Sáng nay (26/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến về Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Cần quan tâm tới đời sống di dân tái định cư
Bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, báo cáo hiện nay của Bộ GTVT đã đủ điều kiện trình ra Quốc hội xin chủ trương. Tuy nhiên, bà Phóng đồng thời đề cập tới nhiều vấn đề cần lưu ý với dự án này và cần giải trình rõ trước Quốc hội.
“Tại sao trước đây là 5.000 héc-ta, bây giờ chỉ còn hơn 2.000 héc-ta? Đề nghị các đồng chí giải trình rõ trước Quốc hội. Tôi cho rằng, thu hồi đất là một thủ tục đặc biệt cho nên tôi đề nghị phải Quốc hội quyết định, bởi vì hàng nghìn héc-ta không phải đơn giản đâu. Nó còn gắn với quốc phòng, an ninh, gắn với sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều tỉnh ở trong khu vực này”, bà Phóng đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Chỉ qua một phiên họp Quốc hội, mức đầu tư sân bay Long Thành đã cắt giảm 2 tỷ USD. Vậy kỳ này nếu rà soát kỹ thì tổng mức đầu tư có giảm xuống nữa hay không?”.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề di dân tái định cư cần phải có một đề án riêng, đồng thời nêu thí dụ: “Thủy điện Hòa Bình cho đến nay vẫn chưa dứt được vai trò của Chính phủ. Thủy điện Sơn La cho đến nay vấn đề tái định cư cũng chưa dứt được vai trò đầu tư và hỗ trợ của Chính phủ. Dù tỉnh Đồng Nai có phát triển đến mấy thì cũng là trách nhiệm của Chính phủ lo cho dân. Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục báo cáo về đề án này, mà đây lại là đề án rất quan trọng, lo cho dân từ giải quyết công ăn việc làm, chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp là bao nhiêu?
Không chủ quan được đâu các đồng chí ạ, tôi nói ngay một sự kiện ở Đồng Nai đã có hàng vạn người tham gia biểu tình, đình công, bãi công. Ở đây lại là đất đai, nếu mình làm không cẩn thận, di dân tụ tập đông người cũng là cả một vấn đề”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị báo cáo cụ thể, chi tiết trước Quốc hội về Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Ngọc Quang. |
Một vấn đề quan trọng khác cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội đặt ra là cần phải có một đề án riêng về đất dự trữ cho quốc phòng.
“Thu hồi đất ấy là thu hồi đất nói chung, nhưng chuyển đất quốc phòng sang phục vụ kinh tế thì phải đặt ra cụ thể, mà Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước Quốc hội và trước Chính phủ, báo cáo việc này. Tôi đề nghị phải nói rõ với nhau đi, để sau này trong triển khai thì phân vai cho rõ”, bà Phóng chỉ rõ.
Đề án thứ ba Phó Chủ tịch Quốc hội đề cập là về môi trường. Bà Phóng nói: “Môi trường ở đây không phải chỉ có chuyện rác thải trong quá trình đầu tư xây dựng đâu, mà còn là tiếng ồn khi cất cánh hạ cánh. Tôi thấy cần có sự thẩm định của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường”.
Đề nghị đảm bảo tính chính sách nguồn vốn cho cả 3 giai đoạn
Báo cáo chi tiết việc sử dụng 5000 héc-ta vào các khu chức năng của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Quy mô này được xác định trên cơ sở đầu tư xây dựng 1 sân bay cấp F4 với cấu hình 2 cặp đường CHC và khu vực bố trí 4 nhà ga hành khách quốc tế/quốc nội (Chiều dài đường cất hạ cánh 4.000m + bề mặt tiếp cận phần đầu 3.000m x 2 – 10km).
Cụ thể: Khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn…) 160,62 héc-ta; Khu vực sân đỗ tàu bay 105,8 héc-ta; Khu vực nhà ga hành khách 642 héc-ta; Nhà ga hàng hóa 155 héc-ta; Hạng mục phụ trợ của cảng hàng không (công an, cửa khẩu, hải quan, trạm khẩn nguy, cứu nạn…) 552,4 héc-ta; Hạng mục tiếp cận (bến bãi, khu nhà chờ, taxi, bãi đỗ xe…) 22,45 héc-ta; Hạng mục tiện ích (trạm điện, xử lý nước thải…) 104,7 héc-ta; Đường trục sân bay - 65,3 héc-ta; Các hồ điều tiết và các khu hàng không khác – 710,33 héc-ta; Khu dự phòng khai thác hàng không giá rẻ – 52,7 héc-ta; Khu dịch vụ thương mại và dự trữ chiến lược (trung tâm triển lãm, khách sạn, hội nghị, khu công nghiệp hàng không…) 1.220 héc-ta; Khu quân sự – 1.050 héc-ta.
