Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào giáo dục và đào tạo. Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nêu một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng: "Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân; bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật....".
Đối với ngành giáo dục, hệ thống giáo dục tư thục chính là một bộ phận quan trọng của kinh tế tư nhân. Để hiểu rõ hơn về những đóng góp của cơ sở giáo dục tư thục trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều giáo viên, nhân viên trường học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu.

Xây dựng trường học của những công dân toàn cầu với nền tảng học thuật vững chắc
Chia sẻ về hành trình phát triển của nhà trường, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết: “Từ năm 1989, khi Đảng và Nhà nước bắt đầu chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường ngoài công lập dần có điều kiện hình thành và phát triển. Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu được thành lập năm 1991 theo Quyết định số 1679/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Người sáng lập là Đại tá, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh.
Những năm đầu, nhà trường đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ thiếu thốn cơ sở vật chất, nhân lực hạn chế đến định kiến xã hội với mô hình trường ngoài công lập. Tuy nhiên, với ý chí tiên phong, tâm huyết và tầm nhìn chiến lược của thầy Nguyễn Trọng Vĩnh cùng đội ngũ sáng lập, trường Nguyễn Siêu đã từng bước khẳng định vị thế là một trường học kiểu mẫu, tiên phong trong đổi mới giáo dục”.

Cô Thúy chia sẻ thêm, trải qua hơn ba thập kỷ phát triển, nhà trường đã phản ánh rõ nét các giai đoạn chuyển mình của khối giáo dục ngoài công lập tại Việt Nam: từ mô hình trường dân lập, chuyển đổi thành trường chất lượng cao, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong giảng dạy và sinh hoạt học đường, đến việc tích hợp chương trình quốc tế Cambridge vào chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam - một bước ngoặt chiến lược trong tiến trình hội nhập toàn cầu.
Trường Nguyễn Siêu là một trong những trường phổ thông đầu tiên tại Việt Nam triển khai chương trình Cambridge, bắt đầu thí điểm từ năm 2012 và chính thức gia nhập hệ thống các trường phổ thông quốc tế của Đại học Cambridge Vương quốc Anh (bậc trung học và bậc tiểu học) với mã số trường là VN236 từ năm 2014.
Năm 2023, Nguyễn Siêu trở thành ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam tiên phong theo đuổi triết lý giáo dục “High Performance Learning” (HPL - "Học tập siêu hiệu quả") của Anh quốc, nhằm giúp học sinh phát triển tư duy toàn cầu, phẩm chất lãnh đạo và khả năng sáng tạo trong môi trường học tập hạnh phúc.

Đánh giá về vai trò của hệ thống giáo dục ngoài công lập trong việc nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế, cô Thúy bày tỏ, khối giáo dục ngoài công lập đã và đang góp phần xây dựng môi trường học tập đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Với khả năng tự chủ và đổi mới, các trường tư thục có điều kiện tiếp cận nhiều mô hình, triết lý giáo dục tiên tiến, đưa học sinh hội nhập quốc tế mà vẫn giữ vững giá trị truyền thống, bản sắc Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ, hằng năm, 100% học sinh lớp 12 của trường Nguyễn Siêu đều đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển vào các trường đại học trong và ngoài nước, kết quả này cho thấy chất lượng đào tạo ổn định, toàn diện và không ngừng đổi mới của nhà trường.
Ngoài ra, nhiều học sinh còn xuất sắc giành học bổng tại các trường đại học hàng đầu thế giới ở Mỹ, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản,... Hơn nữa, nhiều em còn là thủ khoa đầu vào, đầu ra hoặc lọt vào top sinh viên tiêu biểu tại các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, học sinh Nguyễn Siêu liên tục khẳng định năng lực học thuật vượt trội qua các kỳ thi quốc tế. Nhiều học sinh đã đạt được danh hiệu Top in the world và Top in Vietnam - danh hiệu dành cho học sinh có điểm số cao nhất thế giới và cao nhất tại Việt Nam mỗi năm trong các môn học thuộc chương trình Cambridge IGCSE và AS/A Level (mô hình lớp theo chương trình song ngữ quốc tế).
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển ý tưởng sáng tạo cũng là thế mạnh nổi bật của nhà trường. Nhiều đề tài của học sinh đã đạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật, STEM cấp thành phố và toàn quốc, được đánh giá cao bởi tính thực tiễn và khả năng ứng dụng vào cuộc sống.

