CSGDĐH nêu loạt thuận lợi nếu thành lập Hội đồng quốc gia về đại học - doanh nghiệp

04/07/2025 06:30
Mạnh Dũng
Theo dõi trên Google News

GDVN - Đề xuất xây dựng Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp nhận được nhiều sự ủng hộ từ lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất xây dựng Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp nhằm kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, giải các bài toán lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trước đề xuất này hiệu trưởng một số cơ sở giáo dục đại học cho rằng, việc thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp là bước đi cần thiết trong bối cảnh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Hội đồng giúp giải quyết nhiều vướng mắc tồn tại giữa trường đại học và doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện nay việc liên kết, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp FDI còn tồn tại một số vướng mắc.

Cụ thể, những khác biệt mục tiêu, sự ưu tiên phát triển của doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp FDI là nguyên nhân chính tạo nên điểm nghẽn liên kết. Bởi những doanh nghiệp này thường ưu tiên hiệu quả kinh doanh, tốc độ, bảo mật công nghệ, trong khi trường đại học lại tập trung vào nghiên cứu học thuật, đào tạo và công bố khoa học. Cùng với đó, hiện nay còn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh mẽ về tài chính, thuế, ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và đào tạo.

Bên cạnh đó, khoảng cách về năng lực và công nghệ khiến nhiều trường đại học chưa bắt kịp yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp công nghệ cao, nhất là trong các lĩnh vực AI, bán dẫn, tự động hóa, sản xuất thông minh. Ngoài ra, việc thiếu cơ chế gặp gỡ và đối thoại chiến lược, thiếu các nền tảng trung gian như hội đồng liên ngành, sàn đổi mới sáng tạo, mạng lưới cố vấn,... để kết nối nhu cầu và năng lực hai bên cũng khiến việc liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Vì vậy, việc thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp góp phần giải quyết những vấn đề trên, đồng thời đây cũng là chủ trương mang tính cấp thiết và chiến lược để Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và phát triển kinh tế dựa trên tri thức. Nếu không có cơ chế điều phối tầm quốc gia, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu hiệu quả và khó đạt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

thay-nguyen-le-hung-dh-spkt-dn.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh website nhà trường

Cũng theo thầy Hùng, nếu được thành lập, mô hình Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp có thể giải quyết được định hướng chiến lược quốc gia, giúp xây dựng lộ trình và chính sách tổng thể về phát triển hệ sinh thái đại học - doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường liên kết liên ngành, tạo cầu nối giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp trong chính sách nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao.

Cùng với đó, mô hình cũng giúp tập trung nguồn lực đầu tư, ưu tiên các dự án hợp tác có tác động lớn thay vì đầu tư dàn trải. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia, huy động tri thức từ đại học và năng lực thị trường từ doanh nghiệp để phát triển sản phẩm, công nghệ. Tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng nhân lực, năng lực công nghệ, chuyển giao tri thức, giúp Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Ngoài ra, trong mô hình Hội đồng quốc gia về đại học - doanh nghiệp, trường đại học không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách, mà còn trở thành đối tác chiến lược, kiến tạo và điều phối chính sách cùng nhà nước và doanh nghiệp. Các trường đại học sẽ đóng vai trò nòng cốt, là đầu mối tri thức, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời cũng là cầu nối thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đồng kiến tạo các chương trình quốc gia. Đây là bước chuyển từ "đào tạo đơn lẻ" sang "cùng phát triển hệ sinh thái".

dh-su-pham-kt-da-nang-ky-ket-vs-doanh-nghiep.png
Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh website nhà trường

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho hay, các đề án về phát triển nguồn nhân lực và hợp tác giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, hay còn gọi là mô hình hợp tác 3 nhà, sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động và khai thác có hiệu quả các nguồn lực, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với thị trường lao động và nền kinh tế, đáp ứng tốt nhất nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đây cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam xây dựng được các trung tâm đổi mới sáng tạo liên ngành, các cụm liên kết công nghiệp - học thuật, từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Do đó, việc thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp là điều vô cùng cấp thiết trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo thầy Thanh, hiện nay, sự liên kết trường đại học - doanh nghiệp là mối quan hệ đối tác chiến lược, trong đó hai bên phối hợp nhằm đạt được những lợi ích chung và cùng nhau tạo ra giá trị bền vững. Việc xây dựng mô hình Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp giúp kết nối chặt chẽ hơn giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, giải các bài toán lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, mối quan hệ hợp tác 3 nhà không chỉ dừng lại ở đào tạo nguồn nhân lực, mà còn mở rộng sang các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và hình thành nên các hợp tác, liên doanh, liên kết, thành lập các doanh nghiệp start-up công nghệ từ các trường đại học và viện nghiên cứu. Đây chính là phương thức để đưa khoa học vào sản xuất, đổi mới vào thị trường và tri thức vào phát triển.

Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương bày tỏ, trong mô hình Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp, trường đại học không chỉ đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt việc biên soạn tài liệu, phát triển học liệu trực tuyến, mà còn kết nối với doanh nghiệp, phát huy vai trò của sinh viên tình nguyện trong lan tỏa tri thức số đến cộng đồng.

Do đó, để mô hình phát huy hiệu quả, các trường đại học cần gắn chặt đào tạo với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo làm định hướng xuyên suốt. Đồng thời, nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ tư duy chiến lược và hành động, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Đặc biệt, cần hướng tới nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, cũng như nâng cao vai trò và vị thế trong các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương. Ảnh website nhà trường

Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương. Ảnh website nhà trường

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên, mặc dù sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn mang tính tự phát, thiếu hệ thống và thiếu cơ chế điều phối ở tầm vĩ mô. Vì vậy, thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp là việc cấp thiết trong bối cảnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn.

Mô hình này sẽ là thiết chế trung gian chiến lược, giúp thiết lập một khuôn khổ hợp tác ổn định, bài bản giữa các bên. Đồng thời, góp phần giải quyết những vấn đề cốt lõi hiện nay như: khoảng cách giữa chương trình đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, tình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo từ đại học, cũng như sự thiếu hụt trong việc đặt hàng đào tạo và nghiên cứu phát triển từ phía doanh nghiệp.

Cũng theo thầy Quang, trường đại học giữ vai trò then chốt trong mô hình Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp, bởi đây vừa là nơi đào tạo nhân lực, vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi nguồn đổi mới sáng tạo. Đồng thời, trường đại học không chỉ là bên tiếp nhận nhu cầu từ doanh nghiệp, mà còn là đối tác chiến lược trong việc đồng kiến tạo giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội.

Do đó, để kết nối hiệu quả, việc chủ động cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, gắn với nhu cầu thị trường lao động cần được trường đại học chú trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để hỗ trợ sinh viên và doanh nghiệp cùng sáng tạo. Cùng với đó, mở rộng các mô hình hợp tác đào tạo như: đào tạo theo đơn đặt hàng, chương trình đồng thiết kế, đồng giảng dạy, đồng đánh giá. Ngoài ra, trường đại học cũng cần tham gia mạnh mẽ vào các nhiệm vụ nghiên cứu chung, hợp tác phát triển công nghệ cùng doanh nghiệp.

Chia sẻ về việc liên kết và hợp tác với doanh nghiệp của nhà trường, thầy Quang cho biết, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc nhà trường đang hợp tác trên 60 doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn, công ty như: Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn PAN, Công ty Cổ phần GREENFEED Việt Nam, Tập đoàn Hoà Phát...

Song song với đó, trường cũng triển khai các hoạt động nhằm xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức và đánh giá chương trình đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã đào tạo 8 khoá theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng hỗ trợ học phí cho sinh viên, phối hợp với trường tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng và tiếp nhận sinh viên thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, tiếp nhận sinh viên sau tốt nghiệp…

Đặc biệt, năm 2025 nhà trường đã ký hợp tác với Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF (thuộc Tập đoàn Tân Long) tổ chức đào tạo 600 sinh viên hệ vừa học vừa làm theo đơn đặt hàng của công ty và được hỗ trợ 100% học phí trong suốt quá trình học.

Cần xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, vùng miền

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang, để mô hình triển khai hiệu quả, Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp nên tập trung vào một số nhiệm vụ chiến lược.

Thứ nhất, xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, vùng miền để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các trường đại học.

Thứ hai, thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên giữa trường đại học và doanh nghiệp để cập nhật yêu cầu kỹ năng và công nghệ mới.

Thứ ba, thúc đẩy cơ chế đặt hàng đào tạo gắn với cam kết sử dụng lao động.

