Nhằm từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam và cụ thể hóa nguyên lý và mục tiêu giáo dục ghi nhận tại Điều 61 của Hiến pháp 2013: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều biện pháp cụ thể như lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân vào dự thảo Luật giáo dục sửa đổi.
Trước đó, tháng 1/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được báo cáo, góp ý của: 53/63 Sở Giáo dục và Đào tạo với 812.591 ý kiến; 195 phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực; 113 người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Theo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đa số ý kiến đồng tình với quy định tại Điều 74 của dự thảo.
Điều kiện chuẩn về trình độ của nhà giáo sẽ được nâng cao hơn. Ảnh minh họa: Công Tiến |
Cụ thể, theo Điều 74, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nêu rõ về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:
Đối với giáo viên mầm non: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non.
Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.
Đối với nhà giáo giảng dạy từ trình độ đại học: Có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; có bằng tiến sĩ với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về việc bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn.
Đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đồng thời dự thảo Luật cũng đặt ra lộ trình hoàn thành nâng chuẩn đến năm 2026 và có các giải pháp cụ thể để đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn trình độ giáo viên và đảm bảo sự ổn định của ngành.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp lần thứ 31 về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).