Với nền tảng vững chắc, uy tín học thuật của trường Nguyễn Siêu ngày càng được khẳng định khi thường xuyên xuất hiện trong danh sách trường học được đề cử học bổng trực tiếp từ nhiều trường đại học quốc tế. Đồng thời, nhà trường cũng là đối tác tin cậy của nhiều tổ chức giáo dục lớn trên thế giới.
Bên cạnh phát triển học thuật, nhà trường đặc biệt quan tâm đến giáo dục nhân cách và tinh thần trách nhiệm công dân toàn cầu cho học sinh. Các em được khuyến khích tham gia tích cực vào hoạt động thiện nguyện, chương trình kết nối cộng đồng, chiến dịch bảo vệ môi trường và xây dựng mô hình phát triển bền vững. Trong số đó, có nhiều sáng kiến do chính học sinh đề xuất và trực tiếp triển khai. Qua đó, các em không chỉ trưởng thành về nhận thức xã hội mà còn học cách hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Song song với hoạt động giảng dạy và đào tạo, cơ sở vật chất của nhà trường cũng không ngừng được đầu tư và hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu của một môi trường giáo dục toàn diện, phát triển cả trí tuệ – cảm xúc – thể chất – thẩm mỹ.
Nhà trường sở hữu hệ thống phòng học thông minh được trang bị bảng tương tác, thiết bị số hỗ trợ giảng dạy; thư viện mở với hàng nghìn đầu sách, không gian đọc sáng tạo, yên tĩnh và truyền cảm hứng.
Các phòng chức năng chuyên biệt như studio nghệ thuật, phòng thu âm, phòng âm nhạc, phòng múa, phòng thực hành công nghệ… được thiết kế hiện đại, kích thích sự sáng tạo cá nhân và phát triển năng lực nghệ thuật – công nghệ tích hợp. Hệ thống phòng thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học đạt chuẩn an toàn, giúp học sinh thực hành và phát triển tư duy khoa học từ sớm. Khu sáng tạo STEAM tích hợp máy móc hiện đại, công cụ lập trình, robot và vật liệu mở, là nơi học sinh được học qua dự án, trải nghiệm tư duy thiết kế và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, nhà trường đầu tư mạnh cho không gian rèn luyện thể chất và tinh thần. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là Vườn quốc tế – không gian sinh thái học đường với các loài cây bản địa và biểu tượng văn hóa từ các quốc gia có trường học đối tác, nơi học sinh Nguyễn Siêu trao đổi học tập và tham gia trại hè quốc tế. Khu vườn không chỉ là nơi học sinh thư giãn, quan sát thiên nhiên, mà còn là nơi diễn ra các tiết học ngoài trời, hoạt động trải nghiệm và kết nối văn hóa – môi trường sống.
Tất cả những yếu tố trên góp phần kiến tạo nên một môi trường giáo dục truyền cảm hứng, hiện đại, nhân văn và bền vững, nơi mỗi học sinh được khơi dậy tiềm năng, nuôi dưỡng đam mê và phát triển toàn diện.

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho cơ sở vật chất, quy tụ gần 250 cán bộ, giáo viên, nhân viên
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của Nghị quyết là đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội nhằm phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, đặc biệt khuyến khích các mô hình ngoài công lập tiên tiến, bền vững và có trách nhiệm.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, trong những năm qua, nhà trường luôn tích cực hưởng ứng chủ trương này, đồng thời nỗ lực thể hiện vai trò tiên phong trong xã hội hóa giáo dục.
Nhà trường đã và đang thực hiện xã hội hóa không chỉ bằng nguồn vốn đầu tư tài chính, mà còn thông qua việc kiến tạo mô hình giáo dục tư thục minh bạch, trách nhiệm xã hội và có ảnh hưởng lan tỏa tới cộng đồng giáo dục cả nước. Một số hoạt động và kết quả cụ thể gồm:
Thứ nhất, kiên định với chiến lược đầu tư bền vững. Kể từ năm 2014, trường Nguyễn Siêu đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất. Nhà trường không ngừng hoàn thiện hệ thống phòng học thông minh, thư viện mở, phòng thí nghiệm (lab), studio sáng tạo, sân thể thao liên hợp, không gian STEAM đổi mới và đặc biệt là khu vườn quốc tế – một không gian xanh mang tính wellbeing, giúp học sinh kết nối hài hòa với thiên nhiên.
Thứ hai, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao, thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn theo chuẩn Việt Nam và quốc tế. Hiện nay, trường Nguyễn Siêu quy tụ gần 250 cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc toàn thời gian – một tập thể chuyên nghiệp, năng động, được đào tạo bài bản và hưởng chính sách đãi ngộ cạnh tranh, hướng tới phát triển nghề nghiệp bền vững. Trong số đó, giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình quốc tế là 30 người.

Nhiều giáo viên của trường đã khẳng định vị thế chuyên môn khi trở thành giảng viên nòng cốt, giám khảo quốc tế, chuyên gia trong các chương trình đào tạo giáo viên Cambridge, qua đó góp phần lan tỏa chất lượng và chuẩn mực nghề nghiệp hệ thống giáo dục ngoài công lập.
Song song với đó, nhà trường còn đóng góp vào sứ mệnh kiến tạo và thúc đẩy giáo viên Việt Nam đạt chuẩn sư phạm quốc tế khi áp dụng mô hình đồng dạy và chính thức trở thành điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được ủy quyền bởi Học viện TES (Times Educational Supplement Institute) - Anh quốc từ năm 2023.
Thứ ba, nhà trường chú trọng tạo cơ hội học tập toàn diện cho học sinh. Mỗi năm, trường Nguyễn Siêu tiếp nhận khoảng 500 học sinh mới vào lớp 6 và lớp 10), đồng thời tiếp nhận thêm học sinh vào những khối lớp khác. Trong số đó, nhiều học sinh được nhận học bổng khuyến học của nhà trường, điều này nhằm thúc đẩy động lực học tập và ghi nhận sự nỗ lực của học sinh.