Thứ tư, tổ chức kiểm định, đánh giá năng lực đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp.

Thứ năm, khuyến khích các mô hình học tập trải nghiệm, thực tập có hưởng lương và học kỳ doanh nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Ảnh website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Ảnh website nhà trường

Thầy Quang cũng nhấn mạnh, để đảm bảo vai trò điều phối, gắn kết hiệu quả giữa các bên, Chủ tịch Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp nên là một lãnh đạo cấp cao ở Trung ương để đảm bảo sự điều phối liên ngành.

Ngoài ra, để phát huy tính hiệu quả, Hội đồng cũng cần có các tiêu chí lựa chọn thành viên tham gia cụ thể.

Với giảng viên hoặc nhà khoa học, cần có kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo theo mô hình hợp tác với doanh nghiệp, có công trình nghiên cứu ứng dụng hoặc chuyển giao công nghệ thành công.

Với doanh nghiệp, nên là lãnh đạo hoặc chuyên gia cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp có cam kết và lịch sử hợp tác hiệu quả với các trường đại học. Ưu tiên những cá nhân có tầm nhìn chiến lược, khả năng kết nối và cam kết đồng hành dài hạn.

dh-nong-lam-thai-nguyen-ky-ket-hop-tac.jpg
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Phát triển Tập đoàn An Dương nhằm tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ảnh website nhà trường

Còn theo Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp cần xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thực chất. Trong đó, nhà nước cần hoàn thiện chính sách và thể chế, thúc đẩy R&D thành động lực tăng trưởng. Cải cách chính sách thuế và tài chính cũng như thiết lập cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Về phía trường đại học, cần được trao quyền tự chủ cao hơn, gắn chương trình đào tạo với thực tế, tăng cường chuyển giao công nghệ và hợp tác với doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp có thể đặt hàng nghiên cứu, tài trợ các dự án có tính ứng dụng cao. Đồng thời, nên tạo điều kiện cho giảng viên làm việc tại doanh nghiệp trong một thời gian nhất định để nâng cao hiểu biết về công nghệ và thị trường.

Về phía doanh nghiệp, cần hợp tác chặt chẽ với trường đại học trong đào tạo nhân lực, cùng trường đại học xây dựng giáo trình, tổ chức hội thảo chuyên đề, hướng dẫn thực tập, tham gia vào các chương trình đào tạo kép để sinh viên vừa học lý thuyết vừa làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư vào R&D, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển đội ngũ lãnh đạo trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Liên kết với các trung tâm nghiên cứu của đại học, chia sẻ dữ liệu và tài nguyên để đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm và công nghệ.

Thầy Thanh cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn người đứng đầu Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp nên ưu tiên những người có kinh nghiệm quản lý, tầm nhìn chiến lược, am hiểu về giáo dục đại học và thị trường lao động, đồng thời có khả năng kết nối, tạo cầu nối hiệu quả giữa các bên và lĩnh vực này.

Song song với đó, thành phần tham gia cũng cần có các tiêu chí cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Đối với giảng viên, nhà khoa học, cần có kiến thức chuyên sâu và khả năng đề xuất các giải pháp kết nối hiệu quả giữa đại học và doanh nghiệp. Ngoài ra, thành viên tham gia cũng cần có kinh nghiệm quản lý, điều hành lĩnh vực liên quan, có khả năng xây dựng chiến lược phát triển và kết nối với doanh nghiệp.

Đối với đại diện doanh nghiệp, nên là những người có kinh nghiệm quản lý, am hiểu về thị trường lao động, có khả năng dự báo nhu cầu nhân lực và định hướng đào tạo. Đồng thời, có kinh nghiệm trong việc kết nối các trường đại học và doanh nghiệp cũng như có khả năng tạo ra các chương trình hợp tác, các dự án chung.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng nhấn mạnh: “Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp cần đóng vai trò "nhạc trưởng" điều phối chính sách, dữ liệu và nguồn lực giữa trường đại học, doanh nghiệp, nhà nước. Không chỉ kết nối, Hội đồng cần thiết lập tiêu chuẩn, thúc đẩy thực hành và giám sát hiệu quả để đảm bảo đào tạo thực sự phục vụ nhu cầu tuyển dụng".

Mạnh Dũng