Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga |
Tốc độ sản xuất tên lửa phòng không năm 2015 sẽ tăng gấp 3
Theo mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 23 tháng 4, một nguồn tin tin cậy từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, so với năm 2014, công nghiệp quốc phòng Nga năm 2015 sẽ sản xuất gấp 3 lần tên lửa dùng để phòng không-phòng thủ tên lửa.
Nguồn tin này cho biết: "Công nghiệp quốc phòng nhận được lệnh khẩn trương sản xuất 200% tên lửa dùng cho trang bị phòng không-phòng thủ tên lửa, điều này sẽ tăng mạnh năng lực vũ khí mới của lực lượng phòng thủ trên không-vũ trụ Nga".
"Nhiệm vụ này ngoài nâng cao năng suất, còn đẩy nhanh thời hạn triển khai cuối cùng hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa toàn quốc của Nga, bao gồm Crimea và Bắc Cực".
Thiếu tướng Kirill Makarov Nga gần đây cho biết, mối đe dọa tấn công toàn cầu tiềm tàng của Mỹ là nguyên nhân chủ yếu đằng sau việc Nga tăng cường phòng không và phòng thủ tên lửa. Phát triển hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa hiện trở thành vấn đề ưu tiên của Nga.
Vệ tinh quân sự Nga |
Bộ Quốc phòng Nga thành lập Lực lượng giám sát vũ trụ
Trang mạng Spacedaily Australia ngày 12 tháng 4 đưa tin, ngày 1 tháng 4 Bộ Quốc phòng Nga đã thành lập Lực lượng giám sát vũ trụ (AMF), nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm an toàn của tàu vũ trụ và trạm không gian quốc tế, thực hiện các quy tắc hoạt động không gian vũ trụ quốc tế.
Lực lượng này sẽ hợp tác với quân đội các nước khác như Mỹ, Đức để thực hiện nhiệm vụ chung.
Liên hợp quốc hoan nghênh sáng kiến chủ động của Nga, bởi vì điều này sẽ có lợi cho đạt được đồng thuận quốc tế có tính chất ràng buộc.
AMF sẽ sử dụng mạng lưới vệ tinh khổng lồ và trạm mặt đất để theo dõi các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là các quy tắc giao thông trên vũ trụ. Đội quân này cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ vũ trụ 3 tháng trên trạm không gian quốc tế và tiến hành tuần tra quỹ đạo hàng ngày.
Lực lượng tuần tra vũ trụ Nga sẽ sử dụng tàu vũ trụ Soyuz tân trang để quan sát bay, đuổi bắt những người vi phạm luật không gian quốc tế, thậm chí còn phải thu gom rác thải vũ trụ.
Bộ Quốc phòng Nga cũng có kế hoạch dùng vũ trụ để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở khu vực xa xôi, chống buôn bán vũ khí nước ngoài và thuốc phiện, chống rửa tiền.
Công ty Saturn Nga chính thức đổi tên doanh nghiệp
Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 27 tháng 4 dẫn các nguồn tin cho biết, từ ngày 1 tháng 4 năm 2015, Công ty động cơ tua bin khí Saturn sẽ chính thức đổi tên, tên chính thức là Công ty cổ phần liên hợp mở tuabin khí UEC (UEC-GT).
UEC-GT đang sử dụng dây chuyền sản xuất của họ để chế tạo nhiều mô đun động cơ do Công ty UEC nghiên cứu chế tạo.
Tàu phá băng Nga |
Tàu phá băng động cơ hạt nhân mới nhất Nga sẽ biên chế vào năm 2017
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 28 tháng 4 đưa tin, Phó thủ tướng Nga Rogozin cho biết, tàu phá băng động cơ hạt nhân thế hệ mới Nga Type 22220 sẽ chính thức biên chế vào năm 2017, đến năm 2020 quy mô của loại tàu phá băng động cơ hạt nhân này sẽ là 3 chiếc.
