Nếu lên sàn 8 năm trước, tài sản Habeco đã tăng gấp 2 – 3 lần hiện nay

31/10/2016 11:45
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia, nếu lên sàn từ cách đây 8 năm, thời điểm doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có lẽ vốn và tài sản Habeco đã tăng gấp 2 – 3 lần hiện nay.

Sức hút của cổ phiếu Habeco

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên tại UPCoM vào ngày 28/10, cổ phiếu BHN của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã tăng kịch trần 40% lên 54.600 đồng/cổ phiếu so với giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu ban đầu. 

Sức hút của cổ phiếu BHN đang tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong tuần này Hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) sẽ đàm phán mua cổ phần Habeco. Theo thỏa thuận đầu tư chiến lược ký năm 2009, Carlsberg sẽ được ưu tiên mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn và Habeco niêm yết. 

Sức hút cổ phiếu BHN của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) do sản phẩm và thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng - ảnh nguồn Habeco.
Sức hút cổ phiếu BHN của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) do sản phẩm và thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng - ảnh nguồn Habeco.

Đánh giá tác động việc Habeco lên sàn, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định: “Habeco lên sàn sẽ giúp quy mô thị trường chứng khoán tăng lên, qua đó giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hạng. Thị trường thăng hạng sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam thông qua sàn, quan trọng hơn giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa”.

Phó chủ tịch VAFI phân tích, sức hút của cổ phiếu BHN đến từ việc sản phẩm và thương hiệu của Habeco đã đi vào lòng người tiêu dùng, vì thế nếu Habeco lên sàn từ cách đây 8 năm, thời điểm doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có lẽ vốn và tài sản Habeco đã tăng gấp 2 – 3 lần hiện nay. 

“Nhưng muộn còn hơn không, với việc cổ phiếu của BHN tăng kịch trần chắc chắn việc niêm yết sàn trước khi thoái vốn sẽ giúp nhà nước thu về thêm khoảng 2 tỷ USD so với đề xuất của Bộ Công Thương thoái vốn trước khi lên sàn”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, việc Habeco chậm lên sàn lỗi lớn thuộc về Bộ Công Thương.

“Sức hút cổ phiếu Habeco khi lên sàn càng chứng tỏ chỉ đạo của Thủ tướng phải niêm yết trước khi thoái vốn là hết sức đúng đắn. Đảm bảo minh bạch thị trường và giúp tăng giá trị cổ phần Habeco, qua đó nhà nước thu về giá trị lớn hơn khi thoái vốn”, Phó chủ tịch VAFI nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, thành công của Habeco khi lên sàn sẽ tác động đến các doanh nghiệp nhà nước khác đã cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn như Sabeco, Vietnam Airlines.

“Doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chậm lên sàn sẽ thấy rõ lợi ích việc lên sàn. Việc doanh nghiệp sẽ chủ động đăng ký lên sàn, khi niêm yết cổ phiếu nhà đầu tư cũng dễ dàng tiếp cận, khi đó giá cổ phần sẽ do thị trường quyết định. Với thương hiệu của doanh nghiệp, chắc chắn cổ phiếu doanh nghiệp sẽ tăng. Cổ phiếu tăng giúp nhà nước thu thu lợi lớn hơn khi thoái vốn”, ông Hải cho hay.

Thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế đánh giá, sức hút của cổ phiếu BHN của Habeco do bản thân ngành bia, rượu có sức tiêu thụ và sức hút lớn trên thị trường.

“Mặt khác, Habeco lên sàn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nên được thị trường đón nhận nhiều hơn. Thành công cổ phiếu BHN sẽ khiến doanh nghiệp khác tăng thêm quyết tâm lên sàn”, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá.

TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, so với đề xuất thoái vốn trước khi lên sàn và lên sàn mới thoái vốn rõ ràng Habeco lên sàn trước khi thoái vốn cả doanh nghiệp, nhà nước, nhà đầu tư đều được lợi.

Habeco vốn là thương hiệu lớn trong ngành Bia - Rượu - Nước giải khát, chỉ khi lên sàn giá trị cổ phần của doanh nghiệp mới được đưa về đúng giá trị, đảm bảo tính minh bạch.

“Nếu không qua sàn, rõ ràng giá trị cổ phần Habeco có thể sẽ bị đánh giá thấp hơn so với thực tế. Như vậy nhà nước sẽ mất nguồn thu lớn từ việc thoái vốn. Thành công của Habeco cho thấy muốn minh bạch thoái vốn, doanh nghiệp phải lên sàn”, TS. Phong nhấn mạnh.

Được biết, Habeco được cổ phần hóa năm 2008, cổ đông lớn hiện nay của Habeco là Bộ Công thương giữ 81,79% (189.592.400 cổ phiếu), Carlsberg Breweries A/S giữ 17,34% (40.198.200 cổ phiếu). 

Tiền thân của Habeco là Nhà máy Bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Habeco hoạt động dưới hình thức CTCP từ ngày 16/6/2008 với vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng. Habeco có 17 công ty con và 9 công ty liên kết và đầu tư khác, nằm rải rác ở khắp các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung với 5.000 nhân viên. 

Hiện nay, tổng công suất của Habeco đạt trên 800 triệu lít bia và luôn nằm trong top 3 doanh nghiệp sản xuất bia có thị phần lớn nhất cả nước. Năm 2014 và 2015, sản lượng sản xuất bia các loại thương hiệu Bia Hà Nội đạt 497,7 triệu lít và 515 triệu lít.

Năm 2015, Habeco đạt doanh thu 9.638 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.207 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 887 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 3.827 đồng, giá trị sổ sách đạt 22.416 đồng/cổ phiếu. Tính đến ngày 31/12/2015, công ty có vốn chủ sở hữu đạt 6.087 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 9.936 tỷ đồng nhưng tổng vay nợ chỉ có 1.252 tỷ đồng.

Do việc kinh doanh đạt lợi nhuận cao nên Habeco trả cổ tức cho cổ đông ở mức tốt. Năm 2013, công ty trả cổ tức 16%; năm 2014 là 18% và năm 2015 đã tạm ứng 10% vào tháng 10/2016. Kế hoạch năm 2016, công ty trả cổ tức 15%.

Vừa chiếm thị phần cao trong một quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á, vừa có kết quả kinh doanh hoạt động tốt nên cổ phiếu BHN của Habeco đang có sức hút lớn trên thị trường.

Mai Anh