Trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, cố Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều đóng góp to lớn đối với giáo dục Việt Nam.

Trước thông tin Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư Trần Hồng Quân, nhiều cộng sự gần gũi với cố Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng đề xuất này là hoàn toàn xứng đáng với những công lao của vị “thuyền trưởng” đã dành cả cuộc đời để làm nên những đổi mới mang tính đột phá cho giáo dục nước nhà.

gs-quan-2.jpg
Cố Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Lê Phương

Ghi nhận xứng đáng những đóng góp của cố GS Trần Hồng Quân

Tiến sĩ Đặng Văn Định - nguyên Chuyên viên cấp cao theo dõi về giáo dục của Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo dục Quốc gia, hiện là Trưởng Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) từng có thời gian dài làm việc và gần gũi với Giáo sư Trần Hồng Quân từ cuối năm 1989.

Khi biết tin có đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư Trần Hồng Quân, Tiến sĩ Đặng Văn Định bày tỏ niềm vui và cho rằng đề xuất rất đúng đắn, những đóng góp đột phá của cố Giáo sư Trần Hồng Quân trong đổi mới giáo dục được ghi nhận một cách xứng đáng.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Văn Định nhận định rằng, trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, ngành giáo dục khi đó do cố Giáo sư Trần Hồng Quân là Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có những kiến tạo chính sách rất tốt, mang tính chất đổi mới, từ đó làm bước ngoặt cho phát triển ngành giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học.

bac-dinh-5372.jpg

"Nếu chúng ta tổng kết toàn bộ những thành quả từ nỗ lực không mệt mỏi và sự quyết tâm theo đuổi tư tưởng đổi mới giáo dục của cố Giáo sư Trần Hồng Quân, chắc chắn sẽ là một danh sách rất dài. Vì vậy, việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư Trần Hồng Quân là hoàn toàn xứng đáng,” Tiến sĩ Đặng Văn Định nhấn mạnh.

Cũng theo chia sẻ của Tiến sĩ Đặng Văn Định, trong giai đoạn đất nước thực hiện chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giáo dục là một trong những lĩnh vực phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về cơ chế vận hành lẫn phương thức phát triển, đặc biệt là tình trạng suy giảm quy mô đào tạo ở các trường đại học. Trong bối cảnh đó, điều đáng trân trọng và nể phục ở cố Giáo sư Trần Hồng Quân là nhìn ra những rào cản của sự phát triển, từ đó đề xuất các chương trình hành động, làm tiền đề đổi mới rất căn bản giáo dục và đào tạo dựa trên cả lý luận và thực tiễn Việt Nam.

Cụ thể, cố Giáo sư Trần Hồng Quân cùng đội tham mưu đã đề ra 3 chương trình hành động được triển khai trong 3 năm học giai đoạn 1987 - 1990:

Chương trình 1: Cải cách đào tạo nhằm thực hiện những đổi mới bước đầu về cơ cấu hệ thống, mục tiêu, nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo, tạo điều kiện để mở rộng quy mô, ổn định và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, phù hợp với những yêu cầu kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

Chương trình 2: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất cải thiện điều kiện vật chất kỹ thuật của đào tạo nhằm mở rộng sự liên kết giữa giáo dục – đào tạo với khoa học – kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh, phát huy tính tích cực của nhà trường đem ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn, đồng thời tạo ra vốn tự có cho trường, cải thiện những điều kiện của đào tạo và cải thiện một phần đời sống của giáo viên và sinh viên.

Chương trình 3: Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới công tác tổ chức, quản lý trong ngành, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng cán bộ giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện dân chủ hóa nhà trường, tìm ra động lực tiến bộ của từng người, từng nhà trường.

Trong 3 chương trình hành động trên, Tiến sĩ Đặng Văn Định rất tâm đắc với Chương trình 1. “Có thể nói rằng, Chương trình 1 mang tính mục đích, và đặt mục tiêu đổi mới căn bản để các trường đại học có thể đứng vững trong điều kiện kinh tế xã hội đầy biến động lúc bấy giờ”, Tiến sĩ Đặng Văn Định chia sẻ.

Cũng trong thời điểm đó, những chính sách đổi mới cũng được áp dụng hiệu quả ở các trường đào tạo sư phạm, tạo tiền đề để các trường này lớn mạnh như ngày nay.

Chính sách đổi mới giáo dục đúng lúc, đúng chỗ và đúng tầm

Theo ghi nhận của phóng viên, trong cảm nhận chung của đội ngũ nhà giáo dưới thời cố Giáo sư Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô đều bày tỏ sự kính trọng, biết ơn trước những chính sách đổi mới giáo dục đã góp phần giải quyết khó khăn cho các trường, giúp quy mô đào tạo từng bước tăng trở lại sau thời gian suy giảm cực mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) bày tỏ, tư tưởng đổi mới giáo dục đại học của cố Giáo sư Trần Hồng Quân vẫn được kế thừa và phát triển trong giáo dục hôm nay.

