EMagazine

Dự báo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ngày càng thu hút được nhiều SV

Dự báo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ngày càng thu hút được nhiều SV

11/05/2024 06:23
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhu cầu của ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường luôn có và ngày một tăng cao do xu hướng phát triển của xã hội.

Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường là ngành học cung cấp những kiến thức về quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường thành phần (đất đai, nước, rừng, khí hậu, khoáng sản, đa dạng sinh học...), luật và chính sách tài nguyên môi trường, công nghệ xử lý chất thải, đánh giá tác động môi trường...từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và phục vụ đời sống, sản xuất.

Đứng trước những thách thức mới đặt ra cho toàn xã hội hiện nay về vấn đề quản lý tài nguyên và môi trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường phục vụ cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên, năm 2011, Khoa Sinh – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã chính thức tuyển sinh ngành Cử nhân khoa học Quản lý Tài nguyên và Môi trường.

Chương trình đào tạo được thiết kế đặc thù

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Đăng Mậu, Phó trưởng khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết, mục tiêu đào tạo của ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của khoa là định hướng sinh viên trở thành các nhà quản lý về mảng tài nguyên và môi trường trong tương lai.

Do đó, chương trình đào tạo cũng được thiết kế đặc thù để phục vụ mục tiêu này, tức các kiến thức và kỹ năng mà sinh viên sẽ được học không chỉ dừng lại ở mức đảm bảo các bạn trở thành một chuyên viên hay kỹ sư giỏi nghề mà còn trau dồi thêm các năng lực của một nhà quản lý thực thụ.

Sinh viên sẽ được học từ các kiến thức rất cơ bản như: hiểu biết về tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, không khí, rừng, đa dạng sinh học,.... đến chuyên sâu như: tương tác giữa con người và sinh vật, môi trường, phản ứng của các hệ sinh thái đối với các áp lực bên ngoài, mối quan hệ giữa môi trường - kinh tế - xã hội trong phát triển bền vững.

3.jpg

Các kỹ năng phòng thí nghiệm và thực địa cũng được chú trọng khi các học phần này chiếm đến ~40% chương trình đào tạo, chẳng hạn như: Kỹ thuật phân tích môi trường (đất, nước, không khí, vi sinh,...), Ứng dụng công nghệ phục vụ cho quản lý tài nguyên môi trường (thống kê sinh học, phần mềm viễn thám GIS, SMART, ...) hay các khóa học tập thực tế tại các cơ quan nhà nước về quản lý tài nguyên môi trường/khu bảo tồn thiên nhiên, doanh nghiệp về nhà máy cấp/ xử lý nước, trung tâm/viện nghiên cứu, tổ chức NGOs…

Ngoài ra, các môn học phục vụ phát triển năng lực người làm trong công tác quản lý Nhà nước cũng được thiết kế tích hợp trong chương trình, có thể kể đến như: Quản lý dự án, Thanh tra môi trường, Hệ thống ISO 14000, Quản lý vườn quốc gia và khu bảo tồn…

Hiện tại trên cả nước có một số trường đào tạo ngành này, chia sẻ về những điểm khác biệt trong đào tạo, thầy Mậu cho biết, điểm đặc biệt chính là mục tiêu đào tạo của nhà trường: sinh viên trở thành nhà quản lý trong tương lai.

Chương trình đào tạo được xây dựng để trau dồi và phát huy tối đa năng lực của một nhà quản lý giỏi, tức có khả năng tham mưu, ra quyết định dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng, kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn và sự phù hợp với các định hướng, quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Đây cũng chính là những thế mạnh của Khoa Sinh - Môi trường, nhà trường có kinh nghiệm hơn 20 năm đào tạo nhân lực, làm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên với đội ngũ, mạng lưới liên kết các giáo sư, giảng viên và nhà nghiên cứu có kinh nghiệm dày dặn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Khoa hiện đáp ứng đầy đủ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên với các trang thiết bị phân tích, quan trắc tiên tiến, hiện đại.

