Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm thu nhập có thể lên tới 3000 USD/tháng

04/07/2025 06:24
Đình Nam
Theo dõi trên Google News

GDVN - Theo một số doanh nghiệp, SV tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm có cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập có thể lên tới 1.000 - 3.000 USD/tháng.

Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật liên quan đến việc thiết kế, phát triển và bảo trì các ứng dụng phần mềm. Nó bao gồm các hoạt động như phân tích yêu cầu, quản lý dự án, kiểm thử và triển khai sản phẩm.

Đây là một trong những ngành phát triển nhanh nhất và được coi là một phần quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ với nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng.

Ngành học mở ra cơ hội việc làm toàn cầu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm - Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định ngành Kỹ thuật phần mềm thời điểm hiện tại có cơ hội việc làm lớn.

Trước hết, Kỹ thuật phần mềm là ngành học gắn liền với nền công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Hầu như mọi lĩnh vực - từ tài chính, y tế, giáo dục đến công nghiệp và nông nghiệp - đều có nhu cầu lớn về các hệ thống phần mềm thông minh, ổn định, và an toàn.

Tại Việt Nam, lĩnh vực gia công phần mềm đang có nhiều lợi thế cạnh tranh, với đội ngũ lập trình viên giỏi ngày càng đông đảo và chất lượng cao. Theo báo cáo năm 2019 của SkillValue, Việt Nam được xếp hạng 29/50 quốc gia có lập trình viên giỏi nhất thế giới, dựa trên đánh giá hơn 550 bài kiểm tra kỹ năng lập trình và dữ liệu từ hàng nghìn ứng viên toàn cầu.

Điều đó cho thấy nguồn nhân lực kỹ thuật phần mềm tại Việt Nam không chỉ đông đảo mà còn có chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh toàn cầu, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới.

snapedit-1750221768599.jpg
Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC

“Sức hút của ngành Kỹ thuật phần mềm còn đến từ cơ hội việc làm phong phú và khả năng mang lại thu nhập cao. Khảo sát của chúng tôi khi mở ngành này năm 2024 với hơn 1.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cho thấy 76% cho rằng ngành học này phù hợp với xu thế phát triển, trong đó 45% có nhu cầu theo học, đặc biệt có tới 12% thể hiện mong muốn rất cao.

Có thể nói rằng, ngành học này không chỉ hấp dẫn về mặt cơ hội nghề nghiệp mà còn tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận môi trường làm việc toàn cầu, thu nhập cao, và phát triển bản thân trong các lĩnh vực tiên tiến.

Đặc biệt, ngành Kỹ thuật phần mềm rất phù hợp với trí tuệ và phẩm chất của người Việt Nam - vốn nổi bật với tư duy logic tốt, sự kiên trì, tỉ mỉ, cùng khả năng tự học nhanh chóng và thích nghi cao với công nghệ mới.

Những yếu tố này đã và đang giúp lập trình viên Việt Nam khẳng định vị trí ngày càng vững chắc trong các tập đoàn công nghệ toàn cầu, đồng thời cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nguồn nhân lực Việt trong kỷ nguyên số”, thầy Lâm bày tỏ.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu - Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nhận định nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực phát triển phần mềm đang ngày một lớn.

Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật phần mềm mang đến cơ hội sáng tạo không giới hạn. Sinh viên sẽ được học cách thiết kế, xây dựng và duy trì các ứng dụng phần mềm, góp phần giải quyết những bài toán thực tế và mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội.

Ngoài ra, Kỹ thuật phần mềm là một ngành học có mức thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Với những kỹ năng và kiến thức được trang bị, sinh viên sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể trở thành những chuyên gia, quản lý dự án, hay thậm chí là những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phần mềm.

z6710337825172-5406553a4373dc5e56a22c27a72d9539-5431.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: NVCC

“Khi xét tuyển vào ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đặc biệt chú trọng đến năng lực tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề và niềm yêu thích đối với công nghệ thông tin.

Những thí sinh có điểm số tốt ở các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là Toán học và Tin học, thường có lợi thế hơn trong quá trình xét tuyển. Tuy nhiên, điểm số không phải là yếu tố duy nhất quyết định khả năng theo học ngành này.

Để học tốt Kỹ thuật phần mềm, thí sinh cần hội tụ nhiều tố chất quan trọng. Đầu tiên là tư duy logic và phân tích - khả năng suy luận, sắp xếp thông tin một cách hợp lý, từ đó thiết kế và xây dựng phần mềm một cách hiệu quả.

