GĐ Sở GTVT:"Lái xe bus thiếu văn hóa ư, hãy gọi chúng tôi"

08/12/2011 07:07
Ngọc Quang
(GDVN) - “Bất kỳ trường hợp lái xe, phụ xe nào cư cử thiếu văn hóa, xúc phạm hành khách, hãy báo ngay cho chúng tôi để kịp thời xử lý...".

Bên lề kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XIV, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT đã chia sẻ với Báo GDVN những khó khăn còn tồn tại khi phát triển hệ thống xe buýt và khẳng định, bất kỳ trường hợp lái xe, phụ xe nào cư cử thiếu văn hóa, xúc phạm hành khách sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Đường chỉ có thể, tăng nữa đi vào đâu?

Vừa qua, trao đổi với Báo GDVN, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) có đề cập tới chất hệ thống xe buýt hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, nổi lên là vấn đề xe buýt quá tải. Ông có thể cho biết khi nào thì những bất cập ấy sẽ được giải quyết?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Bản thân xe buýt cũng chỉ là một loại phương tiện, nó đáp ứng được phần nào nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô và tất nhiên trong tương lai còn phải phát triển các loại phương tiện công cộng khác thì mới hạn chế được xe cá nhân.

Hiện nay, xe buýt bị quá tải vào giờ cao điểm, nhưng chúng tôi cũng không thể tăng xe được. Đường chỉ có thế thôi, tăng nữa thì chạy làm sao được, vì vậy cần phải có sự tính toán để áp dụng một cách hợp lý giữa  phương tiện vận tải công cộng và đồng thời hạn chế xe cá nhân, như vậy thì mới giảm ùn tắc được.

Dự kiến vào tháng 1/2012, Sở GTVT sẽ trình UBND TP đề án xây dựng, nâng cấp mang lưới xe buýt, bởi vì chỉ có cách phát triển một cách tốt nhất cả về số lượng và chất lượng các tuyến buýt thì đa số nhân dân sẽ chọn phương tiện này thay vì cứ phải sử dụng xe cá nhân như hiện nay, công tác chống ùn tắc giao thông nhờ đó cũng tiến thêm được một bước nữa.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất thành lập đội An ninh xe buýt, để chống lại nạn móc túi, cướp giật tại các bến xe buýt và ngay trên xe buýt, cố gắng hết sức đảm bảo cho hành khách sử dụng dịch vụ này tránh mọi phiền hà từ kẻ xấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - GĐ Sở GTVT Hà Nội
Ông Nguyễn Quốc Hùng - GĐ Sở GTVT Hà Nội

Theo ông thì sẽ tăng đầu xe trước hay sẽ hạn chế phương tiện cá nhân trước?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tôi nghĩ rằng phải áp dụng song song cả hai việc cùng một lúc. Nếu chúng ta tăng đầu xe sớm mà không giải quyết được khâu hạ tầng, không có người sử dụng thì sẽ gây lãng phí lớn; ngược lại nếu hạn chế phương tiện cá nhân sớm mà chưa xây dựng được hệ thống xe buýt hiện đại, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân thì cũng không được, vì điều đó không chỉ ảnh hưởng tới công việc mà còn liên quan tới đời sống của rất nhiều người.

Kiên quyết "trảm"

Có chuyên gia nói rằng, người dân sẽ tự nguyện sử dụng phương tiện vận tải công cộng nếu nó tốt. Nhưng xe buýt hiện nay không chỉ yếu về chất lượng mà còn kém cả đạo đức, nói một cách ngoa dụ thì nó chẳng khác gì “ung nhọt” trên cơ thể. Vậy thì làm sao hành khách có thể chấp nhận?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tôi cũng đã nghe được một số thông tin về thái độ chưa đúng mực của lái xe, phụ xe trên một số tuyến buýt. Tuy nhiên, tôi khẳng định đó chỉ là những trường hợp cá biệt, còn đại đa số anh em đều chấp hành tốt nội quy. Bất kỳ trường hợp lái xe, phụ xe nào vi phạm các quy định, cư cử thiếu văn hóa, xúc phạm hành khách, hãy báo ngay cho chúng tôi để kịp thời xử lý, chấn chỉnh. Chúng tôi sẽ xử lý dứt khoát, áp dụng các biện pháp từ khiển trách, cảnh cáo, thậm chí xa thải nếu sự việc nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần, quyết không để một vài trường hợp gây tiếng xấu cho những người còn lại.

