Nhiều đôi tàu thua lỗ kéo dài nhưng Tổng công ty Đường sắt vẫn phải chạy vì nhiệm vụ công ích. Trong khi theo yêu cầu cổ phần hóa, doanh nghiệp phải tách bạch hai nhiệm vụ này.
Báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay 3 năm qua doanh nghiệp đã bù lỗ hàng trăm tỷ đồng do phải duy trì 6 đôi tàu chi gấp mấy lần thu.
Nặng gánh nhất trong số này là 5 đôi tàu khách chạy các tuyến phía Bắc và miền Trung, gồm tuyến Yên Viên – Hạ Long, Long Biên – Quán Triều, Gia Lâm – Đồng Đăng, Vinh – Đồng Hới và Đồng Hới – Huế. Cùng với đó là đôi tàu hàng trên tuyến Mạo Khê – Cổ Thành.
Theo Tổng công ty Đường sắt, đặc điểm chung của các đôi tàu này là cự ly vận chuyển ngắn, giá thành vận tải cao trong khi sản lượng vận tải thấp và bị cạnh tranh gay gắt bởi các phương tiện khác.
Trong các năm 2011-2012 bình quân doanh thu mỗi chuyến của đôi tàu Yên Viên – Hạ Long chỉ trên dưới 4 triệu đồng, bằng 5% so với chi phí bỏ ra. Khá hơn một chút là đôi tàu Vinh – Đồng Hới, được chạy trên đường sắt Bắc Nam, song doanh thu cũng chưa tới 15 triệu đồng mỗi chuyến, trong khi số tiền bỏ ra cao gấp 5 lần như vậy.
Doanh thu bết bát nên đôi tàu Yên Viên – Hạ Long lỗ 19,5 tỷ đồng trong năm 2011 và 23,5 tỷ năm 2012. Đôi tàu Vinh – Đồng Hới lỗ 19,5 tỷ đồng năm 2011 và 22,6 tỷ năm 2012.
Tương tự, tàu hàng Mạo Khê – Cổ Thành trong hai năm nói trên cũng phải bù lỗ hơn 18 tỷ đồng khi doanh thu chỉ bằng một phần rất nhỏ chi phí chạy tàu.
5 đôi tàu khách của ngành đường sắt lỗ nặng trong 3 năm liền nhưng VNR vẫn cố chạy vì nhiệm vụ công ích Ảnh : H.H |
Hiệu quả kém khiến con số bù lỗ mỗi năm mà Tổng công ty Đường sắt phải bỏ ra để cân bằng thu chi lên tới 102 tỷ đồng năm 2012, trong khi con số này một năm trước đó là 83 tỷ đồng..
Từ giữa năm 2013, để từng bước giảm dần kinh phí phải bù đắp cho các đoàn tàu này, theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, công ty đã cố gắng giảm lỗ bằng một loạt biện pháp như tổ chức lại biểu đồ chạy tàu hợp lý, gia tăng dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có, đồng thời điều chỉnh tăng giá vé nhằm tăng doanh thu nhưng vẫn đảm bảo hút thêm khách. Nhờ vậy, số lỗ trong năm này đã giảm xuống còn 63 tỷ và 6 tháng đầu năm 2014 ở mức 31 tỷ đồng.
Do kém hiệu quả nên thực tế ngành đường sắt đã lên kế hoạch dừng chạy tàu các tuyến nói trên từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, với sự tha thiết của các địa phương có đoàn tàu chạy qua vì lý do “phục vụ an sinh xã hội các địa bàn khó khăn”, và theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay Tổng công ty vẫn phải duy trì hoạt động của các đoàn tàu ấy.
Tuy nhiên, trong kiến nghị mới đây với các đại biểu Quốc hội và Bộ Giao thông, ông Thành cho rằng việc duy trì các đoàn tàu kém hiệu quả sẽ là khó khăn rất lớn với Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội (đơn vị trực tiếp kinh doanh 5 đôi tàu khách) trong việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần trong năm 2015. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất được Nhà trước trợ giá một khi vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động các đôi tàu vì mục đích công ích nhiều hơn là để kinh doanh.
Tương tự, VNR cũng cho biết, một nhiệm vụ công ích khác là hỗ trợ giá vé cho các đối tượng chính sách khiến doanh nghiệp đã giảm thu gần 200 tỷ đồng trong 3 năm qua. Theo đó, con số hành khách được giảm giá vé thuộc các đối tượng ưu tiên vào khoảng 500.000 đồng mỗi người một năm, kéo theo doanh thu VNR giảm 46,8 tỷ trong năm 2011 đã tăng lên 71,4 tỷ năm 2012 và năm vừa qua là hơn 80 tỷ đồng.
Những khó khăn này càng chồng chất khi năm tới, với việc phải hoàn thành cổ phần hóa hai doanh nghiệp chủ lực của khối vận tải là Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, số lao động dôi dư cần giải quyết việc làm ước tính lên đến 1.300 người, tương đương số tiền để giải quyết chế độ 130 tỷ đồng.
Trong khi đó, với lợi nhuận ước tính từ hoạt động kinh doanh vận tải của công ty mẹ trong năm nay chỉ hơn 10 tỷ đồng, rõ ràng việc cân đối thu chi trong năm tài chính "bản lề" này sẽ là thách thức rất lớn cho ngành đường sắt.