Thầy Đặng Quốc Bảo chia sẻ rằng, cố Giáo sư Trần Hồng Quân là một nhà quản lý giáo dục xuất sắc, xây dựng được những chính sách đổi mới giáo dục đúng lúc, đúng chỗ và đúng tầm; có ý nghĩa quan trọng đối với cơ sở giáo dục đại học nói chung, trong đó có Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (sau này là Học viện Quản lý Giáo dục).

pgsdangquocbao-2851.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo. Ảnh: Phạm Minh

“Khi là người đứng đầu của ngành giáo dục Việt Nam, cố Giáo sư rất quan tâm và nỗ lực giúp các cơ sở giáo dục đại học trong đó có Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo vượt qua khó khăn để phát triển đi lên.

Cùng với những đóng góp cho ngành giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất, cố Giáo sư Trần Hồng Quân xứng đáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

GS Trần Hồng Quân - người đặt nền móng cho giáo dục ngoài công lập

Nhắc về nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cố Giáo sư Trần Hồng Quân, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Khoa - nguyên Phó Trưởng phòng Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chánh văn phòng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ sự cảm phục trước những đóng góp của cố Giáo sư Trần Hồng Quân cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

bac-khoa-hh.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Khoa. Ảnh: Xuân Trung

Có nhiều thời gian gần gũi với cố Giáo sư Trần Hồng Quân, Thạc sĩ Khoa càng kính nể và quý trọng trước một “người Anh” - một vị nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc nào cũng nhiệt huyết và trăn trở về sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục Việt Nam.

Thành quả từ công cuộc đổi mới giáo dục thời cố Giáo sư Trần Hồng Quân để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với Thạc sĩ Khoa chính là việc ban hành các căn cứ pháp lý để làm tiền đề, nền móng hình thành nên hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập (bao gồm dân lập, tư thục).

Cụ thể, thời điểm đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Trong khi để phát triển giáo dục đại học thì đòi hỏi phải phải huy động thêm các nguồn lực xã hội, điều mà mô hình trường đại học công lập thuần túy không thể đáp ứng được một cách kịp thời và toàn diện. Quan điểm của cố Giáo sư Trần Hồng Quân thời điểm đó là cần phải có sự sẻ chia của xã hội đối với giáo dục (xã hội hóa giáo dục). Ngành giáo dục đã nhanh chóng ban hành các quy chế đầu tiên về loại hình trường đại học dân lập, tư thục được ban hành, làm cơ sở pháp lý quan trọng cho sự hình thành các trường đại học dân lập, tư thục.

Theo Thạc sĩ Khoa, hệ thống trường đại học ngoài công lập (nay là các trường tư thục) đã chứng minh vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển giáo dục và đào tạo nhân lực cho đất nước.

Những đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của cố Giáo sư Trần Hồng Quân thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tinh thần đổi mới để mở lối phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà. Sự ra đời và lớn mạnh của khối trường đại học tư thục ngày nay có thể được coi là một minh chứng sống động cho tầm nhìn sáng suốt của cố Giáo sư, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân.

Chia sẻ thêm, Thạc sĩ Khoa cho rằng tâm huyết của "Anh Quân" đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục không dừng lại kể cả đến khi nghỉ hưu cố Giáo sư Trần Hồng Quân vẫn miệt mài, nỗ lực thành lập một hiệp hội nhằm hiến kế chính sách cho giáo dục nước nhà.

"Giữa năm 2006, sau khi nghỉ hưu, tôi về làm việc ở Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam với vai trò Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, khi đó cố Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là Chủ tịch Hiệp hội.

Ngày 07/11/2014, Văn phòng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam nhận được công văn của Bộ Nội vụ về Quyết định cho phép thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trên cơ sở cơ cấu lại Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Niềm vui ấy là thành quả đến từ hành trình phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách mới có thể xây dựng được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đặc biệt là nhờ vào công sức, trí tuệ của cố Giáo sư Trần Hồng Quân.

Bản thân tôi rất cảm phục trước tư tưởng đổi mới giáo dục của cố Giáo sư, cũng như những nỗ lực, kiên trì để Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động một cách hiệu quả, thiết thực nhất", Thạc sĩ Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ.

Với những đóng góp của cố Giáo sư Trần Hồng Quân cho ngành giáo dục nước nhà, Thạc sĩ Khoa hy vọng đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư sớm trở thành hiện thực để ghi nhận xứng đáng với những cống hiến lớn lao của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân đối với ngành giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Ngọc Mai