Sáng 4/7, tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng long trọng tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2025 với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” và phát động Tháng hành động vì môi trường trong toàn ngành Giáo dục.

Tham dự buổi lễ, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc; Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin Hoàng Hoa Cương.

Về phía Thành phố Đà Nẵng có Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi; Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Lê Công Hùng; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận; Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng.

Về phía Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Toàn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng; Tiến sĩ Trương Lê Bích Trâm - Phó trưởng ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế (Đại học Đà Nẵng); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng); Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cùng đại diện lãnh đạo các phòng, khoa chuyên môn và hơn 200 đại biểu là giảng viên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố, các tổ chức xã hội, cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Lễ mít tinh không chỉ là sự kiện thường niên có ý nghĩa quan trọng, mà còn là dịp để toàn ngành giáo dục cùng nhau thể hiện quyết tâm hành động vì một môi trường xanh – sạch – bền vững.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Lễ mít tinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Lễ mít tinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh chủ đề năm nay do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động là “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution), một vấn đề cấp thiết toàn cầu khi mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ tái chế chỉ đạt 27%.

“Ngành giáo dục hiện có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên, giảng viên. Đây là lực lượng quan trọng không chỉ trong việc truyền thụ tri thức mà còn tiên phong trong việc hình thành lối sống xanh, thúc đẩy hành động vì một hành tinh bền vững”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua ngành giáo dục đã tích cực đưa các nội dung giáo dục môi trường, giáo dục biển đảo, biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học... vào chương trình học và hoạt động ngoại khóa. Nhiều phong trào đã được triển khai như: “Trường học không rác thải nhựa”, “Xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp”, các chiến dịch thu gom, phân loại rác, trồng cây, làm sạch môi trường học đường…

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng thông tin về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) tổ chức gần đây tại Brunei, trong đó “giáo dục xanh và bền vững” được xác định là một trong bốn trụ cột ưu tiên của khu vực, bên cạnh chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, Việt Nam đang triển khai chương trình hành động nhằm thực hiện cam kết quốc tế, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Để tiếp tục hưởng ứng sâu rộng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục trong toàn quốc tập trung vào ba định hướng: (1) đổi mới hình thức truyền thông về môi trường với sự hỗ trợ của công nghệ; (2) đưa giáo dục môi trường vào cả chương trình chính khóa lẫn ngoại khóa; (3) hành động thực tiễn, bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như không dùng nhựa một lần, ưu tiên sản phẩm tái chế và lan tỏa thông điệp đến cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi lễ

Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi lễ

Đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng bày tỏ sự đồng hành của thành phố trong công cuộc gìn giữ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, thành phố ven biển như Đà Nẵng đang chịu ảnh hưởng rõ rệt từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm rác nhựa. Với định hướng trở thành “thành phố môi trường”, Đà Nẵng thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như quy hoạch không gian xanh, phát động phong trào “nói không với nhựa dùng một lần”, hỗ trợ cộng đồng phân loại rác tại nguồn và hướng tới mục tiêu giảm 50% rác nhựa ra đại dương đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đặc biệt biểu dương Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã có nhiều đóng góp thiết thực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: từ kiến tạo không gian học tập xanh, tổ chức các hoạt động nghiên cứu ứng dụng về môi trường, đến việc lồng ghép giáo dục môi trường trong chương trình đào tạo và thúc đẩy phong trào hành động xanh trong sinh viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) phát biểu tại lễ mít tinh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) phát biểu tại lễ mít tinh

Trong vai trò đơn vị đăng cai, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã thể hiện quyết tâm tích cực đóng góp vào hành trình chuyển đổi xanh trong giáo dục. Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Nhà trường đã và đang tích cực lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào chương trình đào tạo, triển khai các hoạt động thực tiễn như trồng cây, nghiên cứu ứng dụng công nghệ môi trường, phát động phong trào hành động xanh trong toàn thể sinh viên.

“Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cam kết: Không chỉ là nơi dạy học, mà là nơi dẫn dắt hành động. Chúng tôi tự hào là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong đưa môi trường trở thành yếu tố xuyên suốt trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh khẳng định.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Một giảng đường sạch không chỉ là nơi không có rác thải, mà còn là nơi kiến tạo những suy nghĩ tích cực; Một trường đại học xanh không chỉ là nơi có cây xanh, mà là nơi gieo trồng những con người có tư duy bền vững; Một người thầy của thời đại hôm nay không chỉ là người giỏi chuyên môn, mà còn là người truyền cảm hứng sống có trách nhiệm.