Khoa có sự liên kết sâu rộng với rất nhiều các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế, nên luôn có các chương trình mời các chuyên gia thỉnh giảng, các hoạt động khoa học chuyên môn hay các khóa tập huấn nâng cao năng lực trong thời gian đào tạo. Cùng với chương trình học tích hợp vào các lĩnh vực khác như kinh doanh, công nghệ, phát triển cộng đồng… cơ hội để các sinh viên học tập và trải nghiệm là rất đa dạng và phong phú. Cơ hội việc làm từ đó cũng tăng theo.

Tuy nhiên vì là ngành học khá đặc biệt nên cũng có một số thách thức, theo thầy Mậu, phát triển bền vững là mục tiêu lớn không chỉ của Việt Nam mà còn là quốc tế. Phát triển bền vững phải đảm bảo sự tiến bộ ở cả 3 mặt: kinh tế, môi trường và xã hội.

5.jpg

Do đó, môi trường sẽ luôn là một thành tố không thể thiếu trong bức tranh phát triển tổng thể của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tuyển sinh ngành Quản lý tài nguyên và môi trường đang gặp 1 số khó khăn nhất định do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về phía nhận thức chung của xã hội, vai trò, tầm quan trọng của mảng tài nguyên - môi trường chưa thực sự được đánh giá đúng, mới chỉ được quan tâm đến như là một điều kiện cần, chưa phải là một điều kiện đủ trong tiến trình phát triển.

Thứ hai, về phía cơ sở đào tạo: Thông tin về ngành học, cơ hội nghề nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi, đầy đủ đến học sinh.

Thứ ba, về phía học sinh: xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh hiện nay cũng là khó khăn với ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Một yếu tố không thể không nhắc đến là ảnh hưởng của các ngành học “hot trend” được nhiều thí sinh quan tâm.

Cuối cùng, về phía cơ quan quản lý chưa có biện pháp cụ thể để cân bằng nguồn nhân lực giữa các ngành trọng yếu, dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa thừa nhân lực.

Tuy nhiên, theo thầy Mậu, trong những năm tới, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường sẽ thu hút được nhiều sinh viên hơn nhờ một số thuận lợi sau:

Nhiệm vụ Quản lý Tài nguyên và Môi trường đã và đang được đưa vào cụ thể hóa trong các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, khẳng định rằng đây là phần không thể thiếu trong bức tranh phát triển bền vững của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức cũng đều đang phát triển các bộ phận chuyên trách về mảng môi trường để đảm bảo sự phát triển lâu bền của mình.

“Hiện nay, sự tăng lên về số lượng và mức độ nghiêm trọng các sự cố môi trường, ảnh hưởng của khí hậu cực đoan, hay cạn kiệt tài nguyên ngày càng được biết đến rộng rãi. Điều này gióng lên một hồi chuông cảnh báo giúp xã hội nhận thức đúng đắn hơn về sự quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên”, thầy Mậu chia sẻ.

Nhu cầu nhân lực ngày một tăng cao

Bàn về nhu cầu nhân lực của ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Đăng Mậu cho rằng, nhu cầu của ngành này là luôn có và ngày một tăng cao do xu hướng phát triển của xã hội

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại có thể nhận thấy khi đi làm việc thực tế, hợp tác với các doanh nghiệp và cơ quan địa phương, thì nhu cầu có nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng về chất lượng.

Nhận ra điều này, trường đã kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế hơn, từ đó nâng cao được tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trong những năm gần đây.

Theo thống kê trong cơ sở dữ liệu Hội cựu sinh viên, cựu học viên của Khoa Sinh - Môi trường, ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường hiện có một mạng lưới việc làm rất đa dạng: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm công chức trong các cơ quan Nhà nước về quản lý tài nguyên và môi trường: Bộ/Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ/Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các phòng, ban liên quan đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường.

Cử nhân ngành này cũng có thể trở thành nhân viên trong các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên và môi trường, trung tâm tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch rừng, quy hoạch môi trường…

Các em cũng có thể làm ở vị trí như nhân viên phân tích môi trường, cán bộ nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các đề tài vào thực tiễn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại các viện nghiên cứu, các trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, trường đại học.

