Công ty Cổ phần Viwaco (đơn vị phân phối nước sạch sông Đà) phát đi thông báo về việc tạm ngừng cấp nước để phục vụ sửa chữa rò rỉ trên tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà - Hà Nội. Vị trí gặp sự cố là Km 9+360 Đại Lộ Thăng Long (tuyến ống DN500).
Để khắc phục sự cố, đơn vị này sẽ tạm ngưng cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân khu vực tây nam Hà Nội từ 22h ngày 19/12. Dự kiến đến 5h ngày 20/12, nước sẽ được cấp trở lại.
Như vậy, việc tạm ngừng cấp nước do sự cố đường ống, nhiều hộ dân sống tại quận, huyện khu vực Tây Nam Hà Nội như: Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoài Đức.... sẽ bị dừng cấp nước sạch.
Năm 2020, Hà Nội sẽ tái giám sát về vấn đề cung cấp nước sạch |
Các đơn vị phân phối nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà như Công ty Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông đã gửi thông báo dừng cấp nước, đề nghị khách hàng sử dụng nước tiết kiệm.
Như vậy, chỉ tính trong năm 2019 đã 6 lần đường ống truyền tải nước sạch sông Đà gặp sự cố.
Trước đó, ống nước Sông Đà đã gặp sự cố trên 20 lần. Như vậy tính tổng số ống nước Sông Đà gặp sự cố đã gần 30 lần.
Được biết, Dự án nước sạch sông Đà - Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2009. Quá trình vận hành khai thác, tuyến ống liên tục xảy sự cố.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra, chỉ đạo, giải quyết kịp thời tình trạng trên.
Trước đó, sự cố gần đây nhất vào ngày 20/11, sự cố rò rỉ đường ống truyền tải nước sạch sông Đà cũng được phát hiện tại Km số 25+500 Đại lộ Thăng Long. Nước từ đường ống chảy tràn ra đường khiến cầu chui dân sinh và mặt đường ngập hơn 30cm.
Võ, rò rỉ đường ống nước Sông Đà một thời gian người dân Thủ đô ngán ngẩm. Ảnh: TTXVN. |
Cũng liên quan đến đường ống nước Sông Đà liên tục gặp sự cố, ngày 13/3/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên bản án đối với 9 bị cáo trong vụ án đường ống nước sạch sông Đà vỡ 18 về tội danh“Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội) thoát tội.
Theo giám định của Bộ Xây dựng kết luận, nguyên nhân là do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo yêu cầu thiết kế và độ bền đạt thời gian 50 năm. Từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh.
Việc vỡ hệ thống đường ống nước sông Đà dẫn đến đơn vị khai thác, kinh doanh phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, khiến 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ với lưu lượng nước bị ngưng trệ lên tới hơn 1,7 triệu m3.
Các bị cáo đã ký 73 biên bản nghiệm thu, giai đoạn cung cấp ống và xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống, phụ kiện ống composite dùng trong dự án không đạt chất lượng.
Nhiều người dân Hà Nội khốn khổ vì nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn vẫn bơm bán cho người dân. Ảnh: TTXVN. |
Trở lại vụ nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải khiến dư luận phẫn nộ đến nay Thành phố Hà Nội cũng chưa làm rõ cũng đưa ra những ai chịu trách nhiệm của Viwasupco.
Có không ít chuyên gia đã thẳng thắn trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng, biết nước bẩn vẫn bán nước cho người dân, học sinh sử dụng là tội ác.
Việc bơm nước bẩn khiến hàng triệu cháu nhỏ đang ở độ tuổi đi học bị ảnh hưởng vì vậy phải xem xét nghiêm túc trách nhiệm của Viwasupco.
Dư luận cũng đặt câu hỏi, tại sao dầu thải có thể lọt qua hệ thống kỹ thuật Nhà máy nước sông Đà? Phải chăng công nghệ của nhà máy nước Sông Đà đã quá lạc hậu đến nỗi không thể phát hiện có dầu thải?
Một câu hỏi cũng được dư luận đặt ra đó là vấn đề đạo đức kinh doanh, nhà máy nước Sông Đà phát hiện ra dầu thải nhưng vẫn để cho lọt qua hệ thống kỹ thuật?
Có thể nói, dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, Thành phố Hà Nội cần làm rõ và công bố cho dư luận biết. Phải khẳng định đó là trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trước sức khỏe, sự sống của người dân, vụ việc không thể "chìm xuồng" vào lãng quên như vậy.