nhà trường đã trở thành một kênh định hướng quan trọng. Từ khi đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vào đầu học kỳ II, năm học 2024–2025, số trường hợp sinh viên gặp phải các hình thức lừa đảo đã giảm đáng kể, nổi bật là nhà trường đã kịp thời ngăn chặn một sinh viên có nguy cơ bị lừa đảo.
Ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, tư tưởng, chuyên đề cho sinh viên, phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công An (A03) để tuyên truyền, hướng dẫn sinh viên nhận diện hình thức lừa đảo. Mục tiêu là giúp sinh viên nhận biết sớm và chủ động phòng tránh, hạn chế tối đa rủi ro bị lừa đảo trực tuyến.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh: “Chỉ khi nhận được thông tin chính thức từ Phòng Công tác người học và đảm bảo chất lượng hoặc các đơn vị chức năng của nhà trường trên các kênh chính thống, sinh viên mới thực hiện các hướng dẫn, trao đổi nội dung liên quan đến kinh phí. Nhà trường khuyến cáo sinh viên tuyệt đối không làm theo các chỉ dẫn qua mạng hoặc thông tin không rõ nguồn gốc, tránh rơi vào bẫy lừa đảo”.
Trong khi đó, Thạc sĩ Lương Tuấn Long cho hay, Trường Đại học Mở Hà Nội đã lồng ghép nội dung phòng, chống tội phạm công nghệ cao vào tuần sinh hoạt công dân sinh viên. Nhà trường đã mời báo cáo viên từ Công an thành phố Hà Nội đến chia sẻ về những thủ đoạn lừa đảo phổ biến và kỹ năng phòng tránh trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, các cảnh báo và hướng dẫn nhận diện hành vi lừa đảo cũng được nhà trường thường xuyên cập nhật, đăng tải trên website, fanpage và hệ thống thông báo nội bộ, nhằm giúp sinh viên chủ động nâng cao cảnh giác và phòng tránh hiệu quả.
Đồng thời, Phòng Công tác chính trị và sinh viên nhà trường là đơn vị đầu mối tiếp nhận mọi phản ánh từ sinh viên liên quan đến các hành vi bất thường, dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật. Sinh viên có thể liên hệ qua email, điện thoại hoặc đến trực tiếp văn phòng để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Trong những trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn cho sinh viên.

Đặc biệt, Trường Đại học Mở Hà Nội đã ký kết hợp tác với Công an thành phố Hà Nội nhằm phối hợp trong công tác giáo dục pháp luật, tuyên truyền phòng chống tội phạm và triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong môi trường học đường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang mở rộng hợp tác với các chuyên gia an ninh mạng và tổ chức xã hội uy tín để xây dựng các chương trình, tọa đàm, hội thảo nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho sinh viên, trong bối cảnh hành vi vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi, phức tạp.