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra trình bày trước Thường vụ Quốc hội sáng nay, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát, tính toán lại diện tích của dự án xem có cần thiết phải sử dụng đến 5.000 héc-ta đất không, vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến dự án lên đến 2.250 héc-ta.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, không nên sử dụng sân bay quân sự Biên Hòa để kết hợp khai thác hàng không dân dụng với cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Việc mở rộng và cải tạo cảng hàng không Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm, nhưng phải đầu tư kinh phí rất lớn giải tỏa, đền bù, tái định cư (tương đương 9,1 tỷ USD), đồng thời nhìn về dài hạn nếu nhu cầu vượt quá 50 triệu khách/năm thì cũng không thể tiếp tục mở rộng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo về Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sáng nay. Ảnh: Ngọc Quang. |
Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về tính khả thi trong các phương án huy động vốn vì phương án Chính phủ đưa ra là chưa thuyết phục. Có ý kiến cho rằng, suất đầu tư của dự án cao hơn so với suất đầu tư cảng hàng không quốc tế các nước trong khu vực.
Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, qua rà soát cho thấy tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1 là 5.236 triệu USD giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội với cơ cấu vốn là: ODA 1.389,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn NSNN 578 triệu USD (chiếm 11,5%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP… 3.268,8 triệu USD (62,42 %).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, sân bay Long Thành là điểm trung chuyển tới nhiều quốc gia chứ không chỉ có 3 nước. Về lĩnh vực ưu tiên, theo Bộ trưởng Thăng điều này cũng được xây dựng trong chiến lược trình tự ưu tiên. Cụ thể lĩnh vực đường sắt, chỉ ưu tiên phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường thủy tập trung vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng, riêng lĩnh vực hàng không chỉ tập trung quan đâm đầu tư sân bay Long Thành.
Về tổng số 30% vốn đầu tư của dự án từ nguồn vốn ngân sách, theo Bộ trưởng Thăng con số này sẽ được làm rõ trong báo cáo tiền khả thi. Dự kiến nếu bán toàn bộ sân bay Phú Quốc, sẽ dùng nguồn vốn này đầu tư và sẽ không cần đến tiền ngân sách nhà nước cho sân bay Long Thành nữa. Bộ trưởng Thăng cũng tự tin về hiệu quả của sân bay Long Thành, vì các dự án cảng hàng không đều làm ăn có lãi.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công. Chỉ sử dụng vốn Ngân sách nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp.
Vẫn nỗi lo nợ công
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển đặt ra nhiều vấn đề cần được tháo gỡ tại dự án này và báo cáo Quốc hội.
Ông Hiển nêu thông tin liên quan đến việc sân bay Long Thành đề cập tới sự kết nối, trung chuyển tới 3 quốc gia, tuy nhiên một số chuyên gia thì nhận định, sân nay này chỉ trung chuyển được 1 quốc gia. Vậy vai trò của sân bay Long Thành thế nào, trong khi lượng hành khách nội địa chiếm tỷ lệ nhỏ? Sân bay Long Thành có đạt 100 triệu hành khách như mục tiêu đặt ra không?
Cũng theo ông Hiển, vấn đề trật tự ưu tiên đầu tư rất cần thiết trong bối cảnh nguồn vốn đang hết sức khó khăn hiện nay. Lĩnh vực giao thông luôn được Quốc hội ưu tiên, nhưng theo ông Hiển, ngay trong ngành giao thông cũng cần có sự ưu tiên cho từng lĩnh vực. Cả đường bộ Bắc Nam, đường sắt, rồi đường thủy, hàng không… lĩnh vực nào cũng đang cần một lượng vốn đầu tư lớn. Vậy chúng ta phải sắp xếp trong trật tự ưu tiên nào? Sân bay Long Thành làm ngay hay làm sau?
Ngoài ra vấn đề cơ chế tài chính cũng cần phải được tính đến. Sân bay Long Thành sẽ cấp vốn không hoàn lại hay như một doanh nghiệp để kinh doanh. Dù nguồn tiền nào thì cuối cùng cũng là tiền ngân sách, kể cả nguồn vốn ODA. Nguồn ngân sách liên quan đến nợ công, vì thế cần phải xem hiệu quả đầu tư như thế nào?