"Gà trống" đưa con từ Châu Phi về Việt Nam "chiến đấu" với chứng tự kỷ

17/04/2021 06:02
Lê Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ Angola xa xôi, anh một mình đưa con về Việt Nam để can thiệp hội chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng viết: "Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”. Khi gặp những biến cố trong cuộc đời, chúng ta vẫn thường hi vọng vào những phép màu, vào sự giúp đỡ của mọi người.

Thế nhưng, trước khi chờ điều đó xảy ra, anh Văn và vợ đã sử dụng một thứ mà bất kỳ người cha, người mẹ nào cũng có, đó là tình yêu thương. Nhờ vậy, anh và vợ đã tận dụng được giai đoạn vàng (từ 2-4 tuổi) để can thiệp hội chứng tự kỷ cho con.

Ngồi trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp tại phố Minh Khai (Hà Nội), tôi may mắn được anh Văn chia sẻ cuộc hành trình bay từ Châu Phi về Việt Nam để “cứu con”.

Anh Ngô Quốc Văn, sinh năm 1985, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh Văn lấy vợ cùng quê năm 2017, sau đám cưới, anh và vợ sang Angola sinh sống.

Anh Ngô Quốc Văn luôn đồng hành cùng con trai - Kenny trong giai khoảng thời gian vàng để can thiệp hiệu quả. Ảnh: Lê Đình HùngAnh Ngô Quốc Văn luôn đồng hành cùng con trai - Kenny trong giai khoảng thời gian vàng để can thiệp hiệu quả. Ảnh: Lê Đình Hùng

Tại Angola, đôi vợ chồng trẻ chăm chỉ làm việc, anh Văn với kinh nghiệm là một người thợ sửa chữa điện tử dễ dàng chọn cho mình công việc đúng chuyên môn.

Vợ anh Văn vốn là một dược sĩ, sang Angola cùng chồng, chị chọn cho mình công việc làm nail (làm móng). Tháng 12/2017, chị sinh hạ bé Kenny (tên Việt Nam là N. H. H.).

Cũng giống như bao cặp vợ chồng lập nghiệp nơi đất khách quê người khác, cả anh Văn và vợ đều tất bật từ sáng sớm đến tận tối muộn. Chính vì vậy, bé Kenny lớn lên thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, cả ngày, Kenny chỉ "dính" lấy chiếc điện thoại. Lên 2 tuổi, anh chị gửi bé đến nhà trẻ của người bản địa, sự khác biệt về ngôn ngữ với những trẻ em Angola khác khiến Kenny ngày càng thu mình lại.

“Lúc cháu được hơn 1 tuổi, tôi nhìn thấy ở cháu một vài dấu hiệu, tôi cũng nghi nghi, là một người bố, tôi chỉ mong là con mình bình thường. Sau đó, một người bạn chơi thân nói với tôi rằng khả năng cháu bị tự kỷ, lúc đó Kenny mới 2 tuổi”.

Đối với những người bố, người mẹ, ai cũng muốn con mình phát triển một cách khỏe mạnh, bình thường, không ai nghĩ con mình bất bình thường cả. Thế nhưng, trước những dấu hiệu ngày càng rõ rệt cùng sự lạc hậu về y tế tại Angola, anh Văn đã quyết định đưa con về Việt Nam khám.

“Đầu tháng 2/2020, tôi bàn với vợ là sẽ một mình đưa cháu Kenny về Việt Nam kiểm tra, vợ tôi sẽ tiếp tục công việc bên Angola. Tuy nhiên, đang chuẩn bị đặt vé máy bay thì nghe tin ở Việt Nam có ca dương tính với Covid-19 đầu tiên nên tôi hoãn lại.

Đến tháng 8/2020, người Việt Nam tại Angola gửi đơn lên Đại sứ quán Việt Nam cầu cứu sự giúp đỡ, sau đó mới có chuyến bay giải cứu người Việt Nam tại nước ngoài. Tôi đã cùng con lên chuyến bay đó để về nước”.

Đối với những đứa trẻ bình thường, việc đi đường xa đôi lúc cũng trở nên khó khăn, huống hồ, với một đứa trẻ bị nghi mắc chứng tự kỷ như Kenny thì khó khăn còn nhiều hơn gấp bội.

“Tôi là đàn ông, có sức khỏe mà còn thấy mệt mỏi. Nếu là vợ tôi phải một mình vừa vật lộn với đống hành lý, vừa phải trông Kenny thì chắc chắn sẽ kiệt sức”, anh Văn chia sẻ.

Nhọc nhằn từ châu Phi xa xôi trở về, vừa đặt chân xuống Hà Nội, với mong muốn chứng minh con mình là một đứa trẻ bình thường, nếu có chăng thì chỉ là rối loạn ngôn ngữ do phải tiếp xúc nhiều với người Angola thôi, anh Văn đã nhanh chóng đưa bé Kenny đến nhiều trung tâm lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội để khám.

Kết quả, ở nơi nào các chuyên gia cũng kết luận con anh bị tự kỷ, có nơi chuẩn đoán con anh bị tự kỷ nặng.

