Doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả được nợ thì ai trả?

31/10/2018 11:46
Diệu Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, mọi thành phần kinh tế bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước áp dụng theo cơ chế tự vay, tự trả.

Trong các phiên chất vấn đang diễn ra tại Quốc hội, đại biểu ghi nhận nỗ lực của các thành viên Chính phủ với nhiều kết quả đã đạt được. Đồng thời, đại biểu cũng đề cập tới công tác quản lý nợ công, đặc biệt là việc doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả được nợ thì ai trả?

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng báo cáo với Quốc hội, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay, tự trả trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi nợ công.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Tài chính cho biết, thời gian qua thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nợ công nên đối với nợ nước ngoài Chính phủ chúng ta đã tích cực cơ cấu lại giảm dần tỷ trọng vay nước ngoài từ 60% năm 2011 xuống còn 40% năm 2018.

Trong đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ 24% GDP cuối 2011 xuống còn 21% năm 2018.

Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hạn chế cấp bảo lãnh của Chính phủ nên giảm từ 10,9% GDP 2015 xuống còn 8,7% năm 2018. Trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ 5,9% GDP cuối 2015 còn khoảng 5% cuối năm 2018.

Riêng đối với nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2016 tăng 25,7% so với năm 2015, năm 2017 tăng 39,6% so với năm 2016, đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia.

Doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả được nợ thì ai trả? ảnh 2

Đại biểu đề nghị xử lý nghiêm các sai phạm trong dự án đầu tư công

Chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là 42%, 44,8% hoặc 48,9% tương ứng các năm 2015, 2016, 2017 và dự kiến cuối năm 2018 là 49,7%, sát ngưỡng 50% như đại biểu đã nêu.

Quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết Quốc hội là không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bao gồm doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng theo cơ chế tự vay, tự trả là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp. Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định pháp luật.

Theo quy định Chính phủ tại Điều 9 Nghị định 219 năm 2013 Ngân hàng nhà nước được giao quản lý các khoản nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối của nhà nước.

Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn đã được Quốc hội cho phép.

Diệu Linh