Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân là đại biểu Quốc hội 2 khóa

05/07/2025 06:32
Trần Trang
Theo dõi trên Google News

GDVN - Bà Lê Thị Thanh Xuân giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk mới, sau khi Đắk Lắk và Phú Yên sáp nhập.

Sau khi Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 được ban hành, tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk sáp nhập thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 03/07/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk công bố các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm và công nhận chức vụ lãnh đạo đối với người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị cấp sở trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bà Lê Thị Thanh Xuân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk (cũ) giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, thời hạn 5 năm kể từ ngày 2/7/2025.

Ngoài ra, 6 cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk gồm: ông Đỗ Tường Hiệp, ông Lưu Tiến Quang, bà Lê Thị Kim Oanh, ông Nguyễn Xuân Đá, ông Phạm Huy Văn, bà Võ Thị Minh Duyên.[1]

Nữ cán bộ hơn 25 năm gắn bó với giáo dục Đắk Lắk

Bà Lê Thị Thanh Xuân sinh năm 1977, quê xã Đạ M’Rong, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, là người dân tộc MNông. Bà là tiến sĩ Văn hóa dân gian, cử nhân Sư phạm Ngữ văn.

101120231238-le-thi-thanh-xuan-9287.jpg
Bà Lê Thị Thanh Xuân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: quochoi.vn.

Quá trình công tác của Giám đốc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk như sau:

Tháng 10/1999 - tháng 9/2002: Hợp đồng giảng dạy tại Khoa Dự bị Đại học, Trường Đại học Tây Nguyên.

Tháng 10/2002 - tháng 11/2002: Giáo viên Trường cấp 2,3 Cao Bá Quát, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 12/2002 - tháng 9/2007: Chuyên viên phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 10/2007 - tháng 3/2010: Chuyên viên phòng Tổ chức, cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 3/2010 - tháng 5/2012: Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk.

Tháng 6/2012 - tháng 7/2012: Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk.

Tháng 7/2012 - tháng 2/2013: Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk.

Tháng 2/2013 - tháng 9/2016: Bí thư Chi bộ (đến tháng 10/2016), Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk. Đại biểu Quốc hội khóa XIV (từ tháng 7/2016).

Tháng 10/2016 - tháng 3/2021: Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk kiêm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk (tháng 9/2017 - tháng 1/2019); Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2015-2020; 2020-2025 (từ tháng 12/2019); Tỉnh ủy viên (từ 10/2020).

Tháng 3/2021 - tháng 7/2021: Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ.

Tháng 7/2021: Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 8/2022: Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 8/2024: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 12/2024: Nghị quyết số 1332/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phê chuẩn đồng chí thôi giữ chức vụ Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk do chuyển công tác.[2]

Trong quá trình công tác ở cương vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk (cũ), bà Xuân tham gia các ban chỉ đạo do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phân công; Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm.

Tham gia các Dự án, Đề án: Kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên; Đào tạo theo nhu cầu xã hội; Phát triển giáo dục trung học giai đoạn II; Giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất giai đoạn II.[3]

Sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk – Phú Yên, cơ hội để giáo dục cất cánh

Sau khi sắp xếp, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên là 18.096,40 km2, quy mô dân số là 3.346.853 người. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đắk Lắk mới được đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột.[4]

Trước khi sáp nhập, năm học 2024 - 2025 được cho là năm học có nhiều bứt phá đối với ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk. Điều này được thể hiện ở những thành tích nổi bật mà ngành giáo dục tỉnh này đã đạt được như: Hoàn thành, vượt chỉ tiêu được giao về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chất lượng giáo dục học sinh dân tộc được nâng lên.

Dấu ấn nổi bật nhất là thành tích xuất sắc trong giáo dục mũi nhọn, cụ thể số lượng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông của tỉnh Đắk Lắk năm 2024 tăng vượt bậc, đứng đầu 10 tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ và top 20 toàn quốc.

Cụ thể, với 72 giải, trong đó có 2 giải nhất,13 giải nhì, 18 giải 3 và 39 giải khuyến khích, có 3 học sinh ở các môn Tin học, Toán được chọn cử tham dự vòng 2 (vòng tuyển chọn học sinh tham dự các kỳ thi quốc tế). Đây là thành tích học sinh giỏi cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Đắk Lắk.[5]

3-1.jpg
Một tiết học ở Trường Tiểu học Ama Trang Lơng (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Về phía tỉnh Phú Yên, năm học 2024-2025, chất lượng giáo dục các cấp được duy trì và từng bước nâng lên. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm 2024, tỉnh Phú Yên đạt 50 giải/90 thí sinh dự thi. Đây là năm tỉnh Phú Yên có số lượng giải nhiều nhất, chất lượng giải cao nhất và tất cả các môn thi đều đạt giải; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh có 3/3 dự án dự thi đạt giải; Hội thi Trạng nguyên tiếng Việt cấp quốc gia năm học 2024-2025 có 6/6 học sinh tham đạt giải.

Ngành Giáo dục tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và quá trình lựa chọn sách giáo khoa và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương các lớp được Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị chu đáo từ đầu năm học, chủ động triển khai đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; kết quả lựa chọn sách giáo khoa các cấp diễn ra công bằng, dân chủ, khách quan phù hợp với đặc điểm địa phương.

Thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được giữ vững, chỉ số cải cách hành chính năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo được xếp loại Tốt, giữ vững vị thứ 4/20 sở, ngành của tỉnh.[6]

lvch-2.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh (trước thuộc tỉnh Phú Yên) tham gia chương trình Trải nghiệm STEM. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên.

Dù vậy, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk (mới) cũng đứng trước những khó khăn, thách thức trong tiến trình đổi mới.

Trong đó, tỉnh có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học ở vùng khó khăn, ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Chất lượng giáo dục đang có sự chênh lệch giữa vùng sâu, vùng xa so với vùng trung tâm.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu và không đồng bộ, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trường học kiên cố hoá vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở còn có những bất cập. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk (cũ), tỷ lệ học sinh tham gia học các chương trình giáo dục thường xuyên, các trường nghề thấp (hơn 10%) so với mục tiêu phân luồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (trên 30%).

Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các nhà trường; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, thiếu giáo viên dạy các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk (cũ) còn thiếu hơn 1.200 giáo viên. Tỉnh Phú Yên cũng phải tuyển bổ sung cả nghìn biên chế giáo viên, nhưng vẫn còn chưa đáp ứng đủ cho bậc mầm non và tiểu học.[7]

Sau sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk mới sở hữu cả núi và biển, có nguồn tài nguyên phong phú và tiềm năng kinh tế lớn. Đây chắc chắn là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy giáo dục địa phương khởi sắc, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên – Nam Trung Bộ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baodaklak.vn/chinh-tri/202507/cong-bo-cac-quyet-dinh-cua-chu-tich-ubnd-tinh-dak-lak-ve-cong-tac-can-bo-8c9070b/

[2] https://baucuquochoi.vn/nhan-su/le-thi-thanh-xuan-631.vnp

[3] https://gddt.daklak.gov.vn/ban-giam-doc-2

[4]https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chi-tiet-34-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-tu-12-6-2025-119250612141845533.htm

[5]https://giaoduc.net.vn/pho-giam-doc-so-gd-dak-lak-neu-cach-vuot-kho-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post249022.gd

[6]https://phuyen.edu.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-su-kien/nganh-giao-duc-tinh-phu-yen-tong-ket-nam-hoc-2024-2025.html

[7] https://thanhnien.vn/phu-yen-do-mat-tuyen-giao-vien-185240819171233501.htm

Trần Trang