Mua mỗi lít xăng giá 16.400 đồng, người dân "gánh" 8.825 đồng thuế, phí

07/10/2016 07:33
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Ngô Trí Long, với cách tính thuế, phí bất cập dẫn đến mỗi lít xăng người tiêu dùng chịu hơn 50% tiền thuế, phí rõ ràng nguồn thu đang bị vắt kiệt.

Ngày 5/10 vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng RON 92 và xăng sinh học E5 tăng từ 160 đồng đến 172 đồng/lít. Đây là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng tăng trong vòng 2 tháng qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 8 lần tăng và 7 lần giảm.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng giảm ngoài yếu tố giá thế giới, theo các chuyên gia, thuế phí là nguyên nhân khiến người tiêu dùng phải gánh giá xăng dầu cao hơn.

Mua mỗi lít xăng người dân phải "cõng" hơn 50% tiền thuế, phí - ảnh nguồn Báo Công Thương.
Mua mỗi lít xăng người dân phải "cõng" hơn 50% tiền thuế, phí - ảnh nguồn Báo Công Thương.

Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 13991/BTC-QLG ngày 04/10/2016, thuế nhập khẩu bình quân áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tại các kỳ tính giá Quý IV/2016 như sau:

Mặt hàng dầu diesel là 2,10%, tăng so với mức 1,84% trong quý trước. Đặc biêt, thuế bình quân nhập khẩu với mặt hàng xăng 16,22%, tăng so với mức 15,74% trong quý trước.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 5/10/2016 là 56,177 USD/thùng xăng RON 92. Trong khi đó, các đơn vị đầu mối xăng dầu cho biết để vận chuyển xăng về Việt Nam mất khoảng 2,5 -3 USD một thùng. Như vậy, giá CIF tính thuế nhập khẩu là 7.875 đồng/lít.

Hiện một lít xăng đang phải áp các loại thuế phí sau: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.  

Với cách tính thuế mới, thuế nhập khẩu áp trên mỗi lít xăng là 1.275 đồng, thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng), chi phí định mức (1.050 đồng), lợi nhuận định mức (300 đồng), quỹ bình ổn giá (300 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (1.380 đồng), thuế VAT (1.520 đồng). Như vậy, tổng các loại thuế phí một lít xăng phải gánh lên đến 8.825 đồng.

Với mỗi lít xăng Ron 92 bán lẻ ngày 5/10 được Petrolimex niêm yết ở mức 16.400 đồng, như vậy, thuế phí chiếm tới 53,8% giá xăng.

Nhìn con số tỷ lệ thuế phí chiếm trong giá xăng dầu, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Giá xăng cao hay thấp do chính sách thuế và phí mỗi quốc gia. Trong điều kiện Việt Nam, đặt ra vấn đề cách tính một số loại phí, thuế có nên hay không.

Cụ thể, theo PGS.TS Ngô Trí Long ngày 6/4/2016 Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung trên. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Việc sửa đổi bổ sung lần này về thuế tiêu thụ đặc biệt có những điểm khác biệt cơ bản về giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp lên giá bán xăng đến tay người tiêu dùng. 

Ở Nghị định 195 trước đây, thuế Tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng được tính dựa trên giá nhập khẩu và các khoản chi phí để đưa hàng về cảng Việt Nam, tức giá nhập khẩu đầu vào. Thế nhưng, theo quy định mới có hiệu lực từ 1/7/2016 tại Nghị định 100, thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng sẽ phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tại đầu ra.

Điều đó có nghĩa, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên một lít xăng dầu phải “cõng” thêm 3 loại chi phí nữa, đó là chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và quỹ Bình ổn giá.

Điều này đã tạo ra sự khác biệt đáng kể với cách tính trước và tác động trực tiếp đến một lít xăng bán ra, làm giá bán đến tay người tiêu dùng tăng lên.

Ngoài vấn đề thuế phí, theo PGS.TS Ngô Trí Long việc Bộ Tài chính đưa ra một ấn định mức lợi nhuận 300 đồng/lít xăng chưa kể khoản lợi nhuận khác doanh nghiệp nhận được, vì thế kinh doanh xăng dầu không lo thua lỗ mà luôn có lãi.

“Vấn đề các chuyên gia góp ý kiến nhiều nhưng không thay đổi, cái chính là phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng. Muốn có nguồn thu phải tạo ra nguồn thu chứ không nên vắt kiệt nguồn thu như hiện nay”, PGS. TS Ngô Trí Long cho biết.

Mai Anh