“Làm lãnh đạo phải thế!”

12/09/2014 06:33
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Một bạn đọc đã bình luận như vậy về lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong việc chỉ đạo, xử lý những tiêu cực xuất hiện trong ngành giáo dục tỉnh này.

Gần đây, nhiều vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục Thanh Hóa đã được Báo GDVN đưa ra ánh sáng. Hầu hết các vụ việc sau đó đã được giải quyết dứt điểm với sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh này.

Sự phối hợp "tình cờ" ấy được bạn đọc nhận ra, và họ mong muốn ngành giáo dục tỉnh Thanh nói riêng, cũng như các lĩnh vực khác ngày càng đổi mới, minh bạch, tiến bộ...

Tới đây, xin nhắc tới hai vụ việc điển hình: Đầu tiên phải nhắc đến vụ 40 học viên tại TTGDTX Thanh Hóa nộp tiền “chống trượt” hồi đầu tháng 9/2013 gây “chấn động” trong ngành giáo dục Thanh Hóa nói riêng và giáo dục cả nước nói chung. Báo Giáo dục Việt Nam vào cuộc từ đầu và đến nay vẫn tiếp tục quan tâm.

Theo đó, để “chống trượt” trong kỳ thi cao học hệ đào tạo Quản lý kinh tế, trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), hơn 40 học viên tại TTGDTX tỉnh Thanh Hóa đã nộp tổng cộng hơn 1 tỷ đồng cho cán bộ trung tâm này, nhờ đấu mối.

Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt phát biểu tại cuộc họp báo trước đó
Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt phát biểu tại cuộc họp báo trước đó

Không lâu sau đó, sự việc được dư luận và cơ quan chức năng phát giác. Cũng tại thời điểm trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra hàng loạt văn bản chỉ đạo (Văn bản số 10693 UBND-VX ngày 31/12/2013; văn số 1357 UBND –VX ngày 11/3/2014; Văn bản số 2846 UBND-VX ngày 15/4/2014; Văn bản số 4574/UBND-VX), đề nghị các cơ quan, ban, ngành  trực thuộc, kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc và xử lý những sai phạm có liên quan.

Tiếp đó, trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 7/2014, do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, ông Vương Văn Việt – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa một lần nữa ra “tối hậu thư” yêu cầu các ban ngành có liên quan, nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc.

Còn nhớ, trong buổi họp báo đó, ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ những sai phạm có liên quan tới vụ việc trên cơ sở kết luận thanh tra của cơ quan chức năng.

Đã có những thời điểm trong cuộc họp báo, ông Việt đã phải gắt lên rằng: “Vụ việc này Thanh Hóa bị nêu ra, cả nước đã biết, quá đau buồn. Các anh làm giáo dục mà không giáo dục được mình. sự việc sai hay đúng đã rõ rành rành, tỉnh đã có chỉ đạo, cứ theo luật mà làm, cái này không nhu nhơ được…”.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 15/8, ông Đào Phan Thắng - Giám đốc TTGDTX tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định cách chức Trưởng phòng Quản lý đào tạo đối với ông Bùi Sĩ Hồng; Cách chức Phó phòng Quản lý đào tạo đối với ông Lê Trọng Sơn; Quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với bà Lê Thị Liên - chuyên viên phòng Quản lý đào tạo.

Tiếp đó, vào cuối năm 2013, dư luận nổi sóng trước những tiêu cực liên quan đến công tác tuyển dụng giáo viên tại trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa).

Theo đó, việc tuyển dụng đối với giáo viên Lê Văn Quang - người chưa đủ điều kiện dự thi, nhưng vẫn được Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa chấp thuận xét duyệt  hồ sơ dự tuyển, sau đó ký hợp đồng giảng dạy đối với giáo sinh này.

Là người có thâm niên công tác, và từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa, có lẽ Phó chủ tịch Vương Văn Việt thừa hiểu phải giải quyết tiêu cực ấy như thế nào. 

Đứng trước sự việc có liên quan, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công văn số 8214/UBND - THKH ngày 8/9/2014 về việc thực hiện tuyển dụng giáo viên thể dục - thể thao theo đúng quy định của pháp luật đối với trường THPT chuyên Lam Sơn.

Theo đó, ông Vương Văn Việt – Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa  đã kịp thời chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, yêu cầu trường THPT chuyên Lam Sơn tổ chức lại kỳ thi tuyển viên chức giáo viên thể dục thể - thao theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

Có thể nói đây là 2 trong số nhiều sự việc (mức độ lớn nhỏ khác nhau) có liên quan đến những hạn chế trong ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã được dư luận và cơ quan chức năng phát giác và xử lý.

Nói ra điều này không phải nhằm “tâng bốc” lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, bởi xét đến cùng, đó là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, với cách chỉ đạo xử lý những vụ việc tiêu cực liên quan đến ngành giáo dục Thanh Hóa nêu trên, có thể thấy lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ghi điểm thuyết phục như thế nào đối với dư luận và để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân.

 Làm lãnh đạo phải thế!

QUỐC TOẢN