Ế hàng nghìn vé Tết, vì sao không giảm giá vé tàu lửa?

19/01/2014 14:17
Theo Tuổi trẻ
Trong khi hành khách chen lấn mua vé xe thương hiệu thì vé tàu lửa vẫn còn ế khá nhiều nhưng vắng người mua.

Tại sao ngành đường sắt không áp dụng ngay biện pháp hạ giá vé để hành khách mua được vé tàu, còn ngành đường sắt cũng giải quyết được lượng vé tồn?

Ông Đinh Văn Sang - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - nói: "Chúng tôi không thể hạ giá vé được vì sẽ khó giải quyết về quyền lợi đối với những người đã bỏ tiền mua vé cách đây 3-4 tháng. Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị in ấn vé đã định sẵn chương trình trong máy tính về giá vé các loại nên cũng khó thay đổi. Hơn nữa, đến hôm nay là 18 tháng chạp, chuẩn bị bước vào cao điểm tết nên việc thay đổi giá vé cũng rất khó thực hiện".

Khách đến mua vé tàu tại ga Sài Gòn thưa thớt hơn so với mọi năm - Ảnh: Hữu Khoa
Khách đến mua vé tàu tại ga Sài Gòn thưa thớt hơn so với mọi năm - Ảnh: Hữu Khoa

- Ngành hàng không đã tổ chức bán vé máy bay giá rẻ và linh hoạt trong việc bán vé máy bay như đặt mua vé máy bay sớm thì có giá vé thấp, tại sao ngành đường sắt chưa thực hiện được việc này?

Ông Đinh Văn Sang: Tôi được biết ngành hàng không đăng ký mua vé nhưng khi đến sân bay mới được “gút” chỗ ngồi. Như vậy, hành khách mua vé máy bay chưa chắc đi được chuyến bay nếu lượng khách đi ít thì hãng hàng không dời chuyến bay vài giờ, dù hành khách đã đăng ký đúng giờ bay. Trong khi đó, hành khách đã mua vé xe lửa thì dứt khoát chuyến tàu lửa phải chở khách dù trên tàu có ít khách. Điều này có nghĩa là dù chuyến tàu lửa đó doanh thu thấp thì ngành đường sắt vẫn phục vụ hành khách. Có thể nói mỗi ngành đều có phương thức phục vụ hành khách khác nhau, trong đó ngành đường sắt làm đúng quy trình phục vụ khách.

- Ông có suy nghĩ gì khi các hãng xe đò thương hiệu đang nâng chất lượng phục vụ và đang thu hút hành khách đi xe lửa sang đi xe đò. Phải chăng do ngành đường sắt đang phân cấp quá nhiều đơn vị quản lý nên khó cải tiến?


Ông Đinh Văn Sang: Ngành đường sắt là doanh nghiệp nhà nước nên mọi việc phải theo đúng quy trình. Chẳng hạn muốn điều chỉnh giá vé, công ty phải trình Tổng công ty Đường sắt VN xem xét và quyết định. Vì vậy chúng tôi không thể muốn giá vé tăng hay giảm lúc nào cũng được. Trong khi đó, các hãng xe đò tư nhân họ có quyền quyết định ngay việc thay đổi giá vé. Hiện nay chỉ có một vài hãng xe đò như Công ty Phương Trang thực hiện điểm dừng xe cho hành khách ăn nghỉ dọc đường.

Vấn đề không phải là do phân cấp nhiều đơn vị quản lý ngành đường sắt mà thực tế ngành đường sắt đã thực hiện chuyên môn hóa trong từng khâu nhằm bảo đảm phục vụ hành khách tốt hơn. Chẳng hạn như công ty chúng tôi phụ trách một đoàn tàu từ Nam ra Bắc thì cũng chịu trách nhiệm về đoàn tàu đó khi từ Bắc vào Nam.

- Vậy thưa ông, lúc nào ngành đường sắt mới cải tiến việc bán vé?

Ông Đinh Văn Sang: Vấn đề là ngành đường sắt cần được đầu tư kinh phí thì mới có điều kiện cải tiến phục vụ hành khách. Chúng tôi dự kiến đến tháng 9-2014 sẽ đưa hệ thống bán vé điện tử vào hoạt động, lúc đó việc bán vé sẽ linh hoạt và phục vụ hành khách mua vé xe lửa tốt hơn.

* Ông Phạm Sanh (chuyên gia giao thông):

Ngành đường sắt đang “khoanh tay chờ chết”

Rõ ràng ngành đường sắt còn nặng nề bao cấp nên khó “trở bộ” trong việc hạ giá vé xe lửa. Bởi vì họ đã lên kế hoạch vận chuyển, thủ tục tài chính về lời, lỗ... nên sẽ khó thay đổi lại các kế hoạch và thủ tục. Do đó nếu áp dụng biện pháp hạ giá vé để giải quyết lượng vé tồn thì họ sẽ bối rối và không biết hoàn tiền ra sao với những người đã mua vé trước đó.

Thế nhưng nếu ngành đường sắt công tâm thì họ vẫn có thể làm được như hoàn tiền cho những hành khách mua vé giá cao bằng cách trả lại một khoản tiền nào đó khi khách lên xe lửa. Hoặc bằng cách tổ chức những chuyến xe trung chuyển hành khách từ ga vào các đường ở trung tâm TP như hãng xe đò thương hiệu đã thực hiện, nhằm bù đắp phần nào hành khách đã mua giá vé cao.

Tại sao ngành đường sắt không kết hợp với các đơn vị đoàn thể xã hội giải quyết số vé tồn bằng cách hạ giá vé. Theo đó, giúp những công nhân lao động có thể mua vé giá rẻ để về quê ăn tết, thay vì ngành đường sắt bỏ phí số vé đó.

Có thể nói năm nay ngành đường sắt chưa trở bộ kịp, nhưng cần phải nghĩ đến tương lai cho mùa tết tới để mọi người có ánh mắt thân thiện với ngành đường sắt. Nếu ngành đường sắt vẫn duy trì cách phục vụ như hiện nay thì chẳng khác nào đang “khoanh tay ngồi chờ chết” trước sự cạnh tranh quyết liệt của các hãng xe đò thương hiệu luôn ân cần đón khách lên xe, đưa khách vào trạm dừng nghỉ dọc đường và khi về bến xe lại có xe đưa khách về tận nhà.

* Ông Lê Trung Tính (nguyên trưởng phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải TP.HCM):

Có quyền giảm giá vé

Theo quy định, giá vé xe lửa không thuộc mặt hàng Nhà nước quản lý nên doanh nghiệp có quyền tăng hay giảm giá vé vào thời điểm hành khách tăng cao hoặc giảm để thu hút hành khách đi xe lửa. Đây là bài toán kinh tế thị trường về cung - cầu để các doanh nghiệp định giá vé phù hợp. Ngành đường sắt đã tính toán sai về lượng khách đi lại trong những ngày tết nên mới thừa vé và việc không hạ giá vé cho thấy ngành đường sắt không kịp thời và nhạy bén như ngành đường bộ và ngành hàng không.

Theo Tuổi trẻ