Vụ nộp tiền chống trượt: Công chức góp tiền không thể vô can

19/08/2014 06:42
QUỐC TOẢN
(GDVN)- Những người nhận tiền tỷ để lo lót đã và sẽ bị xử lý; còn những công chức góp tiền, cũng không thể vô can. Sự việc, còn nói lên nhiều góc độ khác của giáo dục.

Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc…

Liên quan đến vụ việc 40 học viên TTGDTX Thanh Hóa nộp tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng để “chống trượt” đầu vào lớp cao học Quản lý kinh tế (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), lãnh đạo TTGDTX đã có quyết định kỷ luật đối với các cán bộ có sai phạm.

Theo đó, lãnh đạo TTGDTX Thanh Hóa đã ký quyết định cách chức Trưởng phòng Quản lý đào tạo đối với ông Bùi Sĩ Hồng và ông Lê Trọng Sơn - Phó phòng Quản lý đào tạo. Bà Lê Thị Liên – cán bộ phòng Quản lý đào tạo nhận hình thức kỷ luật Cảnh cáo.

Chi tiền tỷ mua đầu vào cao học (ảnh minh họa)
Chi tiền tỷ mua đầu vào cao học (ảnh minh họa)

Câu chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu số tiền dùng để “hối lộ” đầu vào cao học được thực hiện một cách trót lọt. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ, sự việc trên chỉ bại lộ khi phía điểm trường tổ chức kỳ thi cao học làm chặt chẽ công tác tuyển sinh. Điều này đồng nghĩa với việc, việc chạy chọt đầu vào rất khó có thể xảy ra, khi đó chất lượng kỳ thi và năng lực của các học viên mới được đánh giá một cách chuẩn mực.

Bên cạnh đó cũng phải dành những lời khen ngợi cho 7 học viên đã trúng tuyển trong kỳ thi vào lớp cao học Quản lý kinh tế (trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), bởi trong số 40 học viên dự thi thì có tới 33 học viên thi trượt trong đó có 31 học viên có tổng điểm thi của 3 môn dưới 11 điểm – đây hầu hết là cán bộ công chức “xịn”.

Vẫn còn quá sớm để kết luận vụ việc trên đã đến lúc ngã ngũ. Dư luận đang chờ vào sự phán quyết công minh từ phía các đơn vị chủ quản trong việc xử lý các học viên nộp tiền “chống trượt” và trách nhiệm quản lý của  lãnh đạo TTGDTX để xảy ra sai phạm?

Cũng tại thời điểm sau khi có kết luận thanh tra vụ việc của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa kịp thời đã ban hành văn bản số 7155 chỉ đạo xử lý sai phạm tại TTGDTX tỉnh gửi các sở, huyện, đơn vị có học viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia nộp tiền ôn thi sai quy định.

Theo đó, ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị, cơ quan có cán bộ tham gia nộp tiền “chống trượt” tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm những người đã tham gia nộp tiền ôn thi cao học.

Đâu là căn nguyên của vấn đề?

Từ sự việc vừa mới xảy ra cho thấy, để đạt được sự tiến thân trong công việc, xã hội...người ta sẵn sàng đóng góp tiền tỷ để mua bằng mà không cần biết chất lượng của tấm bằng ấy ra sao. Sẽ không quá đáng nếu nói rằng, trong xã hội hiện tại quan niệm bằng cấp là thước đo đánh giá năng lực con người đang ngày càng trở nên phổ biến.

Xét ở một khía cạnh nhận thức, bằng cấp là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá trình độ học vấn của mỗi con người. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc nó (bằng cấp) trở thành thước đo để đánh giá năng lực con người trong công việc.

Chạy đua lấy bằng cấp (ảnh minh họa)
Chạy đua lấy bằng cấp (ảnh minh họa)

Trên thực tế bằng cấp lại trở thành  một trong yếu tố rất quan trọng trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt tại nhiều cơ quan công quyền trên phạm vi cả nước nói chung chứ không phải riêng gì ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt theo kiểu xét duyệt bằng cấp vô hình chung trở thành “chất xúc tác” quan trọng để người ta tìm mọi cách đạt được điều mong muốn kể cả phải dùng đến “thủ đoạn” (mua bằng, nộp tiền chống trượt, học hộ, thi thay...).

Điều này được minh chứng cụ thể tại vụ nộp tiền “chống trượt” vừa qua. Trong số 40 học viên nộp hơn 1 tỷ tiền chống trượt thì có tới quá nửa số học viên hiện tại là công chức hiện đang công tác tại Sở Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, Bệnh viện Nhi…Trong số này, nhiều cán bộ đang nằm trong diện quy hoạch…

Cũng may, sự việc bại lộ, người ta mới có cơ hội nhìn rõ trình độ dự thi cao học của các công chức ấy cao như thế nào? Đến đây xin nhắc lại, trong số 40 học viên dự thi vào lớp cao học Quản lý kinh tế thì có tới cho 31 học viên có tổng điểm thi của 3 môn dưới 11 điểm.

Nhân nói đến chuyện bằng cấp, nhiều học giả đã lên tiếng phản ứng gay gắt tình trạng đào tạo tràn lan sau đại học. Cứ nhìn vào thực tế thì có thể thấy người học để lấy bằng thì nhiều nhưng số nhiều tỷ lệ nghịch với chất lượng giáo dục.

Còn nhớ cách đó không lâu, trả lời trên báo điện tử GDVN về những bất cập trong đào tạo sau đại học, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nguyên nhân của tình trạng học – đào tạo thạc sĩ tràn lan là do tâm lý “sính” bằng cấp của một bộ phận, bên cạnh đó chính các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cũng đề cao bằng cấp (chứ không mấy khi đề cao thực hành).

“Còn các cơ quan nhà nước thì cứ phải bằng đẹp mới lọt cửa, đó chính là vì nhiều lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước cũng leo lên từ bằng cấp chứ họ không có thực chất nên chính họ không đánh giá được người thực sự có khả năng và người chỉ có cái bằng", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định.

Hệ quả của vấn đề nêu trên được minh chứng rõ ràng ở chất lượng công chức trên phạm vi cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng.

Còn nhớ, cách đây vài tháng trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng khó đánh giá cụ thể  có bao nhiêu phần trăm cán bộ không làm được việc, nhưng theo quan sát và ước tính trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ này chắc chắn phải là hai con số chứ không phải chỉ 1-2%. Trước thực tế trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công chức, trong đó có vấn đề đổi mới quy trình, chế độ tuyển dụng công chức. Đây được coi là khâu đầu tiên của chu trình quản trị nhân sự, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định đến chất lượng công chức sau này.

Từ thực tế trên có thể thấy, muốn tìm người làm được việc, có tài trước hết phải qua quá trình thử thách bằng thực tế công việc chứ không phải việc trú trọng hồ sơ, bằng cấp....

QUỐC TOẢN