Thứ tư, góp phần chia sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước thông qua các hoạt động xã hội và hỗ trợ giáo dục. Hằng năm, trường Nguyễn Siêu duy trì đều đặn nhiều chương trình như giáo dục cộng đồng, hoạt động thiện nguyện, giao lưu quốc tế và đặc biệt là các khóa bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên phổ thông ngoài hệ thống. Những hoạt động thiết thực này không chỉ lan tỏa giá trị nhân văn mà còn góp phần cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện, từ đó giảm bớt áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư vào giáo dục chất lượng cao.
Thứ năm, lan tỏa ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực giáo dục. Với mô hình quản trị học đường hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế, trường Nguyễn Siêu đã trở thành điểm đến tham khảo của nhiều cơ sở giáo dục tư thục trong và ngoài nước. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nội lực, nhà trường còn chủ động tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội thảo và dự án đổi mới giáo dục ở trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.
Cần có thêm cơ chế ưu đãi về tài chính và đất đai
Để hệ thống giáo dục tư thục phát triển bền vững và thực sự trở thành một trong những trụ cột của nền giáo dục quốc dân, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ từ phía Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách đặc thù, minh bạch, thiết thực và khả thi.
Trước hết, về cơ chế ưu đãi đầu tư, tài chính và đất đai, cần có chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Điều này cho phép các trường có điều kiện tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận vào hoạt động giáo dục.
Đồng thời, Nhà nước nên ưu tiên quy hoạch và giao đất công tại khu vực đô thị cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập để xây dựng trường học đạt chuẩn, cũng như mở rộng các gói vay vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng.
Một điểm quan trọng khác là việc giao đất và giao quyền đầu tư cần được thực hiện một cách có chọn lọc, tập trung vào những nhà đầu tư giáo dục chuyên nghiệp, đúng người và đúng nghề, nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành và tránh tình trạng “dự án treo” do thiếu năng lực chuyên môn.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy quyền tự chủ học thuật và đổi mới chương trình cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Việc mở rộng quyền tự chủ về chương trình giảng dạy, lựa chọn sách giáo khoa và phương pháp đánh giá sẽ tạo điều kiện để các trường phát huy thế mạnh, hội nhập với chuẩn mực quốc tế. Ví dụ, học sinh đã đạt chứng chỉ quốc tế như A Level (chứng chỉ giáo dục phổ thông công lập - chương trình học kèm chứng chỉ được cấp bởi các trường tại Anh, Xứ Wales, và Bắc Ireland cho học sinh khoảng 16 – 19 tuổi trước khi thi vào đại học) có thể được miễn thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, tương tự như thông lệ quốc tế.
Đi liền với đó là việc đồng bộ hóa chính sách tuyển sinh đại học trong nước. Các trường đại học tại Việt Nam cần có cơ chế tuyển sinh linh hoạt, tương thích với các chương trình quốc tế, để tạo điều kiện cho học sinh theo học chương trình song bằng như A Level có thể tiếp tục học tập trong nước nếu có nguyện vọng.
Trên thực tế, nhiều học sinh trường Nguyễn Siêu sở hữu chứng chỉ A Level được tuyển thẳng và nhận học bổng toàn phần từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Nếu được hỗ trợ bằng chính sách phù hợp, nhiều em sẵn sàng lựa chọn học tập tại Việt Nam, qua đó góp phần giữ chân và phát triển nhân tài trong nước.
Mặt khác, cần xây dựng một hệ thống đánh giá và xếp hạng minh bạch cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, dựa trên những tiêu chí cụ thể như: chất lượng đầu ra, năng lực ngoại ngữ, tỷ lệ đỗ đại học, thành tích học sinh tại các đấu trường quốc tế,... nhằm giúp phụ huynh có cái nhìn đúng đắn, khách quan về mô hình trường học ngoài công lập, tránh tình trạng đánh đồng, đồng thời tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống giáo dục quốc dân.
“Tôi tin rằng, nếu được triển khai đồng bộ, những chính sách này không chỉ giúp các nhà giáo dục yên tâm cống hiến lâu dài, mà còn tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy nhận định.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện tuyến bài viết ghi nhận những đóng góp của hệ thống giáo dục tư thục, từ đó có những đề xuất, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển.
Nhà đầu tư giáo dục, cơ sở giáo dục tư thục có thể đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm mở đường cho giáo dục tư thục phát triển thuận lợi đúng chủ trương của Nghị quyết 68-NQ/TW.
Mọi ý kiến chia sẻ xin vui lòng gửi về mail Tòa soạn tại địa chỉ hòm thư: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc qua số hotline: 0938.766.888. Tòa soạn sẽ cử phóng viên liên hệ trực tiếp.