Ông Rogozin còn nhấn mạnh, tuyến đường Bắc Cực sẽ phát triển từ đông sang tây. Tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, rất hấp dẫn. Vì vậy, tiến hành đổi mới đối với toàn bộ tàu phá băng là rất cần thiết. Hiện nay, ở nhà máy đóng tàu biển Baltic của St. Petersburg đang tích cực triển khai công tác nghiên cứu chế tạo tàu phá băng Type 22220.
Chiếc tàu phá băng tổng hợp động cơ hạt nhân LK-60 Bắc Cực là chiếc Type 22220 Nga đầu tiên, là tàu phá băng có thể tích lớn nhất, mã lực lớn nhất trên thế gới. Tàu phá băng này có thể chạy và thực hiện nhiệm vụ ở bất cứ vùng biển nào ở Bắc Cực, khi hoạt động có thể phá lớp băng độ dày khoảng 3 m.
Tàu Bắc Cực do nhà máy đóng tàu biển Baltic và Cơ quan năng lượng nguyên tử Liên bang Nga cùng nghiên cứu phát triển. Tàu này khởi công chế tạo vào tháng 11 năm 2013, căn cứ vào yêu cầu hợp đồng, toàn bộ công tác chế tạo sẽ hoàn thành tháng 10 năm 2017.
Hợp đồng chế tạo 2 tàu phá băng Type 22220 khác lần lượt có tên là Siberia và Ural đã được ký kết vào tháng 5 năm 2014 giữa Nhà máy đóng tàu biển Baltic và Cơ quan năng lượng nguyên tử Liên bang Nga, tổng chi phí là 84,4 tỷ rúp. Thời hạn hoàn thành lần lượt là tháng 12 năm 2019 và tháng 12 năm 2020.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga |
Nga tăng cường giám sát tài chính mua sắm quốc phòng
Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 27 tháng 4 dẫn tờ "Công nghiệp quốc phòng Jane's" Anh ngày 15 tháng 4 cho biết, Thứ trưởng Quốc phòng Nga ngày 14 tháng 4 cho biết, sẽ xây mới một hệ thống giám sát liên ngành phụ trách giám sát vốn đơn đặt hàng quốc phòng (SDO). Trong 2 năm ban đầu sau khi xây dựng hệ thống, hệ thống này chỉ phụ trách giám sát nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng, sau năm 2017, hệ thống này còn phải đưa các cơ quan khác và tổ chức có liên quan đến đơn đặt hàng quốc phòng vào hệ thống giám sát.
Năm 2015, chi tiêu của Bộ Quốc phòng Nga trên phương diện này đạt 38 tỷ USD. Sau khi đưa vào hệ thống mới, ngân hàng quản lý vốn đặt hàng quốc phòng sẽ có nhiều quyền hạn hơn để theo dõi chi tiêu vốn. Nhưng, số lượng ngân hàng sẽ bị kiểm soát.
Chỉ có những ngân hàng lớn nhất, đáng tin cậy nhất mới có thể đưa vào danh sách ngân hàng trong cơ cấu Ngân hàng Nga, những ngân hàng này sẽ có tư cách xử lý hợp đồng đặt hàng quốc phòng trị giá vài trăm tỷ rúp trong thời gian 5 - 7 năm. Nhà thầu chính có thể lựa chọn ngân hàng trong danh sách ngân hàng, nhà thầu phụ phải có tài khoản bắt buộc trong những ngân hàng này.
Dựa vào các quy định hiện nay của Nga, Chính phủ cần giám sát sử dụng vốn đặt hàng quốc phòng, nhưng thiếu công cụ và quyền lực cần thiết. Thực thi lập pháp hệ thống này do Putin cung cấp cho Duma quốc gia. Biện pháp này nhằm xây dựng một hệ thống liên ngành do Bộ Quốc phòng, Cơ quan chống độc quyền Liên bang, Cục giám sát tài chính Liên bang và Ngân hàng Nga cùng kiểm soát.
Quân đội Nga sử dụng UAV trong mùa đông |
Nga sẽ triển khai UAV ở Bắc Cực từ tháng 5
Trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 24 tháng 4 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 24 tháng 4 tuyên bố, Nga sẽ triển khai máy bay không người lái chiến thuật Sea Hawk-10 ở khu vực Bắc Cực từ ngày 1 tháng 5, nhưng không công bố số lượng cụ thể.