Để đáp ứng tốt yêu cầu công việc sau khi ra trường, thầy Mậu cho biết, sinh viên nên chú trọng vào việc học tập và nắm vững kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu trong ngành. Đồng thời, hãy chủ động tham gia các khoá học bổ trợ, tăng cường kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại như GIS, phân tích dữ liệu môi trường…

Bên cạnh đó, hãy tích cực tham gia các dự án thực tế, thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, luôn cập nhật các vấn đề môi trường hiện tại và xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Điều này sẽ giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn và đóng góp tích cực vào các dự án mà bạn tham gia.

Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng có kết nối với các đơn vị doanh nghiệp liên kết như: Trung tâm quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên; Trung tâm GreenViet; Hội động vật học Frankfurt; Công ty TNHH một thành viên môi trường và tài nguyên sinh vật Hướng Sáng…

Nhà trường cũng có nhiều chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên như Học bổng Vallet; Học bổng khuyến khích học tập/ học kì; Học bổng tài trợ nghiên cứu (Hội động vật học Frankfurt) để khuyến khích sự nỗ lực học tập ở các sinh viên.

Bản thuyết trình Từ thiện Báo cáo Tác động Môi trường Màu Xanh lá đậm Xanh Ôliu Màu Kem Phong cách Hình dạng & Vẽ nguệch ngoạc.jpg

Bên cạnh đó, các chương trình này còn khuyến khích sinh viên rèn luyện, học tập và nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp vào kho tàng tri thức khoa học. Từ đó đáp ứng mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực đạt chất lượng cao trong lĩnh vực Quản lý tài nguyên và môi trường cho nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội, cũng như tạo nền tảng và điều kiện để sinh viên có thể tiếp tục học lên các bậc học cao hơn trong và ngoài nước để hoàn thiện thái độ, kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc của mình.

Bạn Phan Thị Thảo Linh, sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ, hầu hết mỗi kì học sinh viên sẽ được đi thực tế môi trường lẫn tài nguyên. Về môi trường, sinh viên sẽ được đi tham quan các nhà máy như nhà máy xử lý nước thải, nhà máy xử lý rác hoặc các khu công nghệ cao, thay vì chỉ ngồi trên giảng đường thì sinh viên được đi học thực tế, trải nghiệm nhiều hơn.

"Trước khi học ngành này, em nghĩ môi trường rất là đơn giản như xoay quanh về rác thải hay nước thải. Tuy nhiên khi được tiếp xúc với chương trình học thì ngành học này còn gắn liền với tài nguyên và quản lý như dựa vào các công cụ, phương thức để làm cho môi trường tốt hơn.

Ngoài ra, ngành học không chỉ giải quyết những vấn đề ô nhiễm còn có biện pháp để duy trì và phát triển bền vững hơn, chính vì vậy, sinh viên sẽ hiểu được các nguyên lý và các hình thức để quản lý khi học ngành này", Linh chia sẻ

Về kinh nghiệm học tập, Linh cho biết, mỗi bạn sinh viên nên tích cực tham gia các phòng thí nghiệm cũng như tập trung vào 1 hướng nghiên cứu riêng mà mình thích. Bên cạnh đó, nên chủ động trau dồi kỹ năng tin học, ngoại ngữ để gia tăng cơ hội tham gia các hoạt động như trao đổi du học sinh hay tham gia các hội nghị cấp trường.

Bạn Mai Hồng, sinh viên đang theo học thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên và môi trường cho biết, ngay từ năm 1 sinh viên sẽ được tiếp cận với chương trình học tập thực tế, được đi tham quan để nắm qua về ngành học như tham quan các khu bảo tồn, doanh nghiệp xử lý nước thải.

Khi bắt đầu học năm 3, sinh viên được đi thực tập dài hạn tại các đơn vị như trung tâm phân tích môi trường của thành phố hoặc những doanh nghiệp từ 2-3 tháng.

Cũng theo Hồng, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường là một ngành khá đặc thù, bởi vậy khi bắt đầu lựa chọn ngành học cần xuất phát từ sở thích và tìm hiểu từ trước, bên cạnh những kiến thức về lý thuyết và chuyên môn, sinh viên cần chủ động trong quá trình học tập và có những mục tiêu trong tương lai.

Thu Trang