Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Trường nghề nêu thách thức

03/04/2025 06:42
Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, nhà trường phân bổ nội dung tiếng Anh chuyên ngành vào từng mô-đun cụ thể.

Theo dự thảo Đề án quốc gia "Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học" giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045, quy định có 6 cấp độ nhà trường triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam với mục tiêu chung tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, thường xuyên trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu, làm việc, để từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, góp phần vào công cuộc phát triển và vươn mình của đất nước.

Trong đó, có mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình môn Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp, 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có triển khai một phần môn học khác và/hoặc một số môn học khác bằng tiếng Anh. [1]

Trường nghề còn gặp nhiều khó khăn trong việc dạy tiếng Anh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Ngọc Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (tỉnh Khánh Hoà) chia sẻ: “Hiện tại, chương trình đào tạo tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa đã đưa học phần tiếng Anh vào các chương trình đào tạo nghề, đảm bảo mỗi ngành nghề đều có các học phần tiếng Anh cơ sở và tiếng Anh chuyên ngành phù hợp. Ví dụ, ngành du lịch sẽ bao gồm học phần tiếng Anh chuyên ngành du lịch, ngành lễ tân sẽ có học phần tiếng Anh cho nghiệp vụ lễ tân.

Mặc dù, tiếng Anh đã được lồng ghép vào các chương trình đào tạo nghề cho phù hợp với chương trình giảng dạy, nhưng phương pháp học tập vẫn còn hạn chế. Việc dạy và học chủ yếu tập trung vào ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng đọc hiểu, các em chưa có môi trường để sử dụng tiếng Anh và ít có cơ hội áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế, dẫn đến sinh viên còn e dè, thiếu tự tin khi sử dụng ngoại ngữ”.

thay-dung.jpg
Thầy Hoàng Ngọc Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (tỉnh Khánh Hoà). Ảnh: NVCC.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa cho biết thêm, việc triển khai đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo dự thảo Đề án quốc gia, nhà trường cũng đã có những kế hoạch bước đầu. Trước tiên, nhà trường thực hiện bằng cách lồng ghép các hoạt động tiếng Anh vào bài giảng thông qua câu chuyện hoặc tình huống thực tế để người học có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường tiếng Anh hơn.

Ngoài ra, nhà trường đang có kế hoạch thành lập và phát triển câu lạc bộ tiếng Anh để các em có thể tham gia, rèn luyện kỹ năng nói và thảo luận bài tập bằng tiếng Anh một cách thường xuyên, giúp các em tự tin, chủ động trong việc sử dụng ngôn ngữ. Nhà trường mong muốn việc triển khai tiếng Anh không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn gắn chặt với thực tiễn.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh Quốc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho biết: “Theo Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chương trình môn học tiếng Anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng có thời gian thực hiện là 120 giờ, (Lý thuyết: 42 giờ; Thực hành, thảo luận, bài tập: 72 giờ; Kiểm tra và ôn tập: 6 giờ). Chương trình môn học tiếng Anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp có thời gian thực hiện là 90 giờ, (Lý thuyết: 30 giờ; Thực hành, thảo luận, bài tập: 56 giờ; Kiểm tra: 4 giờ).

Tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, nhà trường phân bổ nội dung tiếng Anh chuyên ngành vào từng mô-đun cụ thể. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ hướng dẫn và giới thiệu các thuật ngữ chuyên ngành phù hợp với từng mô-đun. Nhờ đó, sinh viên có thể vừa học vừa thực hành, giúp ghi nhớ lâu hơn và nâng cao hiệu quả học tập.

Đối với các ngành Quản trị nhà hàng, Khách sạn, việc học tiếng Anh vô cùng quan trọng và cần thiết. Sinh viên không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà còn có cơ hội làm việc với khách quốc tế. Nếu sử dụng thành thạo ngoại ngữ, các em sẽ nâng cao cơ hội việc làm, được hưởng mức lương hấp dẫn, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Ngoài ra, nhà trường có các quy định về chuẩn đầu ra tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu, nhằm đảm bảo sinh viên đạt được trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu thực tế. Đối với học sinh trung cấp, chuẩn đầu ra là A1, đối với sinh viên cao đẳng, chuẩn đầu ra là A2.

Các thầy cô cũng thường xuyên khuyến khích sinh viên học thêm ngoại ngữ như một ngôn ngữ thứ hai. Tùy vào nhu cầu và định hướng cá nhân, các em có thể lựa chọn một số ngoại ngữ như: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Đức.

Hiện tại, nhà trường đang hợp tác với một đơn vị tổ chức thi tiếng Anh theo chuẩn Cambridge. Các phòng thi đã được đối tác kiểm tra và chấp thuận. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ phối hợp với đơn vị này để tổ chức các khóa học tiếng Anh cho cả sinh viên và giáo viên, giúp họ có cơ hội tham gia kỳ thi và đạt chứng chỉ Cambridge”.

6c9905209f452f1b7654.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh Quốc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh: NVCC.

Còn theo Thạc sĩ Phạm Văn Điều – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai, việc giảng dạy bằng tiếng Anh với giáo viên dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt khi truyền tải kiến thức chuyên ngành phức tạp. Phần lớn giáo viên dạy nghề được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật, nhưng chưa có nền tảng vững chắc về ngoại ngữ. Điều này khiến sinh viên gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu, đồng thời làm giảm hiệu quả giảng dạy.

