GĐ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội: Khó di dời các cây xăng ra khỏi nội đô?

06/06/2013 07:08
Phong Vũ
(GDVN) - Trước kiến nghị di dời các cây xăng vi phạm ra khỏi nội đô hoặc giải tỏa các cây xăng này, Thiếu tướng Nghi cho biết, vấn đề này đổi hỏi phải có tính toán kỹ lưỡng. Bởi việc để các cây xăng trong nội thành một phần là để đảm bảo sự tiện lợi cho người dân.
Cương quyết xử lý các cây xăng vi phạm

Liên quan đến vụ cháy nổ kinh hoàng tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo (trạm xăng dầu số 9 thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội) xảy ra vào ngày 3/6. Trước đó, phát buổi trong buổi gia ban báo chí do Thành Ủy Hà Nội tổ chức vào chiều qua (4/6), Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhi khẳng định là sẽ phối hợp với Bộ Công Thương sẽ thực hiện rà soát, kiểm tra toàn bộ khoảng 500 cây xăng đang hoạt động trên địa bàn Thành phố và có biện pháp xử lý đối với nhưng cây xăng vị phạm.

Các chiến sỹ PCCC đang cố gắng dập tắt đám lửa vào ngày 3/6
Các chiến sỹ PCCC đang cố gắng dập tắt đám lửa vào ngày 3/6


Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra và phát hiện 28 cây xăng trên địa bàn có những biểu hiện vi phạm về phòng cháy chữa cháy dưới nhiều hình thức khác nhau, xử phạt hành chính số tiền khoảng 100 triệu đồng. 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi – Giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hà Nội cũng thừa nhận là gần đây lực lượng chức năng nhận được phản ánh của người dân về việc một số cây xăng trên địa bàn thành phố không đảm bảo an toàn vì gần đường, gần chợ, nhà cửa xung quanh san sát… Tuy nhiên, “Tướng” Nghi cho rằng việc xử phạt các cây xăng này là không dễ. 

Ông cho biết: Có thể theo quan sát thì rõ ràng là các cây xăng vi phạm về khoảng cách an toàn với các công trình xây dựng xung quanh. Nhưng khi bị kiểm tra, chủ cây xăng thường lấy lý do là ban đầu khi họ thành lập cây xăng thì xung quanh không có công trình xây dựng trước đó. 

Thêm vào đó, mỗi giai đoạn lại có những quy định, tiêu chỉ xử phạt riêng. Việc phát hiện vi phạm và tiền hành xử phạt các cây xăng này đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan khác chứ không chỉ lực lượng PCCC.

Trước kiến nghị di dời các cây xăng vi phạm ra khỏi nội đô hoặc giải tỏa các cây xăng này, Thiếu tướng Nghi cho biết, vấn đề này đổi hỏi phải có tính toán kỹ lưỡng. Bởi việc để các cây xăng trong nội thành một phần là để đảm bảo sự tiện lợi cho người dân. 

“Một người dân trong giữa nội thành, không lẽ mỗi lần xe hết xăng lại phải chạy sang tận Gia Lâm để đổ?” Thiếu tướng Nghi nói.

Theo Thiếu tướng Nghi, để giải quyết vướng mắc này, có thể đối với một số cây xăng vi phạm nhỏ, nhưng họ có ý thức, có đầy đủ lực lượng và phương tiện về phóng chống cháy nổ thì tạm thời có thể cho phép tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, ông Nghi khẳng định rằng sẽ xử lý nghiêm, sẵn sàng tước giấy phép và giải tỏa những cây xăng không đáp ứng yêu cầu dù ở nội thành hay ngoại thành.

Trước đó, UBND TP đã có yêu cầu các đơn vị chức năng yêu cầu xử lý dứt điểm các cây xăng ở gần khu dân cư, không phù hợp với quy hoạch hệ thống xăng dầu của TP trước ngày 30/12/2014. Theo đó, ở khu vực nội thành Hà Nội sẽ có khoảng 10 trạm xăng dầu bị xóa bỏ, giải tỏa và 45 trạm xăng dầu khác phải di dời.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi thông tin tới báo chị về vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi thông tin tới báo chị về vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo.


Cây xăng bị cháy đang hoạt động trái phép

Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, bộ này đã không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo từ năm 2002. Khi đó, UBND TP. Hà Nội đã đưa điểm kinh doanh này ra khỏi quy hoạch kinh doanh xăng dầu của Thành phố.  
Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp để thông tin tới báo chí những vấn đề liên quan đến vệc vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công Thương đã giành một phần lớn thời gian để nói về hoạt động kinh doanh của trạm xăng dầu số 9 thuộc Tổng công ty xăng dâu quân đội đặt tại số 2B Trần Hưng Đạo. 

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng địnhcây xăng nói trên chỉ là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ của quân đội, thuộc diện quản lý của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hiện cây xăng này chưa được cấp phép kinh doanh theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP (Nghị định 84).

Trước đó, từ năm 2001, Công ty xăng dầu quân đội đã trả lại đất cho Bộ Quốc phòng và không kinh doanh xăng dầu tại đây nữa. Đến năm 2002, TP Hà Nội cũng đã loại cây xăng này ra khỏi quy hoạch kinh doanh xăng dầu, đồng thời Sở Công thương Hà Nội cũng không cấp phép kinh doanh cho cây xăng này nữa.
Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, cây xăng này vẫn hoạt động bình thường và tới ngày 3/6 vừa qua thì xảy ra vụ cháy kinh hoàng.

Cũng theo ông Quyền, cửa hàng xăng dầu số 2B Trần Hưng chỉ là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nếu trạm xăng dầu này có tổ chức kinh doanh xăng dầu, bán xăng dầu cho dân sinh là trái pháp luật.
Trước phản ảnh của một số người dân rằng trước khi cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo bị cháy, họ vẫn mua xăng tại đây, ông Quyền cho biết, theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, qua hai lần kiểm tra trước đó, cây xăng này vẫn khẳng định là chỉ phục vụ cho nhu cầu nội bộ. Và từ trước tới nay, cây xăng này chưa có vi phạm nào về bán sai đối tượng.
Tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có quy định rõ rằng các trạm xăng phục vụ trong nội bộ thì không chịu sự điều chỉnh theo Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Chỉ những cây xăng của quân đội tại vùng 3 (vùng miền núi, vùng sâu vùng xa) mới được bán cho người dân.
Phong Vũ