Ngày 28/4 vừa qua, Thành phố Hà Nội chính thức thông xe tuyến đường dài 3,5km thuộc Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài được xây dựng trong phạm vi quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với điểm đầu dự án là nút giao thông với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70 do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư theo hình thức BT.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao BT (một dạng đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – chuyển giao).
Tuyến đường có quy mô 8 làn xe; trên tuyến có 2 cầu: cầu vượt sông Nhuệ dài 71m và cầu vượt đường sắt dài 365m.
Ngày 28/4 vừa qua, Thành phố Hà Nội chính thức thông xe tuyến đường dài 3,5km, để có được tuyến đường này Hà Nội phải "đánh đổi" 70 héc-ta đất - ảnh: H.Lực. |
Được biết dự án này khởi công năm 2009, khi đã thi công xong 800m nối từ đường Lê Đức Thọ đến nhà thi đấu điền kinh trong nhà để kịp tổ chức đại hội thể thảo Châu Á trong nhà Asian Indoor game năm 2010. Sau đó dự án ngừng thi công.
Dự án này đã bị thanh tra và theo công bố trên báo giới vào đầu năm 2012, chủ đầu tư Tasco đã vi phạm nghiêm trọng trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục, tính vào giá trị công trình các khoản chi phí vô lý… khiến tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 437 tỷ đồng.
Từ tháng 4/2015, dự án thi công trở lại và ngày 28/4/2017 chính thức được thông xe. Để có được tuyến đường này Hà Nội phải ký với Tasco hợp đồng BT. Theo đó, Tasco sở hữu quỹ đất lên tới gần 70 héc-ta ở Hà Nội.
Ngay khi thông tin dự án hoàn thành đi vào sử dụng dư luận đặt vấn đề về xuất đầu tư dự án cũng như việc Hà Nội phải đổi gần 70 héc-ta đất lấy đoạn đường được ví “dát kim cương”.
Liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Nguyễn Văn Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, do hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vì thế việc chính quyền các địa phương trong đó có Hà Nội đưa ra giải pháp đổi đất lấy hạ tầng là chính sách đúng.
“Hà Nội đang có chủ trương mở rộng về phía Tây, vì vậy việc cho phép Tasco đầu tư tuyến đường 3,5km nối từ đường Lê Đức Thọ đến Quốc lộ 70 theo hợp đồng BT – đổi đất lấy hạ tầng về mặt chủ trương chính sách là rất đúng và đột phá”, ông Điệp đánh giá.
Theo ông Điệp tuyến đường này hoàn thành sẽ tác động phát triển khu vực xã Xuân Phương, phường Cầu Diễn và phường Mỹ Đình.
Theo các chuyên gia xây dựng tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho 3,5km đường (tương đương suất đầu tư hơn 400 tỷ đồng/km không phải là thấp) - ảnh: H.Lực. |
Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng một dự án đường có chiều dài 3,5km nhưng mức đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng (khoảng hơn 400 tỷ đồng/ km) không phải là nhỏ.
“Vì thế, phải kiểm tra lại các khâu xem có vấn đề gì không nhất là khi dư luận đang đặt ra nghi vấn về chi phí đầu tư cao. Qua kiểm tra nếu có sai phạm sẽ giúp củng cố về cơ chế chính sách tránh hiện tượng lợi dụng chính sách”, ông Điệp đề nghị.
Ông Điệp nhấn mạnh, Hà Nội là trái tim của cả nước để phát triển thủ đô cần kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, trong đó huy động vốn xã hội hóa là cần thiết để kết cấu hạ tầng nâng lên.
“Tuy nhiên chúng ta phải đánh giá đúng, công bằng phải xem việc đổi đất cho Tasco đầu tư dự án như vậy đã xứng đáng chưa? Hay có sự xông xênh, tạo điệu kiện cho nhà đầu tư”, ông Điệp nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, xuất đầu tư 3,5km từ đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70 là quá cao.
Với mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho 3,5 Km có nghĩa mỗi Ki-lô-mét đường đầu tư hơn 400 tỷ đồng (tương đương gần 20 triệu USD/km), mức đầu tư này cao hơn ở các nước.
Nêu ví dụ, ông Liên cho biết: 1 km đường cao tốc 4 làn được tại 25 bang ở Mỹ chỉ có giá 7 triệu USD, tại Ả Rập Thống Nhất cao tốc 12 làn xe không hạn chế tốc độ chi phí xây dựng chỉ 4 triệu USD/km.
Mặt khác, trong thu hút đầu tư hạ tầng giao thông tại Hà Nội không nên lấy đất đổi bởi đất ở khu vực như Hà Nội có giá trị cao, việc lấy đất cũng dễ dẫn đến khiếu kiện gây bất ổn về an ninh trật tự.
“Cần thẩm định dự án này xem trong suất đầu tư lên đến hơn 400 tỷ đồng/km bao nhiêu chi cho giải phóng mặt bằng, bao nhiêu chi cho xây dựng. Đồng thời phải làm rõ việc vì sao phải dành gần 70 héc-ta đất cho Tasco, con số 70 héc-ta đất dựa trên tính toán nào”, ông Liên cho biết.