Tuy nhiên, nếu để giáo viên chuyên về ngoại ngữ giảng dạy các môn kỹ thuật, công nghệ, họ sẽ không có nền tảng chuyên môn vững vàng, dẫn đến hạn chế trong việc giải thích cặn kẽ các nguyên lý kỹ thuật. Điều này đặt ra thách thức cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tìm ra giải pháp cân bằng giữa trình độ ngoại ngữ và kiến thức chuyên ngành trong giảng dạy”.

Cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai, việc học tiếng Anh không chỉ giúp sinh viên có thêm kỹ năng về ngoại ngữ mà còn là chìa khóa để hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động. Tuy nhiên, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Đặc biệt, ở khu vực có đặc thù riêng như Tây Nguyên hay các vùng miền núi, quá trình này thường diễn ra chậm hơn so với các khu vực đồng bằng hay thành phố lớn. Nguyên nhân xuất phát từ một số yếu tố như: sự hạn chế về cơ sở vật chất, thiếu hụt giáo viên có trình độ tiếng Anh cao, cũng như ít cơ hội cho sinh viên thực hành và sử dụng ngoại ngữ trong thực tế.

thay-dieu.jpg
Thạc sĩ Phạm Văn Điều – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: NVCC.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học sẽ mang lại nhiều lợi ích. Sinh viên có cơ hội được tiếp cận nguồn tài liệu đa dạng để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Ngoài ra, các em còn có cơ hội được làm việc với các công ty và đối tác nước ngoài, giúp gia tăng cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc đẩy mạnh giảng dạy tiếng Anh là một phần trong quá trình hội nhập quốc tế. Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đang từng bước mở rộng hợp tác với các tổ chức nước ngoài, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giúp sinh viên có thể hòa nhập và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường lao động toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy không chỉ mang lại lợi ích cho sinh viên mà còn khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ ngoại ngữ. Điều này giúp thầy cô tiếp cận tốt hơn với các tài liệu chuyên ngành quốc tế, từ đó nâng cao năng lực giảng dạy và cập nhật kiến thức mới nhất trong lĩnh vực của mình.

sv-truong-cd-nghe-ninh-thuan.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trong một buổi học thực hành. Ảnh: website nhà trường.

Để triển khai chương trình môn tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và theo định hướng nghề nghiệp, Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh Quốc cho rằng, cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để từng bước thực hiện việc giảng dạy một số mô-đun bằng tiếng Anh. Việc triển khai nên bắt đầu từ việc yêu cầu giáo viên xây dựng chương trình, giảng dạy một số bài học bằng tiếng Anh để thầy cô có thời gian thích nghi, đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác với các trường trong khu vực và một số nước khác để giúp sinh viên, giáo viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, đồng thời có môi trường thực hành tiếng Anh hiệu quả.

Đồng quan điểm, thầy Hoàng Ngọc Dũng cho rằng, việc từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học sẽ mang lại nhiều thuận lợi. Để nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao tỷ lệ giáo viên tiếng Anh nhằm đảm bảo có đủ nhân lực hỗ trợ việc giảng dạy và tổ chức các hoạt động thực hành.

Đồng thời, cần đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Một số phương pháp như: Phương pháp tiếp cận dựa trên dự án (Project-Based Learning - PBL), phương pháp học dựa trên công nghệ (Blended Learning), phương pháp mô phỏng thực tế (Simulation and Role Play).

Bên cạnh đó, cần khuyến khích giáo viên, giảng viên biên soạn tài liệu theo dạng song ngữ, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh một cách tự nhiên. Ngoài các môn tiếng Anh chuyên ngành, một số môn nghiệp vụ, hoạt động khác cũng có thể lồng ghép nội dung tiếng Anh. Chẳng hạn, tổ chức các buổi hội thảo chuyên môn bằng tiếng Anh hoặc dành một số tiết học để sinh viên thảo luận, trình bày và làm bài tập bằng tiếng Anh. Việc này sẽ giúp tiếng Anh trở thành một phần quen thuộc trong học tập, giúp sinh viên sử dụng ngôn ngữ này một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.

Để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, Thạc sĩ Phạm Văn Điều đề xuất thêm, như sau:

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư vào chương trình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên dạy nghề. Điều này có thể thực hiện thông qua các khóa học bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành, hội thảo, tập huấn giảng dạy song ngữ… nhằm cải thiện khả năng truyền tải kiến thức của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hợp tác quốc tế.

Thứ hai, khi triển khai chương trình đào tạo tiếng Anh tại các khu vực có đặc thù riêng như Tây Nguyên, miền núi, hải đảo cần có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Việc áp dụng phương pháp giảng dạy hợp lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận với môi trường sử dụng ngoại ngữ sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng trong thời kỳ hội nhập.

Thứ ba, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện cho sinh viên sử dụng tiếng Anh trong cả học tập và giao tiếp hàng ngày. Một trong những giải pháp hiệu quả là tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, nơi sinh viên có thể tham gia thảo luận, tranh biện, hoặc thực hành các tình huống giao tiếp thực tế bằng ngoại ngữ.

Tài liệu tham khảo:

1/https://giaoduc.net.vn/phan-dau-100-hoc-sinh-pho-thong-hoc-tieng-anh-nhu-ngon-ngu-thu-hai-vao-nam-2035-post249651.gd

Khánh Hòa