Ngày 05/6/2006, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2409/2006/QĐ-UBND về cơ chế khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Quyết định số 2541/2008/QĐ-UBND ngày 19/8/2008 về sửa đổi Quyết định số 2409/2006.
Theo đó, từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh đã duyệt chi hỗ trợ số tiền hơn 22 tỷ đồng cho 220 đơn vị trong tỉnh theo chủ trương trên.
Danh sách các đơn vị không mở lớp đào tạo nghề |
Tuy nhiên, qua kiểm tra việc thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề gắn với đào tạo nghề, tạo thu nhập cho lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện có 38/38 đơn vị "dính" sai phạm dẫn đến thất thoát của Nhà nước số tiền 3 tỷ 589 triệu đồng.
Cụ thể, tất cả đơn vị nêu trên đều hợp thức hóa hồ sơ để chứng minh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề từ 6 tháng trở lên bằng cách lập danh sách bảng lương liên tục 6 tháng và tự ký vào phần ký nhận của người lao động.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin cung cấp tới độc giả danh sách chi tiết các đơn vị lập danh sách “khống” số lao động tại các cơ sở đào tạo nghề theo chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, nhằm rút hàng tỷ đồng tiền ngân sách của nhà nước.
Có tất cả 26 cơ sở không tổ chức mở lớp đào tạo nghề cho lao động |
Ngoài các đơn vị kê "khống" số lao động (thực tế, lao động không được đào tạo) để rút tiền nhà nước, thì tại các cơ sở nhận đào tạo nghề (nhưng chưa đủ thời gian đào tạo theo quy định), nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, kinh phí hỗ trợ của nhà nước nhằm khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề gắn với tạo việc làm và thu nhập cho lao động quá thấp, khiến nhiều lao động bỏ dở giữa chừng.
“Trung bình mỗi tháng, mức hỗ trợ cho lao động khoảng 400.000đ/người. Trong khi đó, số tiền hỗ trợ của nhà nước không đủ để đáp ứng số tiền mà doanh nghiệp bỏ ra để tiền thuê giáo viên dạy, tiền mua dụng cụ hỗ trợ sản xuất, nguyên liệu, tiền hỗ trợ cho lao động…có khi doanh nghiệp còn phải bù lỗ”, bà Phạm Thị Ngân – chủ hợp tác xã, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên cho biết.
Danh sách các đơn vị mở lớp đào tạo nghề không đủ thời gian quy định, không đào tạo nghề |
Một nguyên nhân khác khiến chủ trương trên đi vào bế tắc đó là đầu ra cho mặt hàng tiểu thủ công nghiệp chưa ổn định, sản phẩm của lao động làm ra chưa đủ tiêu chuẩn, chất lượng.
“Mấy năm nay, thị trường tiêu thụ có nhiều biến động, nhiều mặt hàng tiểu thủ công nghiệp rất khó bán ra thị trường. Mặt khác, số lao động được đào tạo để phát triển ngành nghề theo chủ trương chủ yếu là lao động làm theo mùa vụ, nên việc duy trì số lao động mới được đào tạo gắn bó với nghề là rất khó khăn. Có cố gắng lắm thì doanh nghiệp cũng chỉ duy trì được số lao động cũ trước đây”, chủ doanh nghiệp sản xuất và thương mại Minh Ngọc cho biết.
Điều đáng nói là, công tác xét duyệt, thẩm định của các ngành chức năng (Sở Công thương, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện) còn nhiều sơ hở, thiếu sót, không chặt chẽ, có biểu hiện sai phạm như: không có quyết định thành lập đoàn thẩm định, không phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên đoàn, quy trình thẩm định tại nhiều cơ sở không đủ căn cứ kết luận nhưng vẫn quyết định cho đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ.
Việc duy trì số lao động mới được đào tạo gắn bó với nghề là điều rất khó khăn |
Sự buông lỏng của cơ quan chuyên trách trong việc thẩm định, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã khiến việc thực hiện chủ trương trên gặp nhiều khó khăn và đi vào bế tắc.
Vậy, trách nhiệm quản lý của cơ quan chuyên trách tỉnh Thanh Hóa trong việc để xảy ra sai phạm tại các cơ sở trên sẽ được xử lý ra sao? Đâu là biện pháp xử lý các cơ sở có sai phạm gây thất thoát hàng tỷ đồng tiền ngân sách của nhà nước?
Trước những câu hỏi trên, PV đã nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở Công thương Thanh Hóa để làm rõ sự việc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Sở nhà vẫn im lặng một cách khó hiểu?
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này