Ông Lê Cao Tân - GĐ Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Hoàng Phương đã gửi đơn kiến nghị làm rõ những hành vi lạm quyền của Công an Đông Anh. |
Đề nghị làm rõ 6 hành vi chèn ép doanh nghiệp
Tại đơn kiến nghị gửi tới Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an Hà Nội, ông Lê Cao Tân - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Hoàng Phương, trình bày:
Ngày 17/1/2014, anh Đỗ Thế Thắng - Đội trưởng đội Công an phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Đông Anh cùng tổ chức kiểm tra đến Công ty Hoàng Phương kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường (thời gian kiểm tra 5 ngày). Tiếp theo, tổ kiểm tra yêu cầu công ty đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ có liên quan cho tổ kiểm tra. Tiếp theo, tổ kiểm tra yêu cầu kiểm tra về hàng hóa sản xuất tại công ty, công ty đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan như: Hồ sơ công bố, tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Đến 19h cùng ngày, tổ kiểm tra tiến hành lập biên bản yêu cầu thu giữ hàng hóa do sản phẩm dập sai địa chỉ. Công ty đã có ý kiến giải trình với tổ kiểm tra về số lượng hàng trên công ty sản xuất để chuẩn bị tiêu thụ trong dịp tết Nguyên đán, nhưng vì lý do nhãn hàng hóa ghi địa chỉ sản xuất tại khu công nghiệp Xuân Nộn nên đang chờ khắc phục nhãn đúng quy định mới đưa ra lưu thông trên thị trường, nhưng anh Thắng đã không đồng ý và nói là phải thu giữ về cơ quan Công an. Công ty yêu cầu công an lập biên bản xác nhận số hàng thực tế chuẩn bị mang đi giao lại cho công ty 1 bản, nhưng không được thực hiện.
Công ty Hoàng Phương cho biết Công an Đông Anh để hàng trong kho (dấu X đỏ) không đúng quy trình bảo quản hàng hóa là một việc làm thiếu trách nhiệm. |
Đơn kiến nghị nêu rõ 6 hành vi của Công an huyện Đông Anh có tính chất chèn ép doanh nghiệp (DN):
Thứ nhất, yêu cầu công ty giải trình về nhãn hàng hóa.
Thứ hai, yêu cầu công ty kết hợp với công an lấy mẫu hàng hóa, nhưng làm không đúng quy trình, đồng thời yêu ầu cung cấp bản chính công bố chất lượng hàng hóa. Việc làm này không đúng thẩm quyền của Công an huyện Đông Anh; yêu cầu này cũng không có trong nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường.
Thứ ba, biên bản làm việc, biên bản thu giữ hàng hóa do tổ kiểm tra thiết lập đều không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Điều này trái với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thứ tư, kể từ khi bị thu giữ hàng hóa cho đến nay đã hơn 3 tháng, chúng tôi đã đến cơ quan Công an huyện Đông Anh nhiều lần đề nghị giải quyết theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết vụ việc.
Thứ năm, việc tạm giữ, bảo quản hàng hóa thực phẩm để lẫn với các cột bơm xăng dầu hỏng và để trên nền đất là không đúng với quy định bảo quản hàng hóa theo tiêu chuẩn công bố bảo quản của nhà sản xuất, dẫn đến nhiều hàng hóa bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Công an Đông Anh tự lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm sai quy trình, do đó mọi hậu quả xảy ra sau này thuộc trách nhiệm của Công an Đông Anh.
Thứ sáu, nhiều sản phẩm hàng hóa có hạn sử dụng do Công an Đông Anh thu giữ trái pháp luật và để lâu không giải quyết dẫn đến sản phẩm bị hết hạn sử dụng, gây thiệt hại cho DN.
Ông Tân nói: “Công ty Hoàng Phương nhiều lần yêu cầu Công an huyện Đông Anh giải quyết rốt ráo vụ việc, nhưng cơ quan công an hành xử sai luật, kéo dài thời hạn giải quyết dẫn tới nhiều sản phẩm hết hạn, tính tới nay DN đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thời gian càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn do sản phẩm tiếp tục hết hạn sử dụng. Trước những hành vi cửa quyền của Công an huyện Đông Anh, chúng tôi chờ đợi sự công minh của lãnh đạo Công an TP Hà Nội”.
Tại công văn của CA huyện Đông Anh gửi Báo Giáo dục Việt Nam có đề cập việc Công ty Hoàng Phương sản xuất rượu không có giấy phép. Về vấn đề này, ông Tân cho biết: “Chúng tôi sản xuất số rượu trên từ năm 2005 chứ không phải năm 2008. Trên nhãn còn ghi địa chỉ công ty còn ở quốc lộ 3, chưa chuyển về xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, và tên đơn vị là xí nghiệp Hoàng Phương. Khi chuyển về cơ sở về xã Xuân Nộn, chúng tôi không sản xuất rượu nữa, số rượu còn lại này để sử dụng nội bộ trong các dịp lễ tết. Chúng tôi đã trình bày là số rượu để sử dụng chứ không bán, vì đây là số rượu cũ còn tồn lại từ 8 năm trước, nhưng họ cũng thu nốt, và gán cho chúng tôi sản xuất rượu không phép. Hiện chúng tôi còn lưu giữ đầy đủ giấy tờ hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho sản xuất rượu”.
