Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói như vậy tại buổi họp báo công bố giá thành điện năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 19/11.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương công khai giá thành sản xuất điện của EVN cũng như lỗ, lãi của tập đoàn này. Thế nhưng, với khẳng định nói trên, khi mà người tiêu dùng biết được kết quả kinh doanh của EVN thì cũng là lúc họ sắp phải đón nhận một thông tin không mấy vui vẻ: giá điện sẽ tăng, thậm chí sẽ tăng mạnh vì còn phải “gánh” thêm khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng của EVN.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói: "Từ đầu năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt phương án tăng giá điện lên 6,8% so với năm 2009 bởi giá điện chúng ta thực hiện từ trước đến nay quá thấp. Chính vì vậy, không chỉ EVN lỗ mà hầu hết các nhà máy điện vừa và nhỏ đều phải chịu lỗ khi sản xuất và phát điện lên lưới điện quốc gia. Chỉ tính riêng lỗ do sản xuất điện, năm 2010, EVN đã lỗ hơn 10.100 tỷ đồng, còn nếu tính cả lỗ do biến động tỷ giá thì khoảng trên 25.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. |
Ngay cả Tập đoàn Than - Khoáng sản hay Tập đoàn Dầu khí, nếu chỉ tính thực hiện kinh doanh điện thì thời gian vừa qua cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì giá điện sản xuất ra nhưng lại được khống chế bán dưới giá thành.
Để khắc phục, Thủ tướng đã có quyết định 24, phép EVN được điều chỉnh giá điện theo các thông số đầu vào cơ bản, trong đó có tính đến biến động chi phí nhiên liệu, thay đổi cơ cấu phát điện, tỷ giá. Mục tiêu lâu dài trong điều chỉnh giá điện là để các nhà máy sản xuất điện có được một mức lãi phù hợp. Từ đó kêu gọi được các nhà đầu tư vào các dự án điện".
- Vậy Bộ Công Thương và EVN dự tính sẽ xử lý khoản lỗ đó như thế nào và liệu người dùng điện có phải “gánh” khoản này không?
Như tôi vừa nói, lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN là hơn 10.000 tỷ đồng và số nợ không trả được cho ngành dầu khí, than là trên 11.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo hạch toán lỗ vào giá điện chứ không còn có thể hạch toán vào đâu được.
Bởi lẽ, suy cho cùng, EVN dù là doanh nghiệp thuộc Chính phủ nhưng vẫn phải tự hạch toán kinh doanh và tập đoàn này cũng chỉ thực hiện sản xuất kinh doanh điện là chủ yếu. Vì vậy, khoản lỗ do giá bán thấp hơn giá thành của EVN chắc chắn sẽ được hạch toán vào giá điện trong những đợt điều chỉnh giá điện sắp tới.
- Vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có nói rằng, tăng giá điện hay không còn phải chờ xem EVN lỗ hay lãi. Giờ đây Bộ Công Thương đã công bố kết quả này, tức là sắp tới giá điện lại tiếp tục tăng?
Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo từ nay trở đi cả EVN và Bộ Công Thương phải công khai giá thành sản xuất điện cũng như kết quả kinh doanh. Đây là lần đầu tiên chúng tôi công bố những thông tin này.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới và điều chỉnh lúc nào, liều lượng ra sao hiện chúng tôi chưa thể thông báo cụ thể được.
- Ông vừa nói, khoản lỗ của EVN không còn cách nào khác là sẽ hạch toán vào giá điện sắp tới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ quan quản lý luôn khẳng định “kìm giá điện là vì người tiêu dùng”, giờ đây khoản lỗ “vì kìm giá điện” đó lại dồn trở lại cho người tiêu dùng thì dường như việc kìm giá trong thời gian qua cũng không có ý nghĩa gì?
EVN là tập đoàn kinh doanh gần như duy nhất một mặt hàng điện. Nếu theo đúng thị trường thì khi họ mua đắt họ sẽ bán đắt, nhưng thực tế thì họ đã phải mua đắt bán rẻ vì chỉ đạo của Chính phủ.
Khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2010 là vì EVN phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. Năm nay dự kiến lỗ cũng không thấp hơn năm 2010. Giờ đây, để EVN không bị vỡ nợ, có vốn để tái đầu tư các dự án mới thì rõ ràng khoản lỗ này phải được đưa vào giá điện mới.
Hơn nữa, thực ra mà nói, khoản lỗ của EVN là “lỗ kế hoạch”, tức là lỗ vì phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, ổn định vĩ mô. Nếu lỗ thế mà bắt EVN tiếp tục phải gánh thì không thể nào họ chịu được.
- Thưa thứ trưởng, các chuyên gia cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan trên, lỗ của EVN có nguyên nhân không nhỏ từ việc chậm tiến độ các dự án?
Đúng là nếu các dự án nhiệt điện than mà được vận hành kịp thời sẽ giảm được việc chạy dầu, giá thành điện sẽ thấp đi. Đúng là có nhiều dự án điện bị chậm tiến độ và điều đó ai cũng nhìn thấy cả. Các ban quản lý dự án của EVN, Bộ Công Thương và Chính phủ cũng nhìn nhận đây là một điểm yếu, không chỉ là ở ngành điện mà ở công tác đầu tư xây dựng cơ bản của cả nước.
Nguyên nhân do năng lực nhà thầu, năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án… Chừng nào dự án còn chậm thì chừng đó giá thành điện còn bị ảnh hưởng.
Theo VnEconomy