Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. [1]
Cần đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng chống lãng phí
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội nhìn nhận, thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng chống lãng phí.
Ông Lê Như Tiến bày tỏ: "Thông thường, khi đề cập đến kỷ luật, cách chức hay cán bộ bị đưa vào vòng lao lý, chúng ta thường thấy là những trường hợp tham nhũng. Tuy nhiên, lãng phí cũng có thể gây thiệt hại to lớn - như lãng phí từ các dự án công trình mà sau khi hoàn thành không được quản lý tốt hay các khoản đầu tư không được sử dụng hợp lý... Lãng phí thường khó xác định cụ thể và khó chỉ rõ ai là người phải chịu trách nhiệm".
Theo ông Tiến, mặc dù đã có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng việc thực thi trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, vẫn còn nhiều tài sản, nguồn lực của xã hội đang bị lãng phí.
"Chúng ta cần phải đánh thức những khu "đất vàng, đất ngọc" ở một số nơi đang bị lãng phí qua nhiều năm. Nếu để đất đai bỏ hoang, chúng ta đang lãng phí tài nguyên quý giá. Những công trình lớn đã được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng đến nay vẫn không được sử dụng hiệu quả. Điều này thể hiện rõ nhất sự lãng phí", ông Tiến nhìn nhận.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, đầu tư lớn nhưng không mang lại hiệu quả thể hiện rõ sự lãng phí, làm thất thoát tài sản công cũng như tài sản xã hội. Nếu không kiểm soát tình trạng lãng phí thì có thể tạo điều kiện cho tham nhũng. Bởi "tham nhũng và lãng phí là hai anh em sinh đôi cản đường cất cánh của đất nước. Lãng phí và tham nhũng có mối liên hệ mật thiết, đều gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và làm suy giảm lợi ích xã hội.
Thực tế, vẫn còn nhiều tài sản cũng như nguồn lực xã hội đang bị lãng phí. Ông Tiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là vấn đề quản lý còn thiếu hiệu quả. Khi xây dựng các công trình, dự án, cần đặc biệt xác định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc quyết định đầu tư.
"Thời gian vừa qua, tôi theo dõi thông tin trên báo chí về các buổi tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhiều cử tri đã phản ánh về vấn đề phải chống lãng phí. Để chống lãng phí có hiệu quả cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là những người đứng đầu. Tôi cho rằng đã đến lúc cần hình thành văn hóa chống lãng phí. Nếu một công trình gây lãng phí lớn, người đứng đầu cần phải chịu trách nhiệm. Đây chính là cách thể hiện văn hóa chống lãng phí và chống tham nhũng. Bên cạnh đó, sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng.
Đối với cán bộ, trước hết, họ phải thực sự là những người chống lãng phí. Họ cần phải thực hành tiết kiệm và chuyển hóa ý thức thành hành động cụ thể như kiểm tra, giám sát và phát hiện những điểm lãng phí", ông Tiến nói.
Bên cạnh đó, nhiều băn khoăn về đào tạo và sử dụng nguồn lao động hiện nay, có tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm hoặc làm trái ngành, theo ông Tiến, để tránh lãng phí nguồn nhân lực, cần gắn kết nhu cầu sử dụng lao động với chất lượng đào tạo. Chúng ta cần xác định rõ nhu cầu thị trường lao động để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực.
Phòng chống lãng phí là một quá trình kiên quyết, kiên trì và lâu dài
Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nhìn nhận, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác phòng chống lãng phí.
Tuy nhiên, theo Đại biểu, trên thực tế, vấn đề lãng phí vẫn còn tồn tại "nhức nhối" trong xã hội. Đó là lãng phí về nguồn lực, tài chính và các dự án đầu tư không hiệu quả... Những lãng phí này để lại hậu quả về mặt kinh tế cũng như làm sụt giảm niềm tin của nhân dân đối với cán bộ.
"Gần đây, công tác phòng chống lãng phí trở thành một nhiệm vụ quan trọng, theo tôi, điều này là thiết thực và hết sức cần thiết. Chúng ta có thể thấy, có nhiều dự án "đắp chiếu" gây lãng phí hay có dự án mặc dù tiêu tốn nguồn lực nhưng lại hoạt động không hiệu quả. Điều này đều ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Vì vậy, để công tác phòng chống lãng phí thực sự đạt hiệu quả, ngoài việc quy định rõ ràng, cần phải có trách nhiệm (có thể xử lý hình sự, nếu cần) những người đứng đầu và những người trực tiếp tham mưu, triển khai các dự án. Chúng ta cần xác định rõ mức độ lãng phí là bao nhiêu và trách nhiệm thuộc về tập thể hay cá nhân nào, từ đó quy trách nhiệm cụ thể.