Công an Đông Anh phớt lờ ý kiến doanh nghiệp
Ngày 14/5, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được công văn số 491 của Công an huyện Đông Anh lý giải về việc tạm giữ hàng hóa của Công ty Hoàng Phương. Tại công văn này, Công an huyện Đông Anh cho rằng, Công ty Hoàng Phương không hợp tác giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, trả lời PV Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng VP Luật sư Đăng Quang (đại diện theo ủy quyền của Công ty Hoàng Phương), cho biết: “Công an Đông Anh nói không hợp tác là sai sự thật, vì ngày 22/1 Công an Đông Anh lấy mẫu giám định chất lượng sản phẩm nhưng công ty Hoàng Phương đã phản đối, do lấy mẫu sai quy trình và công an không có thẩm quyền về kiểm tra chất lượng hàng hóa là đồ uống. Điều đó chứng minh công ty vẫn đang phối hợp giải quyết vụ việc.
Tiếp đó, vào các ngày 19/3 và 3/4/2014, Công ty Hoàng Phương đều cử cán bộ đại diện đến làm việc với Công an Đông Anh theo giấy mời, vậy thì tại sao lại nói không hợp tác? Cơ quan công an là cơ quan bảo vệ pháp luật không thể nói sai sự thật như vậy. Chẳng lẽ Công ty Hoàng Phương phải chấp nhận những việc làm sai trái của Công an Đông Anh thì mới gọi là hợp tác? Việc công an Đông Anh ra quyết định kiểm tra về pháp luật bảo vệ môi trường rồi lại mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra là lạm quyền. Điều này không thể chấp nhận được”.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Công an Đông Anh lạm quyền đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. |
Theo luật sư Quang, bản thân ông Trưởng Công an huyện Đông Anh và cán bộ dưới quyền đã tỏ thái độ coi thường doanh nghiệp, thể hiện rất rõ ở hai điều:
Thứ nhất, Công ty Hoàng Phương đã gửi đơn khiếu nại lần 1 (ngày 26/4/2014) tới Trưởng Công an huyện Đông Anh, khiếu nại những hành vi hành chính và quyết định hành chính số 549/QĐ-CAĐA ngày 17/1/2014, nhưng Trưởng Công an Đông Anh không trả lời. Như vậy là vi phạm luật khiếu nại hiện hành.
Ngày 6/5/2014, Công ty Hoàng Phương tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần 2 tới ông Trưởng Công an huyện Đông Anh yêu cầu giải quyết vụ việc theo đúng quy trình của Luật khiếu nại hiện hành, nhưng tới nay đã 26 ngày trôi qua, Trưởng Công an huyện Đông Anh không có trả lời. Như vậy, Công an Đông Anh đã vi phạm cả thủ tục giải quyết khiếu nại và cũng tỏ thái độ coi thường doanh nghiệp. Ông Trưởng Công an Đông Anh sẽ trả lời thế nào với lãnh đạo Công an Hà Nội về điều này?
Thứ hai, vào lúc 14h ngày 24/4/2014 đại diện của Công ty Hoàng Phương đến đội Công an phụ trách xã để làm việc với anh Đỗ Thế Thắng theo giấy mời do ông Lê Thanh Hùng – Phó Trưởng Công an huyện Đông Anh ký. Khi đại diện của công ty đến, trực ban gọi điện thông báo cho anh Thắng về giải quyết. Anh Thắng đề nghị chúng tôi chờ vì đang bận tiếp khách. 30 phút sau, anh Thắng gọi điện lại cho trực ban bảo chúng tôi về, vì anh bận công tác đột xuất. Đây là hành vi cửa quyền, thích thì tiếp, không thích thì thôi. Hành vi này là không chấp nhận được, vì lịch làm việc với công ty đã được lãnh đạo Công an huyện Đông Anh ký, hẹn ngày giờ rất rõ.
Cũng theo luật sư Quang, Công an huyện Đông Anh kiểm tra về môi trường nhưng lại tự ý mở rộng đối tượng kiểm tra không có trong quyết định kiểm tra là vi phạm Thông tư 56/2012 của Bộ Công an. Tuy nhiên, khi DN khiếu nại theo luật khiếu nại thì lại không giải quyết.
Luật sư Quang nói: “Việc anh Thắng vin vào Nghị định 80/2013/NĐ-CP cho rằng mình có quyền kiểm tra, giữ hàng của Công ty Hoàng Phương là sai luật. Họ chỉ đọc cái ngọn mà không đọc cái gốc, vì Nghị định 80 phải căn cứ vào Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định rõ thẩm quyền cho các bộ ngành được kiểm tra chất lượng hàng hóa nào? Cơ quan công an chỉ được kiểm tra chất lượng hàng hóa đối với vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, dụng cụ phòng cháy chữa cháy…và không quy định ngành công an được quyền kiểm tra chất lượng hàng hóa là đồ uống để trong kho.
Việc tổ công tác do anh Đỗ Thế Thắng dẫn đầu vào kiểm tra môi trường, sau đó mở rộng kiểm tra sang chất lượng sản phẩm của Công ty Hoàng Phương là lạm quyền rất rõ, làm trái Thông tư 56 của Bộ Công an, gây thiệt hại cho DN. Sản phẩm của công ty đang ở trong xưởng, việc sai nhãn mác công ty đang khắc phục và chưa bán ra thị trường, do đó Công an Đông Anh cố ý thu giữ hàng hóa của DN chưa đưa ra lưu thông, đang để trong kho đã là vượt quá thẩm quyền, lại còn tiếp tục đòi kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Tôi khẳng định đây là một hành vi lạm quyền, bởi luật chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định rất rõ tại khoản 2 Điều 29: “Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất phải do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm thành lập đoàn kiểm tra do thủ trưởng cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa quyết định thành lập trên cơ sở, chương trình, kế hoạch kiểm tra đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra đột xuất. Đoàn kiểm tra phải có ít nhất 50% là kiểm soát viên chất. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa, sản phẩm là do Bộ Khoa học công nghệ chứ không phải của Bộ công an.