Cùng với đó, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng là yếu tố không thể thiếu, bởi lập trình là hành trình liên tục đối mặt với lỗi và thử thách. Tính tỉ mỉ và cẩn thận đóng vai trò thiết yếu, vì chỉ một sai sót nhỏ trong mã lệnh cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, sự sáng tạo và đam mê là động lực giúp người học luôn sẵn sàng đổi mới và chủ động học hỏi để thích ứng với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ.

Không kém phần quan trọng là khả năng làm việc nhóm, bởi phần lớn các dự án phần mềm đều được phát triển bởi nhiều người, đòi hỏi sự phối hợp và hiểu biết lẫn nhau.

Cuối cùng, người học cần có khả năng tự học tốt, bởi công nghệ thông tin luôn thay đổi không ngừng, và việc chủ động cập nhật tri thức mới là chìa khóa để không bị tụt lại phía sau”, thầy Hậu nhấn mạnh.

Cơ hội việc làm hấp dẫn, thu nhập có thể đến 3.000 USD/tháng

Theo khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân khi mở ngành Kỹ thuật phần mềm trong năm 2024, có tới 98% chuyên gia, 94% doanh nghiệp và 91% cựu sinh viên đều đồng thuận rằng ngành học này có nhu cầu nhân lực rất cao. Thậm chí, 52% chuyên gia và 35% người sử dụng lao động đánh giá nhu cầu thị trường đối với ngành này là "rất cao".

“Ngay từ khi xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường đã chủ trương gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bảo đảm tính thực tiễn. Chúng tôi có mạng lưới hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VinGroup, MB Bank, VNPT cũng như các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.

Sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc nhóm với doanh nghiệp qua các dự án thật, được tham gia seminar chuyên đề, các cuộc thi công nghệ và Hackathon để cọ xát với thực tế.

Ngoài ra, học phần "chuyên đề thực tế" và "khoá luận tốt nghiệp" ở học kỳ cuối đều hướng tới giải quyết các bài toán thực tế từ doanh nghiệp”, Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm thông tin.

sv-ktqd-6775.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mộc Trà

Trong khi đó, Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chia sẻ, với kiến thức và kỹ năng được trang bị, cử nhân ngành Kỹ thuật phần mềm hoàn toàn có thể đảm nhận các vị trí như lập trình viên (đa dạng các mảng như website, di động, ứng dụng…), kiểm thử phần mềm (Tester), chuyên viên đảm bảo chất lượng (QA), kỹ sư DevOps, kỹ sư cầu nối, chuyên viên phân tích hệ thống, hay quản lý dự án phần mềm.

Mức thu nhập trung bình cho các vị trí này có thể lên tới 1.000 đến 3.000 USD/tháng và hoàn toàn có thể cao hơn nữa tùy thuộc vào năng lực và quy mô của công ty mà các em làm việc.

Để giúp sinh viên có cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực tế và tiếp cận thị trường lao động một cách tốt nhất, Khoa Công nghệ thông tin đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như FPT Software, Misa, VNPT, Viettel,...

Đồng thời, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề với sự tham gia của diễn giả là các chuyên gia công nghệ hàng đầu. Nhà trường cũng tổ chức định kỳ Ngày hội việc làm (Career Day) để tạo cầu nối giữa sinh viên và những nhà tuyển dụng tiềm năng.

Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp của ngành Kỹ thuật phần mềm, chị Vũ Thị Minh - Trưởng bộ phận Tuyển dụng Công ty NashTech Việt Nam tại văn phòng Hà Nội khẳng định ngành này có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai gần.

"Theo Báo cáo Thị trường IT Việt Nam năm 2024 – 2025 với chủ đề “Vietnam IT & Tech Talent Landscape” do TopDev công bố, mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành này đang tăng lên đáng kể nhưng dự đoán từ năm 2023 - 2026, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm. Con số này phản ánh tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành Kỹ thuật phần mềm trong thời gian tới.

Nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh các xu hướng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot thông minh và công nghệ bền vững đang bùng nổ.

Đây là cơ hội lớn cho người trẻ theo đuổi ngành Kỹ thuật phần mềm, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.

Tại NashTech, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm có nhiều cơ hội tham gia vào các chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp như Rookie to Engineer hay BA Fresher kéo dài trong 3 tháng. Sau khi hoàn thành, các bạn có thể đảm nhiệm một số vị trí như: kỹ sư phần mềm (Software Engineer), nhân viên kiểm thử phần mềm (Test Engineer) hoặc chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst).

Mức thu nhập khởi điểm cho các vị trí này lên tới 17 triệu đồng/tháng, tùy theo năng lực và kết quả đánh giá sau quá trình đào tạo. Đây là nền tảng vững chắc để các bạn trẻ phát triển sự nghiệp trong ngành công nghệ thông tin đầy tiềm năng”, chị Minh cho hay.

