Ngày 29/8, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo: "Sửa đổi Nghị định 67- Những vấn đề cần đặt ra" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, cơ quan chức năng và ngư dân để cùng bàn phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nghị định này.
Nhiều hạn chế, vướng mắc
Theo Bộ Nông nghiệp, sau hơn ba năm thực hiện Nghị định 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cự.
Nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định phải nằm bờ vì nhà sản xuất xài hàng "dỏm". Ảnh: TT |
Có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu.
Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng. Hơn 760 tàu đi vào hoạt động đánh bắt hiệu quả.
Tăng cường giám sát chặt chẽ đóng mới, bảo dưỡng, nâng cấp tàu cá |
Tuy nhiên, có một thực tế là hơn 40 tàu cá vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ, gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân, lộ ra những lỗ hổng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67.
“Trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như: chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực...
Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ kịp thời “xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay.
Cụ thể, theo phản ánh của ngư dân miền trung, hiện Bộ Nông nghiệp đã ban hành 21 mẫu thiết kế tàu vỏ thép.
Nhưng hầu hết các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu khai thác hải sản phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với kinh nghiệm và ngư trường hoạt động.
Vì vậy sẽ mất thời gian điều chỉnh thiết kế. Kinh phí điều chỉnh thiết kế cũng khá cao (khoảng 50 triệu đồng).
Thời gian thẩm định tại các ngân hàng kéo dài nên tiến độ thực hiện về xét duyệt tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu còn chậm.
“Về hỗ trợ vận chuyển hàng hoá: hướng dẫn của Thông tư 117/2014/TT-BTC không quy định cụ thể vùng biển xa bờ của tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ hoạt động, do đó không có cơ sở để thực hiện hỗ trợ”, ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Thế - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên thì nêu ra một hạn chế khác của nghị định 67 là phần lớn ngư dân mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay lưu động với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 để chi phí cho chuyến biển.
Nhưng quy trình, thủ tục cho vay còn khá rườm rà, phức tạp, thời gian làm thủ tục kéo dài làm cho ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay này để kịp thời phục vụ chuyển biển.
"Hệ thống hạ tầng bến cảng neo đậu tàu thuyền chưa đảm bảo luồng lạch cạn, cửa biển thường xuyên bồi đắp, gây khó khăn khi tàu thuyền ra vào bến.
Vốn đối ứng của ngư dân đăng ký tham gia đóng mới tàu rất lớn, chi phí phải trả ngân hàng hàng năm cả vốn gốc và lãi vay tương đương khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Do đó, nhiều ngư dân còn ngại tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 67 để đóng mới tàu.
Có trường hợp ngư dân phải bán tàu hiện có, nộp vốn đối ứng để vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67 nhưng các cơ quan chuyên môn thẩm định không đủ điều kiện vay vốn đóng mới, đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của ngư dân", ông Thể cho hay.
Nhiều kiến nghị sửa đổi
Trước thực trạng trên, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị xử lý nghiêm các đơn vị làm ăn gian dối, loại ra khỏi danh sách những cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.
Dù tàu đóng mới nhưng ngư dân phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sửa chữa lại máy móc. Ảnh: TT |
“Về các cơ sở đóng tàu cũng phải rà soát lại, những chỗ nào đủ điều kiện làm tốt phải duy trì, tiếp tục cấp phép.
Những chỗ nào vi phạm, sau đợt này cần phải có xử lý, không để thời gian tới tái diễn sự việc đáng buồn như tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định vừa rồi, một số ngư dân lâm vào cảnh khó khăn, có thể mất nhà, mất cửa”, ông Đồng nói.
Ngoài ra, theo phản ánh của các ngư dân, nghị định 67 quy định một số chính sách phát triển thủy sản quy định, mỗi tỉnh, thành phố chỉ định một doanh nghiệp được phép bán bảo hiểm tàu cá đóng mới.
Trục lợi trên sinh mạng người dân là hành vi cần phải nghiêm trị |
Từ đó, đã xảy ra tình trạng độc quyền trong bán bảo hiểm. Năm 2017, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân.
Vì vậy, các ngân hàng thương mại không thể giải ngân cho vay vốn đóng mới tàu hoặc ngư dân có tàu đã đóng xong mà không có bảo hiểm cũng không được đi biển.
“Cần bổ sung thêm doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm trên địa bàn của mỗi tỉnh thay vì chỉ có một doanh nghiệp như quy định hiện nay để ngư dân lựa chọn”, một ngư dân đề nghị.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, quy định về chính sách bảo hiểm, trên một địa bàn chỉ có một doanh nghiệp bảo hiểm thôi đã nảy sinh nhiều phức tạp và rất nhiều địa phương có ý kiến.
Chính sách bảo hiểm thuyền viên chỉ được hỗ trợ bảo hiểm khi đi trên tàu. Như vậy, ngư dân sau khi đi trên tàu về nhà, muốn có bảo hiểm lúc đau ốm thì phải mua bảo hiểm thứ 2, vì vậy chưa phù hợp.
Ông Đỗ Văn Thể cũng nêu thêm kiến nghị: “Cần xem xét, chỉ đạo rà soát các cơ sở đóng tàu thép, vật liệu mới và công bố cơ sở đóng tàu để ngư dân lựa chọn.
Rà soát các thiết kế mẫu để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với nghề khai thác và vùng biển hoạt động. Quy định cụ thể quy trình giám sát chất lượng các cơ sở đóng tàu”, ông Thể nói.