4 tháng trước, hãng Itar-Tass từng lần đầu tiên tiết lộ máy bay không người lái (UAV) chiến thuật sẽ được triển khai cho lực lượng Bắc Cực của Quân khu miền Đông Nga. Loại máy bay không người lái chiến thuật này sẽ được dùng để theo dõi tuyến đường trên biển ở lãnh thổ Nga và hỗ trợ tiến hành hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Máy bay không người lái chiến thuật Sea Hawk-10 nặng khoảng 16 kg, được trang bị máy ảnh có tỷ lệ phân giải cao, máy quay TV và thiết bị hình ảnh hồng ngoại. Tốc độ tuần tra của Sea Hawk-10 là 90 - 150 km, trần bay thực tế khoảng 5.000 m, khả năng hoạt động liên tục là 16 giờ.
Do nhiệt độ hoạt động thấp tới âm 30 độ C, Sea Hawk-10 là một trong vài loại máy bay không người lái chiến thuật do Nga thiết kế những năm gần đây triển khai làm việc ở môi trường Bắc Cực khắc nghiệt.
Số lượng máy bay không người lái chiến thuật Nga sẽ triển khai ở khu vực Bắc Cực có thể tương đối ít. Bản thân quyết định này có lẽ hoàn toàn không có tầm quan trọng chiến lược đáng kể, nhưng ý nghĩa quan trọng của nó ở chỗ Nga tuyên bố tham vọng chủ quyền Bắc Cực. Cách làm tuyên bố quyền lãnh thổ và quyền kinh tế Bắc Cực của Nga về cơ bản có thể truy nguồn gốc từ năm 2007, khi đó, ông Putin hạ lệnh cắm quốc kỳ Nga ở đáy biển Bắc Băng Dương để tuyên bố chủ quyền mang tính tượng trưng.
Về sau, ngoài tiến hành cải tạo trang bị, làm cho nó thích ứng với môi trường cực đoan, Quân đội Nga còn không ngừng thi công công trình và tập kết binh lực tại khu vực này.
Tháng 5 năm 2012, Nga tuyên bố sẽ mở lại vài căn cứ không quân thời kỳ Chiến tranh Lạnh ở Bắc Cực. Máy bay đánh chặn MiG-31 đã triển khai ở khu vực Murmansk để tiếp tục tiến hành bảo vệ phòng không cho khu vực này. Ngoài máy bay trực thăng Mi-8, Nga còn đang bố trí một số hệ thống phòng không Pantsir-S tại khu vực này.
Nga mở rộng quy mô lực lượng đặc nhiệm ở khu vực Bắc Cực lên 30% trở lên. Ngày 1 tháng 12 năm 2014, Bộ Tư lệnh Chiến lược liên hợp Bắc Cực Nga chính thức đưa vào vận hành. Từ đầu năm 2015 đến nay, Nga đã tuyên bố một loạt bước đi tăng cường sức mạnh quân sự ở Bắc Cực.
Lực lượng bọc thép Quân đội Ukraine ở khu vực Donetsk miền đông Ukraine |
Nga phản bác quan điểm triển khai hệ thống phòng không ở Ukraine
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 24 tháng 4 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga vừa bác bỏ quan điểm cho rằng “Nga đưa hệ thống phòng không vào trong lãnh thổ Ukraine” của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra, Washington mượn cơ hội này để khuấy động bất ổn.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng, hiện nay, vũ khí phòng không Nga triển khai ở miền đông Ukraine đạt số lượng lớn nhất kể từ tháng 8 năm 2014 đến nay, đồng thời tuyên bố Nga đang huấn luyện cho lực lượng vũ trang địa phương miền đông Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nhấn mạnh, Mỹ tuyên bố trong lãnh thổ Ukraine có hệ thống kiểm soát phòng không của Nga là phát biểu không thực tế, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ đang tạo dư luận trước Hội nghị cấp cao NATO.