Cũng theo bà Minh, khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm, doanh nghiệp thường ưu tiên những ứng viên có nền tảng chuyên môn vững, sử dụng ngoại ngữ thành thạo và sở hữu các kỹ năng mềm phù hợp với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Trong đó, những kỹ năng được đánh giá cao gồm: giao tiếp hiệu quả, giải quyết vấn đề, làm việc độc lập và nhóm, tinh thần tự học và khả năng thích ứng nhanh. Đây là nền tảng quan trọng giúp người học nhanh chóng hòa nhập và phát triển bền vững trong ngành công nghệ đầy biến động hiện nay.

anh-gui-bao.jpg
Chị Vũ Thị Minh - Trưởng bộ phận Tuyển dụng Công ty NashTech Việt Nam, văn phòng Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - Phụ trách nhân sự Công ty Cổ phần Phần mềm BRAVO tiết lộ mức lương khởi điểm dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm là 12,5 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các khoản thưởng.

Khi tuyển dụng, BRAVO đặt ra yêu cầu ứng viên cần có kiến thức lập trình cơ sở dữ liệu SQL Server và hiểu biết cơ bản về kế toán. Sinh viên mới tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí như: phát triển sản phẩm (mức lương từ 17-22 triệu đồng/tháng), triển khai, bảo hành, kiểm thử, phân tích nghiệp vụ, tư vấn giải pháp (từ 12,5-14 triệu đồng/tháng).

Chị Quỳnh thông tin thêm, trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực ngày càng gay gắt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm gặp không ít khó khăn do các em có nhiều lựa chọn hấp dẫn từ những công ty khác. Để thu hút nhân sự chất lượng, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách đãi ngộ khác biệt và môi trường làm việc hấp dẫn.

Nâng cao chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm theo năng lực quốc tế

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu, trong quá trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có nhiều lợi thế nổi bật như đội ngũ giảng viên chất lượng cao với 40% là phó giáo sư, tiến sĩ và 60% còn lại đều có trình độ thạc sĩ cùng kinh nghiệm thực tiễn phong phú.

Nhà trường cũng đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất với hệ thống phòng lab hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên tham gia các dự án thực tế và nhóm nghiên cứu, qua đó sớm làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt là việc cập nhật nhanh chóng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, DevOps hay kiến trúc cloud-native vào chương trình đào tạo.

Việc thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức lý thuyết và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp cũng là một bài toán cần tiếp tục giải quyết.

Nhà trường xác định rõ sứ mệnh đào tạo đội ngũ kỹ sư phần mềm chất lượng cao - không chỉ vững kiến thức nền mà còn linh hoạt thích ứng với những chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong lĩnh vực này”, thầy Hậu khẳng định.

473365761-9868329559848605-1775484564048229332-n.jpg
Ngành Kỹ thuật phần mềm có cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thu nhập hấp dẫn. Ảnh: UETHY

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm, thách thức lớn nhất đặt ra là làm sao xây dựng được chương trình đào tạo hiện đại, cập nhật nhanh với tốc độ phát triển của công nghệ mà vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra theo khung năng lực nghề nghiệp quốc tế.

Việc tuyển dụng giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh, có kinh nghiệm thực tiễn và công bố quốc tế cũng là một bài toán không dễ giải.

Mục tiêu của Đại học Kinh tế Quốc dân là đào tạo ra những cử nhân kỹ thuật phần mềm không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn hiểu biết kinh tế, có khả năng quản lý và điều hành các dự án công nghệ trong doanh nghiệp. Đây cũng là đóng góp thiết thực của trường vào chiến lược quốc gia về chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Do đó, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm được thiết kế theo chuẩn quốc tế, tham khảo từ các đại học uy tín như Arizona State University (Mỹ), Deakin University (Úc) và những trường đại học hàng đầu trong nước.

Bên cạnh kiến thức nền tảng, sinh viên còn có cơ hội lựa chọn 30 tín chỉ chuyên sâu theo định hướng như trí tuệ nhân tạo, lập trình game, phát triển ứng dụng di động, điện toán đám mây, phần mềm nguồn mở...

Trong tương lai, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh quốc tế hóa chương trình, mở rộng hợp tác đào tạo theo mô hình 2+2 với các đại học quốc tế, triển khai mô hình “học - làm - nghiên cứu” tích hợp, và đầu tư mạnh mẽ vào các phòng lab công nghệ cao nhằm tạo môi trường học tập tối ưu cho sinh viên phát triển toàn diện.

Đình Nam