Việc này giúp nâng cao trách nhiệm không chỉ ở mức hành chính mà còn ở cả mức hình sự để đảm bảo các cá nhân liên quan đến quản lý và triển khai dự án có trách nhiệm. Đây cũng là cơ sở để hạn chế tiêu cực, ngăn chặn nhóm lợi ích cá nhân lợi dụng đầu tư công và ngân sách để trục lợi. Tôi cho rằng chúng ta cần kiên quyết trong vấn đề này để có thể khắc phục tình trạng lãng phí", Đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Đại biểu cũng cho rằng, trong giai đoạn tới, rất cần thiết hình thành văn hóa chống lãng phí. Ngoài việc tuyên truyền và phổ cập trong hệ thống giáo dục để nâng cao ý thức, chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác phòng chống lãng phí một cách thực chất. Trong quá trình này, theo Đại biểu, việc tuyên truyền về hình thức xử lý cũng rất quan trọng.
Đại biểu Trương Xuân Cừ chia sẻ: "Chúng ta cần phong phú hình thức tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, lãng phí đồng thời cũng cần tiếp tục tuyên truyền về các vụ án liên quan đến lãng phí. Tuyên truyền trong trường học, trên mạng xã hội, và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Song song, phải xử lý nghiêm đối với những dự án và cá nhân đã làm lãng phí tài sản của quốc gia".
Phòng chống lãng phí cần được thực hiện liên tục, toàn diện và quyết liệt
Đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ, để có thể giành thắng lợi trong "cuộc chiến" phòng chống lãng phí cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trước hết, chúng ta cần phải có quy định cụ thể để xử lý các vấn đề lãng phí, từ mức độ lãng phí đến hình thức xử lý. Việc xử lý cá nhân vi phạm cần được luật hóa rõ ràng để có tính răn đe.
Ngoài ra, cũng có khía cạnh lãng phí về nguồn nhân lực, với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hoặc làm đúng chuyên môn còn thấp, điều này gây lãng phí cho xã hội. Chúng ta cần nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và có các quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan.
"Trong năm 2025, tôi hy vọng rằng công tác phòng chống lãng phí sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Công tác này sẽ khó có hiệu quả ngay lập tức mà cần một quá trình kiên quyết, kiên trì lâu dài để mỗi cá nhân và tập thể đều có trách nhiệm khi gây ra lãng phí", Đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhìn nhận, trước đây vấn đề lãng phí chưa được chú ý đúng mức. Lãng phí thực sự là một vấn nạn nghiêm trọng. Việc lãng phí đã gây tổn thất lớn cho tài sản của đất nước, đáng nói là một bộ phận cán bộ vẫn không nhận ra rằng việc lãng phí là lỗi của họ. Điều này rất nguy hiểm, vì vậy việc đẩy mạnh phòng chống lãng phí là cần thiết, quan trọng như việc phòng chống tham nhũng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, lãng phí không chỉ ảnh hưởng đến tài sản công mà còn làm chậm tiến độ phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Theo đó, phòng chống lãng phí cần được thực hiện liên tục, toàn diện và quyết liệt thì sẽ hạn chế được vấn nạn này, từ các cơ quan nhà nước, công sở cho đến nếp sống của từng gia đình.
Bà An cũng bày tỏ, vẫn có một bộ phận cán bộ còn coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, bởi lâu nay, xem lãng phí là hành vi cần khắc phục. Bên cạnh đó, tâm lý ngại thay đổi, ngại "va chạm" cũng khiến nhiều người không coi lãng phí là một vấn đề nghiêm trọng.
Để khắc phục tình trạng này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, cần nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn lãng phí và thiết lập chế tài xử lý phù hợp hơn. Bên cạnh đó, chú trọng đến việc tuyên truyền thay đổi thói quen tiêu dùng hợp lý của người dân. Việc này không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn có thể sử dụng nguồn lực tiết kiệm vào các hoạt động có ích hơn cho cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-ve-chong-lang-phi-post246200.gd