Vừa rồi có một trường hợp lái xe buýt của Công ty Bắc Hà ứng xử thiếu văn hóa với một giảng viên của ĐH Thủy Lợi, sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi lập tức chỉ đạo làm rõ và xử lý kỷ luật với lái xe, đồng thời yêu cầu chính lái xe ấy phải xin lỗi vì có lời lẽ xúc phạm hành khách.

Tài xế và phụ xe trong vụ bắt khách quỳ xin mở cửa trên tuyến số 34
Tài xế và phụ xe trong vụ bắt khách quỳ xin mở cửa trên tuyến số 34

Vừa qua, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu CBNV tại các đơn vị của ngành thực hiện đi xe buýt ít nhất một lần/tuần. Ông có đi xe buýt không và có khuyến khích nhân viên cấp dưới đi xe buýt?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Bản thân tôi và các cán bộ khác của Sở giao thông Hà Nội cũng phải sử dụng dịch vụ này, để biết được cái gì đã làm tốt và cái gì chưa tốt, từ đó điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng đòi hỏi chất lượng dịch vụ ngày càng phải tốt hơn của người dân. Chúng tôi cũng khuyến khích anh em CBNV cấp dưới cố gắng đi lại bằng xe buýt để góp phần giảm phương tiện cá nhân, chống ùn tắc giờ cao điểm.

Vậy ông có thể trả lời thẳng thắn, nếu không phải vì sự liên quan tới xe buýt thì ông có chọn phương tiện này để đi lại không hay sẽ dùng phương tiện cá nhân?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi thì những ai làm công việc cố định về thời gian nên sử dụng xe buýt, còn với nhiều người vì tính chất công việc phải di chuyển nhiều thì cũng khó sử dụng phương tiện này trong giai đoạn hiện nay. Tình hình cơ sở hạ tầng của chúng ta hiện nay chưa cho phép mở rộng và tăng cường lưu lượng xe, về vấn đề này Sở GTVT sẽ trình UBND thành phố xem xét các phương án trong thời gian tới.

Cho dù có tăng cường được số lượng, nhưng chưa chắc chất lượng đã đảm bảo, như vậy thì người dân sẽ bị đẩy vào cảnh buộc phải đi (do hạn chế phương tiện cá nhân), trong khi họ chưa thực sự hài lòng về chất lượng các tuyến buýt? Làm thế nào để người dân không bị thiệt thòi, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Quan điểm thành phố là chất lượng xe buýt phải được tăng lên, xe buýt cũng là một loại hàng hóa, đã là hàng hóa thì có sản phẩm tốt, sản phẩm chưa tốt, những sản phẩm chưa tốt chúng ta bỏ đi, sản phẩm tốt phát huy. Tôi nghĩ rằng, không phải tất cả những khó khăn đều có thể giải quyết ngay cùng một lúc mà phải có lộ trình ưu tiên cho từng việc. Người Nhật đã mất tới 15 năm để giải bài toán giao thông, vì thế chúng ta cũng cần phải quyết tâm ngay từ bây giờ thì mới mong thu được kết quả tốt.

Như thế này thì đến bao giờ Hà Nội mới "sạch, đẹp"?
Như thế này thì đến bao giờ Hà Nội mới "sạch, đẹp"?

Thành phố đã triển khai rất nhiểu giải pháp chống ùn tắc giao thông, vậy theo ông đâu là giải pháp ưu tiên?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Vẫn phải phát triển kết cấu hạ tầng, di chuyển trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô, phát triển các đô thị vệ tinh, 7 giải pháp lớn có tính lâu dài nhưng trước mắt thực hiện giải pháp trước mắt kịp thời để giải quyết bức xúc người dân đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tóm lại những giải pháp nào có lợi cho nhân dân thì áp dụng tháo gỡ khó khăn đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Theo ông, nếu thực hiện đồng bộ 7 giải pháp thì bao giờ Hà Nội thoát cảnh tắc đường?

Điều đó phụ thuộc vào phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội từ nay đến 2020 tầm nhìn 2050 và nằm trong tổng thế phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đất nước càng phát triển ta càng phải phấn đấu giảm ùn tắc, còn trả lời rằng bao giờ hết ùn tắc thì rất khó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang