Tốt nghiệp xong, năm 2006 tôi được học bổng của Chính phủ Singapore và đến đây để học tiếp hệ cử nhân Tháng 5.2010, sau khi hoàn thành khóa học, mơ ước được học tiếp lên cao lại trỗi dậy, tôi lên mạng tìm hiểu và điểm đến mà tôi chọn là Mỹ. Giành hẳn thời gian một tháng đi vòng quanh nước Mỹ để tìm cơ hội bằng cách thi tuyển vào các trường âm nhạc. Kết quả của chuyến đi đó tôi đậu vào 8 trường.
Có nhiều cơ hội nhưng vấn đề là mình sẽ chọn trường nào khi trong tay có quá nhiều sự lựa chọn. Có những trường nằm tận phía Bắc, khí hậu rất lạnh, tôi đâm ra ái ngại. Sau khi lên mạng tìm hiểu, tôi quyết định chọn Moores School of Music thuộc University of Houston để học Master. Đây là trường mà tôi đã được cấp đến hai học bổng của Qũy cạnh tranh học tập và học bổng của nhà trường.
Houston cũng là vùng có cộng đồng người Việt đông đúc, khí hậu thích hợp. Một trong những lý do khiến tôi chọn nơi này, chính là bởi tên tuổi của những giáo sư. Với một ngành học nghệ thuật, tính đặc thù cao như Piano, việc lựa chọn giáo viên là điều hết sức quan trọng. Không chỉ giúp nâng cao khả năng cho bạn, giáo viên chính là người mà bạn tìm thấy sự phù hợp về “gu” thẩm mỹ, sự phối hợp ăn ý trong tập luyện và biểu diễn.
Đến bây giờ, người mà tôi biết ơn cả về chuyên môn lẫn cách đối xử trong cuộc sống suốt những năm học tại Moores School of Music chính là giáo sư Nancy Weems. Bà không chỉ là một giảng viên giỏi và nhiều kinh nghiệm về chuyên môn mà còn là người cực kỳ tình cảm. Ngày vừa đặt chân đến Mỹ để nhập trường, chính bà là người đã đón tôi, sắp đặt chỗ ăn nghỉ và hướng dẫn đường đi nước bước trong suốt quá trình học tại Mỹ.
Đã học tại Việt Nam và kinh nghiệm du học tại Singapore nhưng khi đặt chân đến Mỹ, tôi vẫn cảm thấy sự khác biệt trong phương pháp giảng dạy. Tại Moores School of Music, tính thực tế trong giảng dạy được đề cao, tôi không chỉ học biểu diễn Piano mà còn học thêm về các kỹ năng của phường pháp sư phạm, quản lý và kinh doanh. Tức là một nghệ sĩ không chỉ có khả năng biểu diễn mà còn được trang bị khả năng sư phạm cũng như quản lý cơ sở dạy nhạc.
Chương trình Master tại đây cũng yêu cầu sinh viên phải đọc sách thật nhiều. Hỗ trợ cho yêu cầu này là hệ thống thư viện rất đồ sộ của trường. Tại đây có rất nhiều tài liệu âm nhạc quý giá từ Anh, Pháp… Trong mỗi học kỳ, ngoài chương trình học, sinh viên bắt buộc phải có ít nhất 4 buổi biểu diễn với các ca sĩ thính phòng hoặc với nghệ sĩ chơi các nhạc cụ khác.
Giữa năm 2012 tôi hoàn thành chương trình Master và trở về Việt Nam mở Piano Studio. Đây không chỉ là cơ sở để tôi giảng dạy mà còn giúp mình áp dụng các kỹ năng quản lý đã học được. Bởi các ngành nghệ thuật không đơn thuần chỉ là biểu diễn trên sân khấu mà còn cả khả năng tổ chức, giảng dạy và quản lý.
Một kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ với các bạn du học sinh các ngành nghệ thuật nói chung và âm nói riêng chính là việc tìm hiểu ngôi trường bạn sẽ học và tìm hiểu về các giáo sư. Trong nghệ thuật, mỗi giáo sư sẽ có một gu thẩm mỹ khác nhau, có phương pháp cách thức để giúp bạn hòa hợp. Tìm được một giảng viên phù hợp sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh./.