Suy cho cùng, chứng tự kỷ chẳng thuốc nào chữa được, ngoài thứ duy nhất là tình yêu thương của người thân. Ảnh: Lê Đình HùngSuy cho cùng, chứng tự kỷ chẳng thuốc nào chữa được, ngoài thứ duy nhất là tình yêu thương của người thân. Ảnh: Lê Đình Hùng

“Khi nghe bác sĩ nói vậy tôi rất buồn. Tôi nghĩ: "Trời ơi, sao con mình lại có thể bị kết luận như thế". Tôi cảm thấy rất xót xa, cố gắng kìm nén cảm xúc. Tôi có gọi điện thoại sang để thông báo cho vợ, cô ấy đã khóc rất nhiều.

Kể từ hôm đó, tôi nhẫn nại với con hơn, nhẹ nhàng với con hơn, xem con thích gì, theo xu hướng gì. Nếu tích cực tôi sẽ ủng hộ, còn nếu chưa tích cực, tôi sẽ ngăn cản, tìm ra cách để điều chỉnh hành vi cho con”, anh Văn hồi tưởng.

Thấy vậy, nhiều người lại tưởng anh chiều con, nhưng thực tế, anh không muốn con bị căng thẳng, vì những lúc như vậy, Kenny lại gồng người lên, con hoảng loạn chạy lung tung, lấy tay cào cấu lên mặt.

Mọi người thường nói, mẹ thương con thì nước mắt chảy xuôi, cha thương con thì nước mắt chảy ngược. Mỗi lần thấy Kenny như vậy, anh Văn lại dang rộng vòng tay ôm con: “Ra đây, bố yêu Kenny!”, anh hôn lên trán con: “Khuôn mặt này của bố đẹp trai lắm, con không được lấy tay cào lên mặt nữa nghe chưa!”. Một lần, hai lần, ba lần,…sự kiên trì hàng ngày của anh khiến con nhớ và không lặp lại hành vi đó nữa.

Trường hợp của Kenny khác hoàn toàn so với những trẻ tự kỷ khác tại Việt Nam, con chưa quen với tiếng Việt, ở bên Angola, người dân sử dụng tiếng Bồ Đào Nha để giao tiếp là chủ yếu. Chính vì vậy, việc chọn trung tâm để can thiệp cho con là rất khó.

“Tôi đã gửi con theo học tại một vài nơi, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không thực sự rõ ràng.

Đúng lúc đó, một người thân giới thiệu cho tôi đến một trung tâm can thiệp. Sau một khoảng thời gian theo học tại đây, tôi cảm thấy con nhận được tình yêu thương, sự linh hoạt, đa dạng trong các hoạt động can thiệp trị liệu, họ sử dụng sự phối hợp của nhiều giáo viên trong giờ dạy con, sử dụng cả môi trường trong lớp và môi trường thực tế để con trải nghiệm, vợ chồng tôi rất hạnh phúc khi thấy được sự tiến bộ của con từng ngày.

Sau một thời gian kiên trì can thiệp, con nói câu 5, 6 chữ. Chủ động nói câu 3-4 tiếng. Mức độ phát triển ngôn ngữ của Kenny sau 5 tháng tương ứng trẻ 25 tháng tuổi; Âm đã rõ rất nhiều, ngữ điệu giọng nói bình thường; Đếm số lượng tới 30, có thể đếm tiếp đến 50; Nhận biết tất cả chữ cái và các dấu thanh, nhận biết các con số phạm vi 30; Đã biết ăn nhiều loại rau và trái cây, biết uống nhiều loại nước; Trả lời được các câu hỏi đơn giản; Thích chơi chung với các bạn cùng lứa; Biết vẽ một số hình đơn giản; Biết thể hiện nhu cầu bằng lời nói;…”, anh Văn chia sẻ.

Nhiều đêm thức trắng, anh Văn suy nghĩ về tương lai của Kenny, một hôm, anh tình cờ xem được một chương trình truyền hình nói về một cô bé bị tự kỷ tại Việt Nam. Bằng tình yêu thương, thấu hiểu của gia đình, cô bé dần dần tiến bộ và phát triển năng khiếu vẽ tranh, đoạt giải cao tại nhiều cuộc thi quốc tế. Câu chuyện trên như tiếp thêm động lực cho anh, động viên anh cần cố gắng hơn trên con đường còn đầy gian nan phía trước: “Suy cho cùng, chứng tự kỷ chẳng thuốc nào chữa được, ngoài thứ duy nhất là tình yêu thương”, anh Văn chia sẻ.

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder, viết tắt là ASD) là những thuật ngữ nói đến một nhóm của các rối loạn phức tạp trong sự phát triển của não bộ, đặc trưng bởi những khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, các hành vi sở thích định hình lặp lại. Tất cả các loại: rối loạn tự kỷ điển hình, rối loạn phân rã tuổi thơ, rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu và hội chứng Asperger đều có tên chung là “rối loạn phổ tự kỷ”.

Các dấu hiệu đặc trưng:

- Khiếm khuyết trong tương tác xã hội;

- Các vấn đề bằng giao tiếp bằng lời nói và không lời;

- Có các hành vi, sở thích hạn hẹp và định hình lặp lại.

Lê Đình Hùng