Đến điểm trường thâm sơn cùng cốc, “cứ trời mưa là đi bộ"

29/01/2023 06:50
Bài và ảnh: Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Gắn bó với giáo dục suốt gần 16 năm, cô giáo Lan vẫn nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên được học sinh tặng hoa trong năm vừa đến điểm trường “cứ trời mưa là đi bộ”.

Cứ trời mưa là đi bộ đến gần tiếng rưỡi

Vượt qua những con dốc đứng với đất đá trơn trượt, kéo dài suốt hơn chục cây số từ trung tâm huyện, sau hơn một tiếng vít ga mỏi cổ tay, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân được đến điểm trường Là Lũng - Trường Mầm non Lao Và Chải (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang).

Không gian lớp học nhỏ bé, lọt thỏm giữa những vách đất và những tán cây rừng, chính là nơi các cô giáo mầm non đang ngày ngày ươm mầm xanh đất nước.

Gắn bó với điểm trường Là Lũng suốt hơn 5 năm, cô giáo Vàng Thị Lan (sinh năm 1985) đã có không ít những kỷ niệm nhớ đời: “Tốt nghiệp và bắt đầu đi dạy trẻ từ năm 2007, nhưng tôi mới đến điểm trường Là Lũng này được hơn 5 năm. Trước đây, khi mới ra trường, điểm trường nào cũng khó khăn đều, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, điện, nước, đường sá đều không có.

Đến nay, khi đã có những thay đổi nhất định, thì điểm trường Là Lũng này vẫn là một trong những điểm khó khăn nhất, được xem như “thâm sơn cùng cốc”, đi lại rất vất vả trong huyện.

Cô giáo Vàng Thị Lan với gần 16 năm gắn bó với sự nghiệp ươm mầm tri thức.

Cô giáo Vàng Thị Lan với gần 16 năm gắn bó với sự nghiệp ươm mầm tri thức.

Vào ngày nắng, chúng tôi còn có thể đi xe máy vượt qua những con dốc khúc khuỷu kia, chứ đến ngày mưa thì chỉ có nước “bó tay”. Đi được đoạn đường ấy, các thầy giáo còn khó khăn, chứ đừng nói đến các cô, tay lái yếu như chúng tôi. Thế nên, ngày mưa là chúng tôi lại đi bộ vào điểm trường. Hôm nào mưa nhẹ thì đi bộ mất khoảng 1 tiếng, nhưng hôm nào mưa lớn, đường trơn lầy hơn, thì có khi tôi phải đi bộ mất gần tiếng rưỡi mới vào đến điểm trường...

Vất vả là vậy, nhưng tôi còn biết có những cô giáo đã đi bộ suốt hơn 30 năm để gắn bó với những điểm trường xa xôi như thế này, nên tôi cũng phần nào được truyền thêm động lực để bước tiếp”.

Ngừng lại một lát, cô Lan tiếp tục chia sẻ: “Ở thôn này, các hộ dân xung quanh cũng mới có điện được một thời gian, nhưng riêng ở điểm trường vẫn chưa có, nên chúng tôi chủ động xin mắc điện từ nhà dân sang, phục vụ thắp sáng cho học sinh vào những ngày thời tiết âm u.

Như bây giờ còn đỡ, chứ hồi trước, khi cả thôn chưa có điện, hễ cứ gặp ngày mưa to gió lớn, chúng tôi không về nhà được, đành ở lại điểm trường, tối đến chỉ có nước thắp đèn dầu để soạn bài, chấm bài. Vào mùa mưa thì xác định ở lại điểm trường cả tuần, nên mỗi khi có dịp về nhà, chúng tôi lại chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm, mang theo vào điểm trường, phòng khi mưa lớn. Cũng may mắn là bà con ở đây cũng rất quý các cô giáo, nên thỉnh thoảng cũng đem ít rau, ít bí đến cho cô giáo cải thiện bữa ăn...”.

“Điểm chung của các cô giáo vùng cao là đều phải học từ học sinh trước, rồi mới có thể dạy học sinh, chúng tôi vẫn hay đùa như vậy” - đó là chia sẻ của cô Vàng Thị Lan khi nhắc đến những khó khăn khi dạy trẻ ở đây.

Điểm trường xa xôi, đi lại vất vả song cô Lan chưa từng vì lý do ấy mà vắng mặt buổi nào, với mong muốn học sinh của mình không quên mặt chữ.

Điểm trường xa xôi, đi lại vất vả song cô Lan chưa từng vì lý do ấy mà vắng mặt buổi nào, với mong muốn học sinh của mình không quên mặt chữ.

Là một cô giáo người dân tộc Giáy, nhưng học sinh lại chủ yếu là người Mông, nên với việc học tiếng để xóa tan rào cản ngôn ngữ giao tiếp, cô Lan cũng không ngoại lệ: “Phải mất khoảng 2 năm, tôi mới có thể giao tiếp với học sinh và phụ huynh bằng tiếng bản địa. Với các em nhỏ ở đây, hầu như khi nào chúng tôi cũng phải dạy song ngữ, kết hợp cả tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ của các em, thì các em mới có thể hiểu và làm theo được dễ dàng”.

Điểm trường Là Lũng có 2 lớp học, nên đồng hành với cô Lan, còn có một cô giáo khác. Nhờ vậy, cô Lan cho biết, không còn cảm thấy buồn mỗi khi trời mưa lớn, phải nghỉ lại điểm trường.

Bông hoa duy nhất được tặng trong suốt gần 16 năm ươm mầm

Trong ký ức của nữ giáo viên đã dành gần 16 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, có lẽ không thể quên được những buổi đi vận động học sinh. Cô Lan kể: “Tôi còn nhớ, suốt những năm đầu tiên khi mới đi dạy, câu chuyện đi vận động học sinh dường như luôn thường trực. Trong tất cả những ngày nghỉ, những buổi không có tiết, giáo viên chúng tôi đều chia nhau đến từng nhà để vận động trẻ ra lớp, mà các hộ dân ở đây sinh sống rất thưa thớt, có khi chỉ đi được vài nhà là đã hết nguyên buổi.

Bà con ở đây rất quý các cô giáo, cũng mong con được đi học, nhưng nhiều khi vì điều kiện đường sá đi lại khó khăn, mà trong gia đình, người lớn lại đi làm nương từ sớm, không có ai đưa con đi học, nên mới có chuyện học sinh đi học thất thường.

May mắn là đến nay, tỉ lệ học sinh đi học đã được cải thiện rất nhiều, phụ huynh cũng dần quan tâm hơn đến việc học của con, đưa con đến lớp đầy đủ hơn”.

Nhắc đến những kỷ niệm với học sinh, cô Lan bày tỏ: “Điều khiến tôi vui nhất chính là học sinh ở đây rất quý các cô, mặc dù chưa biết cách để biểu lộ lòng yêu mến ấy ra sao. Nhưng dù không còn học lớp cô Lan nữa thì mỗi khi gặp cô, các em đều khoanh tay chào rất ngoan. Có những học sinh sau nhiều năm đã trưởng thành, vẫn nhớ về cô giáo, có em lúc đi lấy chồng vẫn nhớ đến cô và mời cô giáo dự lễ cưới”.

“Suốt gần 16 năm cống hiến trong ngành giáo dục, tôi chưa khi nào nghĩ mình sẽ nhận được những món quà từ học sinh vào các dịp lễ, Tết. Bởi với tôi, điều khiến những cô giáo cảm thấy vui nhất chính là có thể dạy được cho học sinh biết tiếng phổ thông, biết đọc những bài thơ hay và phần nào hiểu được những bài học trong đó...

Nhưng tôi nhớ nhất vào một dịp lễ 20/11 khoảng 5 năm trước, cũng chính tại điểm trường này, lần đầu tiên tôi được một học sinh tặng một bông hoa. Mặc dù em học sinh ấy cũng không biết ý nghĩa của ngày lễ là gì, nhưng khi được tặng bông hoa, tôi cũng đã xúc động muốn khóc. Sau đó, khi vào lớp, tôi mới kể cho các bạn học sinh về ý nghĩa của ngày lễ đó - giống như ngày Tết của các thầy cô giáo... Tuy nhiên, đó cũng là bông hoa duy nhất mà tôi từng được nhận sau gần 16 năm qua, vì sau năm đó, em học sinh 5 tuổi ấy đã lên lớp 1, không học ở đây nữa” - nữ giáo viên nhớ lại.

Ngồi cạnh cô Lan, cô giáo Lưu Thị Liên (sinh năm 1996) cũng đang tràn ngập những ký ức.

Tâm sự với phóng viên, cô giáo Liên không ngần ngại chia sẻ thêm về những trăn trở của bản thân: “Học sinh vùng cao đã đi học là sẽ rất thích đến lớp, vì đến lớp, các em có bạn bè, có nhiều đồ chơi thú vị để cùng nhau chia sẻ.

Điểm trường Là Lũng (Trường Mầm non Lao Và Chải) kéo nhờ điện từ nhà dân nên việc sử dụng điện hằng ngày cũng hết sức tiết kiệm.

Điểm trường Là Lũng (Trường Mầm non Lao Và Chải) kéo nhờ điện từ nhà dân nên việc sử dụng điện hằng ngày cũng hết sức tiết kiệm.

Một trong những nhiệm vụ của giáo viên mầm non chúng tôi chính là sáng tạo nhiều đồ chơi cho học sinh. Có lẽ vì thế, quỹ thời gian của chúng tôi dành cho gia đình thường không có nhiều.

Ngày nào cũng vậy, sau khi lên lớp, chúng tôi lại tất bật chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Nhiều đêm phải chờ con ngủ, rồi mới tranh thủ làm đồ chơi cho trẻ, đồ trang trí ở lớp - đó cũng là một trong những bí quyết để các cô thu hút học sinh đi học.

Theo cô Liên, các cô giáo mầm non đầu tư thời gian làm đồ chơi cho học sinh, chính là một trong những cách giúp duy trì tỉ lệ trẻ ra lớp.

Theo cô Liên, các cô giáo mầm non đầu tư thời gian làm đồ chơi cho học sinh, chính là một trong những cách giúp duy trì tỉ lệ trẻ ra lớp.

Vì vậy, với giáo viên vùng cao như chúng tôi, đặc biệt là giáo viên mầm non, hầu như không có thời gian để làm thêm “nghề tay trái” nào mà kiếm thêm thu nhập. Vậy nên, tôi cũng rất mong, giáo viên mầm non vùng cao như chúng tôi sẽ ngày càng được quan tâm hơn nữa, có những chính sách hỗ trợ đặc biệt để giáo viên mầm non yên tâm công tác”.

Bài và ảnh: Mộc Trà