Những sai phạm của DongAbank trong vụ án "Bầu Kiên" như thế nào?

25/09/2013 10:07
Phong Vũ
(GDVN) - Cùng với một số ngân hàng khác, DongAbank đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty khác. Trước đây, ngân hàng này từng bị cấm mở chi nhánh trên toàn quốc trong vòng 1 năm cũng vì hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần.
Như đã đưa tin, liên quan đến hành Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB (gồm Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang) ký biên bản ngày 22/3/2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho các tổ chức và cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng.

Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 22/5/2005 đến ngày 27/9/2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhiều nhân viên và 4 công ty (gồm: Công ty TNHHH Chứng khoán ACB, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH TMDV Việt Thanh và Công ty CP Kim Ngân Việt) gửi tổng cộng 130.784.813.395.045 đồng với lãi suất từ 8,5%/năm đến 27%/năm và 81.258.329 USD với lãi suất từ 3%/năm đến 6%/năm vào 29 ngân hàng.

Việc làm này đã thu được tổng số tiền lãi là 6.278.900.951.883 đồng và 1.882.405,62 USD, lãi chênh lệch vượt trần thu được là 258.490.822.2509 đồng (riêng USD không có lãi suất vượt trần).

"Bầu Kiên" đã chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB dùng tiền huy động của dân ủy thác cho các tổ chức và cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng trái phép.
"Bầu Kiên" đã chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB dùng tiền huy động của dân ủy thác cho các tổ chức và cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng trái phép.

Những hành vi trên của “Bầu Kiên” và đồng phạm đã vi phạm Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/05/2008 về cơ chế điều hành lãi suất bằng đồng Việt Nam kèm theo các Quyết định số: 2619/QĐ-NHNN ngày 5/11/2010, số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam; Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 23/3/2011của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất; Điều 13 và Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông của Ngân hàng ACB là 256.838.071.514 đồng, trực tiếp dây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718,908 tỷ đồng.

Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã xác định rõ danh tính của 26 ngân hàng đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty do ngân hàng này ủy thác nói trên. Trong danh sách này có một số tên tuổi như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongAbank), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…

Ngày 19/7 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, xác định sai phạm và đề nghị xử lý các cá nhân liên quan tại các ngân hàng đã có có hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty nói trên.

Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, trong khi số lượng ngân hàng liên quan nhiều nên ngày 1/8/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Quyết định tách vụ án hình sự số 06/C46-P10 đối với hành vi nhận tiền gửi vượt trần của 26 ngân hàng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong số 26 ngân hàng nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty nói trên, có một số ngân hàng từng nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần và bị xử lý nghiêm khắc trong quá khứ.

Ngân hàng Ngân hàng TMCP Đông Á là 1 trong số đó. Trước đó, vào tháng 9/2011, ông Nguyễn Thái Hậu Giám đốc DongAbank chi nhánh Tây Ninh bị phát hiện vi phạm huy động tiền gửi vượt trần lãi suất 14%/năm.

DongAbank từng bị cấm mở chi nhánh trên phạm vi toàn quốc trong vòng 1 năm.
DongAbank từng bị cấm mở chi nhánh trên phạm vi toàn quốc trong vòng 1 năm.

Cụ thể, vào sáng ngày 8/9/2011, giám đốc của một ngân hàng khác tại chi nhánh Tây Ninh đã liên hệ với ông Hậu để gửi 1 tỉ đồng vào DongABank (Chi nhánh Tây Ninh) với lãi suất 15,5%/năm, cao hơn quy định 1,5%. Ông Hậu đồng ý và giao dịch được thực hiện vào lúc 11h00 cùng ngày. Nhưng sau đó, vị khách hàng kia đã tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh để tố cáo hành vi của ông Hậu. Ngay sau đó, DongABank đã đình chỉ công tác với ông Hậu.

Đến ngày 15/9/2011 Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ đối với ông Nguyễn Thái Hậu. Ông Hậu không được bố trí chức vụ quản lý, điều hành tại chính ngân hàng này trong thời hạn 3 năm sau đó.

Cùng với ông Hậu, bà Lâm Thị Minh Ánh, nguyên Trưởng phòng Kế toán Ngân hàng TMCP Đông Á chi nhánh Tây Ninh cũng bị Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề nghị DongA Bank xử lý bằng hình thức buộc thôi việc.

Không chỉ có vậy, liên quan đến vụ việc này, Ngân hàng Nhà nước đã không cho phép DongA Bank mở thêm bất cứ chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 14/9/2011.

Thanh tra, giám sát ngân hàng còn có văn bản yêu cầu Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á kiểm điểm nghiêm túc trong việc chỉ đạo điều hành trong toàn hệ thống về việc chưa chấp hành nghiêm quy định về mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam.

Như vậy, từng có bài học xương máu về hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần, thế nhưng DongAbank không rút được kinh nghiệm cho mình. Tới khi vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn xảy ra, cùng với một số ngân hàng khác, một lần nữa DongAbank lại bị phát hiện có hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần như đã nói ở trên.
Phong Vũ