Do đó, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cùng kêu gọi và cam kết hành động cụ thể, từ những điều nhỏ nhất như: Giảm rác nhựa – tăng cây xanh; Giảm tiêu thụ – tăng tái chế; Giảm vô cảm – tăng trách nhiệm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tặng cây lưu niệm cho các đại biểu tham dự Lễ mít tinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tặng cây lưu niệm cho các đại biểu tham dự Lễ mít tinh.

Lễ mít tinh không chỉ là dịp cổ vũ phong trào “Trường học không rác thải nhựa” trong toàn ngành, mà còn đánh dấu sự chung tay giữa cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, tổ chức xã hội và truyền thông. Chương trình diễn ra sôi nổi với các nội dung: tặng cây xanh lưu niệm, trình bày cam kết hành động của sinh viên, chiếu video mô hình tiêu biểu về trường học xanh, trao giải Cuộc thi video sáng tạo về giảm thiểu ô nhiễm nhựa, triển lãm sản phẩm tái chế…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trao giải Cuộc thi video sáng tạo về giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trao giải Cuộc thi video sáng tạo về giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Đại diện thế hệ trẻ, sinh viên Hồ Phạm Tâm Như đã thay mặt người học phát biểu cam kết hành động vì môi trường. Với tinh thần trách nhiệm và sự chủ động, nữ sinh chia sẻ: “Chúng em nhận thức rõ rằng: mỗi chiếc túi nilon, mỗi chai nhựa dùng một lần mà chúng ta sử dụng hôm nay có thể mất hàng trăm năm để phân hủy và có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, gây ô nhiễm đất liền và đại dương.

Chính vì vậy, ngay từ hôm nay, chúng em cam kết sẽ hành động từ những việc nhỏ nhưng thiết thực: Hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần, như ống hút, cốc nhựa hay hộp xốp; Mang theo bình nước cá nhân, sử dụng túi vải khi đi chợ, siêu thị; Tham gia và lan tỏa các hoạt động thu gom, phân loại rác tái chế tại trường và nơi ở; Tuyên truyền, nhắc nhở bạn bè cùng thay đổi thói quen tiêu dùng – bắt đầu từ việc nói không với nhựa dùng một lần.

Chúng em tin rằng, mỗi hành động nhỏ, khi được thực hiện đều đặn và lan tỏa, sẽ tạo nên sự thay đổi lớn. Vì một môi trường xanh, sạch, vì tương lai bền vững, chúng em sẽ không chỉ nói, mà sẽ làm”.

Sinh viên Hồ Phạm Tâm Như phát biểu cam kết bảo vệ môi trường.

Sinh viên Hồ Phạm Tâm Như phát biểu cam kết bảo vệ môi trường.

Ngay sau lễ mít tinh, các đại biểu, giảng viên và sinh viên đã cùng tham quan các gian hàng sáng tạo tái chế, triển lãm ý tưởng truyền thông xanh và mô hình giáo dục bền vững – nơi thể hiện rõ nét những cam kết hành động cụ thể vì môi trường của toàn ngành Giáo dục. Thông điệp xuyên suốt “Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế” không chỉ hiện diện trong từng sản phẩm, mà còn được lan tỏa mạnh mẽ qua từng hoạt động trải nghiệm, tương tác.

Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm sản phẩm tái chế và ý tưởng giáo dục về môi trường.

Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm sản phẩm tái chế và ý tưởng giáo dục về môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trải nghiệm mô hình truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa của sinh viên.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trải nghiệm mô hình truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa của sinh viên.

Các đại biểu tham quan không gian xanh của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Các đại biểu tham quan không gian xanh của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Sinh viên truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường.

Sinh viên truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2025 và phát động Tháng hành động vì môi trường trong toàn ngành Giáo dục không chỉ là sự kiện góp phần nâng cao nhận thức mà còn tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của ngành Giáo dục trong việc hình thành lối sống xanh, thúc đẩy hành động thiết thực vì một tương lai bền vững. Với sự chung tay của đội ngũ nhà giáo, học sinh – sinh viên và cộng đồng, mục tiêu “Việt Nam không rác thải nhựa” đang dần trở thành hiện thực.

Minh Ngọc