Konashenkov còn nhấn mạnh, điều lo ngại thực sự hiện nay là, binh sĩ Quân đội Mỹ đang huấn luyện cho đội cận vệ quốc gia Ukraine, hành động này không chỉ tiến hành ở thao trường Yavorov thuộc bang Lviv phía tây, mà còn tiến hành huấn luyện ở Mariupol, bắc Donetsk, Volnovakha của khu vực Donbas miền đông Ukraine.
Đối với vấn đề này, người phát ngôn Lầu Năm Góc Eileen Lainez lại lên tiếng phủ nhận: "Đây là những nỗ lực vô lý để chuyển hướng sự chú ý đối với sự thật ở miền đông Ukraine".
Eileen Lainez cho rằng: "Nga tiếp tục cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương, huấn luyện và chỉ huy cho các phần tử vũ trang ly khai miền đông Ukraine, ngang nhiên vi phạm cam kết của Nga ở Minsk, xâm phạm chủ quyền Ukraine".
Quân đội Nga tập trận (ảnh tư liệu) |
Quân đội Nga sẽ tổ chức diễn tập chống đổ bộ ở quần đảo Kuril
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 24 tháng 4 dẫn hãng tin Jiji Press Nhật Bản cùng ngày đưa tin, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông Nga gần đây tuyên bố, sẽ tiến hành diễn tập chống đổ bộ quy mô lớn ở khu vực Viễn Đông trong đó có Sakhalin và quần đảo Nam Kuril bắt đầu từ ngày 23 tháng 4 (giờ địa phương). Quân số tham gia diễn tập là 5.000 người, đồng thời còn có xe tăng tham gia diễn tập.
Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông Nga cho biết, diễn tập lần này là một nội dung của huấn luyện mùa đông Nga, diễn tập giả thiết lực lượng quân địch đổ bộ lên quần đảo Nam Kuril, tiến hành tác chiến đổ bộ đối với đảo từ trên không, trên biển và trên đất liền, Quân đội Nga sử dụng xe tăng như thế nào để tiến hành phản kích, ngăn chặn quân địch đổ bộ.
Theo bài báo, Chính phủ Nhật Bản luôn chủ trương quần đảo Nam Kuril là lãnh thổ Nhật Bản, vì vậy đối với việc Quân đội Nga tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn ở đảo liên quan, phía Nhật Bản có thể bày tỏ không hài lòng.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Không quân Nga |
Tư lệnh Không quân Nga sẽ tự lái máy bay ném bom Tu-160 tham gia duyệt binh
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 27 tháng 4 dẫn báo Nga đưa tin, Tư lệnh Không quân Nga, thượng tướng Viktor Bondalev ngày 25 tháng 4 xác nhận, ông sẽ đích thân lái máy bay bay qua Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng vệ quốc ngày 9 tháng 5 tới.
Viktor Bondalev cho biết: "Chúng tôi đã làm tốt 100% công tác chuẩn bị cho duyệt binh, sẽ có 143 máy bay và trực thăng tham gia. Tôi sẽ lái máy bay ném bom chiến lược Tu-160 đi đầu". Ông cho biết thêm, trước ngày 9 tháng 5, Không quân Nga sẽ còn tiến hành vài lần diễn tập.
Tướng Viktor Bondalev năm nay 57 tuổi, lên làm Tư lệnh Không quân Nga từ năm 2012. Ông từng làm giáo viên, sĩ quan chỉ huy bay, có kinh nghiệm phong phú. Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 mà tướng Bondalev sắp điều khiển là máy bay ném bom lớn nhất trên thế giới, có thể mang theo đạn dược tổng trọng lượng tới 45 tấn, là một trong những lực lượng răn đe hạt nhân đường không chủ yếu của Nga.
Tu-160 có thể lắp tên lửa hạt nhân hành trình tầm xa, tiến hành tuần tra tầm cao với tốc độ cận âm hoặc tập kích với tốc độ siêu âm, phát động tấn công đối với ngoài mạng lưới phòng không của địch.
Mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 27 tháng 4 cũng có bài viết cho biết thêm, ở ngoại ô Moscow ngày 22 tháng 4, lực lượng vũ trang Nga tham gia duyệt binh tròn 70 năm chiến thắng vệ quốc đã tổ chức tập luyện quy mô lớn trên mặt đất lần đầu tiên, biên đội Không quân Nga cũng đã tiến hành huấn luyện diễn tập, biên đội 140 máy bay và trực thăng các loại lần lượt bay qua khu vực kiểm duyệt. Điều đáng chú ý là, máy bay chiến đấu T-50 được trông đợi rất cao lại không hề xuất hiện trong diễn tập.
Máy bay chiến đấu T-50 Nga |
Truyền thông Nga ngày 26 tháng 4 còn cho biết, Quân đội Nga đã xác nhận nhận lời mời tham gia duyệt binh lớn ngày chiến thắng của 4 nước, lần lượt là Kyrgyzstan, Armenia, South Ossetia và Belarus.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay: "Để tham gia duyệt binh lớn kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Bộ Quốc phòng Nga sẽ cử tổng cộng 1.050 quân nhân tới các nước láng giềng này. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga còn có kế hoạch đồng thời trang bị 86 trang bị quân sự, 29 máy bay và 4 trực thăng".
Trong đó, quân số, quy mô vũ khí trang bị quân sự và lực lượng vũ trang đường không mà Liên bang Nga điều tới Minsk tham gia duyệt binh ngày chiến thắng sẽ lớn nhất.
"Bộ Quốc phòng Nga đã điều 636 quân và 30 trang bị quân sự tới Thủ đô Belarus. Trong đội ngũ duyệt binh của xe tăng bọc thép, xe ô tô và thiết bị quân sự chuyên nghiệp, đã có xe tăng chiến đấu T-90, xe chở quân bọc thép BTR-80, xe chiến đấu bộ binh BMP-3, lựu pháo tự hành 2S19 MSTA-S, hệ thống tên lửa-hỏa pháo phòng không" - Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Ngoài ra, lực lượng hàng không Không quân Nga sẽ tiến hành kiểm duyệt trên không ở Belarus. Lực lượng hàng không được kiểm soát sẽ có 15 máy bay, trong đó có máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 và Tu-95MC, máy bay chiến đấu ném bom Su-34 và máy bay huấn luyện cao cấp Yak-130.
Đồng thời, đội 70 quân nhân Nga sẽ xuất hiện trong buổi lễ duyệt binh được tổ chức ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.
Trong khi đó, trong lễ duyệt binh tổ chức ở thủ đô Tskhinvali của South Ossetia, sẽ có 150 binh sĩ đến từ căn cứ của Quân đội Nga tiến hành kiểm duyệt, đồng thời đã trang bị trên 20 vũ khí trang bị quân sự.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 Nga |
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Argentina
Theo mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 27 tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Argentina Christina Fernandez de Kirchner đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương, theo đó, Nga sẽ phụ trách xây dựng lò phản ứng hạt nhân thứ 6 cho Argentina.
Tổng thống Argentina Christina cho biết, xuất phát từ nhu cầu phát triển điện lực carbon thấp, xây dựng nhà máy điện nguyên tử "sẽ trở thành một trào lưu của toàn thế giới", "nhà máy điện hạt nhân không chỉ có giá thành phát điện rẻ, mà còn có thể giảm sự lệ thuộc vào năng lượng từ bên ngoài".
Hiện nay, Argentina có 3 lò phản ứng. Ngoài ra, Argentina còn có kế hoạch hợp tác với Trung Quốc, cùng xây dựng lò phản ứng nước nhẹ công nghệ CAP1400. Tháng trước, Argentina và Bolivia đã ký kết thỏa thuận, cùng nỗ lực tăng cường trình độ hạ tầng và năng lực nghiên cứu năng lượng hạt nhân dân dụng. Tổng thống Bolivia khen ngợi Nga đã cung cấp "kế hoạch tổng thể phát triển năng lượng hạt nhân dân dụng" cho Bolivia.