Thiết kế đồ họa là ngành học về loại hình nghệ thuật ứng dụng, kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và khả năng cảm nhận thẩm mỹ. Thiết kế đồ họa dựa trên những ý tưởng, kỹ năng sáng tạo, có thể thông qua các công cụ đồ họa như AI, Photoshop, Indesign, Autocad,… để sắp xếp câu chữ, chỉnh sửa hình ảnh, lựa chọn màu sắc và sáng tạo bố cục để sản phẩm đồ họa cuối cùng có một tổng thể bắt mắt và thu hút nhất.
Mục đích để truyền đạt hiệu quả truyền thông cao nhất, phục vụ mục đích kinh doanh hoặc tuyên truyền các hoạt động xã hội. Hiện nay, nhu cầu nhân lực có chuyên môn cao về ngành Thiết kế đồ họa là rất lớn, song, nguồn “cung” hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường.
Điểm chuẩn ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội theo phương thức xét tuyển kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên thang điểm 30 có xu hướng tăng trong ba năm học trở lại đây.
Năm 2021, điểm chuẩn của ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là 22.5 điểm. Năm 2022, điểm trúng tuyển của ngành này tăng lên mức 23 điểm, cao hơn 0.5 điểm so với năm học trước đó. Năm 2023, ngành Thiết kế đồ họa tiếp tục tăng thêm 1 điểm nữa, tương ứng 24 điểm.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tuyển 150 chỉ tiêu cho mỗi năm học từ năm 2021 đến 2023.
Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh 150 chỉ tiêu, với các tổ hợp xét tuyển: H00 (Ngữ văn, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu) và H02 (Toán, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu).
Nhà trường tuyển sinh ngành Thiết kế đồ họa với hai phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu; Xét tuyển thẳng.
Ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng có những biến động đáng chú ý về điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên thang điểm 40 trong ba năm học trở lại đây.
Năm 2021, trên thang điểm 40, điểm chuẩn của ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là 28 điểm. Năm 2022, điểm trúng tuyển của ngành này tăng lên mức 29.73 điểm và tiếp tục đạt 29.9 điểm vào năm 2023.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tuyển sinh 50 chỉ tiêu vào năm 2021, 45 chỉ tiêu cho năm 2022 và 45 chỉ tiêu trong năm 2023.
Dự kiến năm 2024, nhà trường tuyển sinh 45 chỉ tiêu cho ngành Thiết kế đồ họa. Tổ hợp xét tuyển là ba môn Ngữ văn, Hình họa, Trang trí. Trong đó, môn Ngữ văn và Trang trí tính điểm hệ số 1, còn môn Hình họa lấy điểm hệ số 2.
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện phương thức tuyển sinh kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển (tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu và kết hợp xét tuyển môn Ngữ văn).
Đối với Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, điểm chuẩn của ngành Thiết kế đồ họa trên thang điểm 30 có những biến động trong ba năm học trở lại đây như sau:
Năm 2021, điểm chuẩn ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đạt 16 điểm. Năm 2022, điểm trúng tuyển của ngành này là 14 điểm, thấp hơn 2 điểm so với năm học trước đó. Đáng chú ý, điểm chuẩn ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng năm 2023 tăng vọt lên mức 23 điểm, cao hơn 9 điểm so với năm học trước đó.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành Thiết kế đồ họa tuyển sinh 180 chỉ tiêu vào năm 2021; 186 chỉ tiêu vào mỗi năm 2022 và 2023.
Dự kiến trong năm 2024, nhà trường tuyển sinh 254 chỉ tiêu cho ngành Thiết kế đồ họa trên tổng số 2847 chỉ tiêu tuyển sinh toàn trường.
Hai phương thức xét tuyển nhà trường thực hiện để tuyển sinh ngành học này là: Xét tuyển kết hợp giữa kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả thi năng khiếu; Xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp trung học phổ thông và điểm thi môn năng khiếu.
Về tổ hợp xét tuyển, ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng sử dụng 5 tổ hợp xét tuyển, bao gồm: V00 (Toán, Vật lý, Vẽ mỹ thuật); V01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ mỹ thuật); V02 (Toán, Tiếng Anh, Vẽ mỹ thuật); H00 (Văn, Vẽ mỹ thuật, Bố cục màu); 5K1 (trung bình kết quả học tập 5 học kì và điểm môn năng khiếu).
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng có những biến động đáng chú ý về điểm chuẩn của ngành Thiết kế đồ họa qua những năm gần đây.
Có thể thấy, điểm chuẩn ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có xu hướng tăng trong ba năm học trở lại đây.
Năm 2021, điểm chuẩn ngành Thiết kế đồ họa là 21.38 điểm, cao nhất toàn trường. Năm 2022, điểm chuẩn ngành Thiết kế đồ họa tăng nhẹ lên mức 21.75 điểm và vẫn duy trì ở top 1 cao nhất toàn trường. Năm 2023, ngành học này tiếp tục tăng thêm 2 điểm nữa, tương ứng 23.75 điểm.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường tuyển sinh 140 chỉ tiêu cho ngành Thiết kế đồ họa vào năm 2021, tuyển sinh 150 chỉ tiêu vào năm 2022 và tiếp tục duy trì 150 chỉ tiêu vào năm 2023.
Dự kiến trong năm 2024, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tuyển sinh ngành Thiết kế đồ họa với 150 chỉ tiêu, sử dụng duy nhất 01 phương thức xét tuyển là kết hợp kết quả học tập cấp trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu.
Trong đó, kết quả học tập cấp trung học phổ thông là lấy trung bình cộng 05 học kỳ, tính từ học kỳ I lớp 10 đến hết học kỳ I lớp 12 môn Toán hoặc Ngữ văn. Đồng thời, thí sinh tham gia thi tuyển bắt buộc phải thi hai môn năng khiếu là Bố cục màu (Năng khiếu 1) và Hình họa (Năng khiếu 2) do nhà trường tổ chức.
Tổ hợp xét tuyển của ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là H00 (Văn, Năng khiếu 1, Năng khiếu 2) và H07 (Toán, Năng khiếu 1, Năng khiếu 2).
Đối với Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn ngành Thiết kế đồ họa theo phương thức xét tuyển kết hợp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng có những thay đổi trong ba năm học gần nhất.
Nhìn chung, điểm chuẩn của ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh không có quá nhiều biến động. Năm 2021, ngành Thiết kế đồ họa của nhà trường có điểm chuẩn đạt 25.35 điểm, sau đó giảm nhẹ 0.18 điểm vào năm 2022 là 25.17 điểm. Năm 2023, điểm chuẩn ngành học là 25.69 điểm, tăng thêm 0.52 điểm so với năm 2022 trước đó.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành Thiết kế đồ họa duy trì tuyển sinh 100 chỉ tiêu cho các năm từ 2021 đến 2023.
Dự kiến trong năm 2024, nhà trường tiếp tục tuyển sinh 100 chỉ tiêu cho ngành Thiết kế đồ họa, với 02 tổ hợp xét tuyển là: H01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ trang trí màu) và H06 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Vẽ trang trí màu).
Trong đó, điểm các môn thi không nhân hệ số, điểm thi môn năng khiếu nhân hệ số 1.5. Điểm xét tuyển được quy đổi về thang điểm 30.
Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh với các phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển đối với các thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp; Xét tuyển đối với các thí sinh tốt nghiệp các trường trung học phổ thông chuyên, năng khiếu trên cả nước; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.