Điểm b, khoản 3, Điều 11 Dự thảo Luật Nhà giáo cấm tổ chức, cá nhân “đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không chính xác về nhà giáo”.
Đề xuất quy định này nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất này không đi kèm các cơ chế giám sát độc lập mà nghiêng nhiều về nội bộ, chưa có quy trình công khai theo giai đoạn và thiếu các kênh phản hồi độc lập từ phụ huynh cũng như cộng đồng. Điều này rất dễ dẫn đến suy giảm trách nhiệm giải trình và làm dấy lên nghi ngờ về tính minh bạch trong hệ thống giáo dục.
Hơn thế nữa, vai trò của báo chí, dư luận trong việc đưa tin một cách chính xác, kịp thời không chỉ giúp làm rõ các vấn đề mà còn giúp tránh để những vụ việc tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong xã hội.
Chẳng hạn, vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc cho biết nhiều vấn đề trong việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn của một thầy giáo ở Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, sau khi nhận được thông tin do Tạp chí cung cấp, nhà trường đã có làm việc với thầy giáo bạn đọc phản ánh. Sau đó làm báo cáo giải trình cho Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1, để từ đó Phòng có căn cứ báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. [1] Vậy sau bài phản ánh, nếu quá trình kiểm tra vi phạm này báo chí không được đăng tải thông tin thì vụ việc bao lâu phải công bố kết quả? Điều này hoàn toàn đang bỏ ngỏ.
Như vậy, thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, những thông tin được báo chí đăng tải không chỉ giúp làm rõ các vấn đề tiêu cực mà còn tạo điều kiện để phụ huynh, học sinh và cộng đồng có kênh phản ánh ý kiến, bày tỏ quan điểm về những vấn đề có dấu hiệu vi phạm trong môi trường giáo dục. Điều này thực tế là giúp nâng cao chất lượng giáo dục và dẹp bỏ những vấn đề tiêu cực.
Đề xuất quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo cần được diễn giải một cách rõ ràng
Liên quan đến nội dung đề xuất tại Dự thảo Luật Nhà giáo nêu trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, đề xuất quy định này nhằm bảo vệ danh dự và quyền lợi của nhà giáo, tuy nhiên, có thể gây ra một số vấn đề về tính rõ ràng và khả năng áp dụng trên thực tế.

Luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích, cụm từ “đăng tải, phát tán thông tin” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến khó khăn trong việc xác định phạm vi áp dụng. Bên cạnh đó, việc thiếu tiêu chí phân biệt giữa “chia sẻ thông tin phục vụ giám sát xã hội” và “lan truyền thông tin trái phép” khiến đề xuất dễ gây hiểu nhầm thành cấm hoàn toàn báo chí đưa tin về nhà giáo đang bị thanh tra.
Hơn nữa, theo luật sư, khái niệm “thông tin không chính xác” mang tính chủ quan, khó xác định trong thực tiễn, đặc biệt khi thông tin đang trong quá trình xác minh. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng quy định để hạn chế quyền tự do ngôn luận, vốn được bảo vệ bởi Điều 25, Hiến pháp 2013..
“Đề xuất quy định này có thể mâu thuẫn với nguyên tắc minh bạch, giám sát quyền lực trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Công dân có quyền được thông tin, kể cả trong quá trình xử lý vi phạm nếu không thuộc nhóm thông tin mật, hoặc chưa kết luận. Hành vi “lan truyền, phát tán thông tin không chính xác” đã được điều chỉnh bởi nhiều luật, thậm chí đây là hành vi có thể bị xử lý hình sự. Vì vậy, việc bổ sung quy định riêng trong Dự thảo Luật Nhà giáo là không cần thiết, tạo ra sự trùng lặp pháp lý và làm phức tạp hóa việc áp dụng pháp luật.
Khái niệm “không chính xác” mang tính chủ quan, khó xác định trong nhiều trường hợp, và rất dễ dẫn đến việc lạm dụng hạn chế quyền tự do ngôn luận”, luật sư nhìn nhận thêm.
Bên cạnh đó, dự thảo còn có thể xung đột hoặc không tương thích với quy định pháp luật khác như mâu thuẫn với Luật Tiếp cận thông tin quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin mật, hoặc thông tin chưa được xác minh.
Nếu không có quy định cụ thể về loại thông tin nào được phép/cấm công bố, quy định trên có thể hạn chế quyền tiếp cận thông tin hợp pháp. Ngoài ra còn Luật Báo chí quy định báo chí có quyền đăng tải thông tin liên quan đến các vấn đề xã hội, bao gồm cả các vụ việc đang được xử lý, miễn là thông tin khách quan, có nguồn rõ ràng.
Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, nghề giáo dù cao quý nhưng không nên được hưởng các quy định pháp lý ưu tiên riêng biệt so với các nghề nghiệp khác. Các nghề khác cũng đối mặt với vấn đề thông tin sai lệch, nhưng không có quy định đặc thù tương tự.
“Đề xuất quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 11 Dự thảo Luật Nhà giáo dù có ý nghĩa bảo vệ nhà giáo, nhưng thiếu tính rõ ràng, dễ gây mâu thuẫn với các nguyên tắc minh bạch, quyền tiếp cận thông tin, và tự do ngôn luận. Việc áp dụng quy định này có thể dẫn đến lạm dụng, hạn chế quyền công dân, và tạo ra sự bất bình đẳng trong áp dụng pháp luật. Do đó, đề xuất quy định cần được diễn giải một cách rõ ràng, cần đảm bảo tính khả thi, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời tôn trọng các quyền hiến định của công dân”, luật sư Nguyễn Danh Huế nhấn mạnh thêm.
Cấm đăng tải thông tin trong khi kiểm tra vi phạm của nhà giáo có thể làm giảm tính minh bạch
Cùng trao đổi, Luật sư Nông Minh Chiến (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá, điểm b, mục 3, Điều 11 của dự thảo Luật Nhà giáo nhằm bảo vệ danh dự và quyền riêng tư của nhà giáo, đảm bảo tính chính xác và tránh thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, theo Luật sư Minh Chiến, nếu quy định cấm việc đăng tải thông tin như trên sẽ tiềm ẩn bất cập như giảm tính minh bạch trong thanh tra, kiểm tra, có thể dẫn đến việc che đậy sai phạm trong nội bộ. Đồng thời, giảm sự tham gia của xã hội và các tổ chức giám sát trong việc phản ánh và thông tin có dấu hiệu vi phạm đến phụ huynh, cũng như những người quan tâm đến chất lượng giáo dục.

Luật sư Nông Minh Chiến cũng chỉ rõ những điểm có khả năng xung đột của đề xuất quy định nêu trên trong dự thảo Luật Nhà giáo với các văn bản pháp luật khác và dẫn đến bất cập trong việc thực thi.
Theo quy định Luật Tiếp cận thông tin 2016, công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận hoặc được tiếp cận có điều kiện. Tuy nhiên, thông tin về nhà giáo không phải là thông tin không được tiếp cận hoặc bị hạn chế tiếp cận theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, cũng như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quyết định 531/QĐ-TTg quy định Danh mục bí mật Nhà nước lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Do đó, Luật sư cho rằng, quy định như trong dự thảo có nguy cơ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Cũng theo luật sư, về quyền tự do báo chí, theo Điều 10, Luật báo chí hiện hành quy định công dân được quyền tự do cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí.
Luật sư Nông Minh Chiến bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, việc quy định trong dự thảo nêu trên sẽ hạn chế phần nào sự tiếp cận, phản hồi thông tin trên báo chí của công dân trong quá trình kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm của nhà giáo, thay vì trước đây trong giai đoạn kiểm tra, thanh tra thì báo chí, người dân vẫn được tiếp cận, công khai thông tin liên quan đến vụ việc”.
Luật sư phân tích, quyền phản ánh, tố cáo, kiến nghị của công dân về sai phạm trong lĩnh vực giáo dục vẫn được đảm bảo. Khi phát hiện vi phạm, dù vụ việc đang trong quá trình cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thì công dân vẫn có quyền phản ánh, kiến nghị, tố giác. Tuy nhiên, việc đăng tải thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra vi phạm khi chưa có kết luận sẽ không thể thực hiện vì nếu quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo được giữ nguyên.
"Tôi cho rằng việc quy định trên chưa thực sự phù hợp, việc phản ánh các thông tin một cách trung thực, chính xác, nhất là phản ánh của báo chí về các vụ việc sai phạm, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, kể cả trong lĩnh vực giáo dục hay của nhà giáo (nếu có) thì không có lý do gì để hạn chế, cấm đoán. Trường hợp cá nhân, tổ chức nào công khai thông tin liên quan về nhà giáo không đúng thì phải chịu trách nhiệm về việc công khai thông tin đó.
Giả sử nếu nội dung dự thảo nêu trên đưa vào thực tế, khi có kết luận của cơ quan chức năng, dư luận mới được biết và lên tiếng. Vậy khi đó, kết luận chưa khách quan thì làm sao để phản biện? Ngoài ra, hoạt động của nhà giáo không phải là bí mật quốc gia, vì vậy việc cấm báo chí hoàn toàn là không hợp lý, miễn sao báo chí đưa tin đúng quy định", luật sư Nông Minh Chiến nhấn mạnh.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/tai-lieu-on-giong-de-kiem-tra-thcs-vo-truong-toan-van-dang-xac-minh-than-trong-post251292.gd