LTS: Bộ sách giáo khoa dành cho bậc trung học phổ thông hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập và sai sót trong việc cung cấp kiến thức chuẩn.
Thậm chí, cùng một nội dung nhưng sách dành cho Chương trình Nâng cao và sách dành cho chương trình Chuẩn lại có sự sai khác.
Thầy giáo Trần Trí Dũng đã chỉ ra những điểm bất cập, cần thiết phải chỉnh sửa trong bộ sách này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, sách giáo khoa chiếm một vị trí và vai trò quan trọng. Có thể nói sách giáo khoa có tính quyết định phần lớn đối với chất lượng giáo dục.
Sách giáo khoa thể hiện mặt bằng của giáo dục cơ bản. Nhìn vào sách giáo khoa có thể biết mức độ dân trí của một quốc gia.
Sách giáo khoa là đơn vị định lượng kiến thức, là phương tiện để truyền tải kiến thức. Sách giáo khoa là tài liệu chính thức quy định chuẩn mực kiến thức.
Trước năm 2000, nước ta tồn tại hai bộ sách giáo khoa trung học phổ thông khác nhau được dùng ở hai miền Nam, Bắc.
Những chuyện "vừa buồn cười vừa tức" ở sách Ngữ văn Trung học cơ sở hiện hành (GDVN) - Trong chương trình giáo dục Trung học cơ sở hiện hành, nhiều bài trong sách Ngữ văn "đánh đố" học sinh, cần sớm được điều chỉnh. |
Từ năm 2000, chúng ta đã chỉnh lí và hợp nhất để có một bộ sách giáo khoa dùng chung thống nhất.
Năm 2007, Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành sách giáo khoa mới với hai bộ sách, một bộ sách được gọi là chương trình Chuẩn và bộ sách thuộc chương trình Nâng cao dùng cho học sinh phân ban.
Tuy nhiên, khi xem xét hai bộ sách này có thể nhận thấy, nhiều lỗi không đáng có đối với những cuốn sách là sách giáo khoa.
Cụ thể, có thể kể ra đây một số lỗi như sau:
Sách giáo khoa Hình học 10 (chương trình Chuẩn) trang 4 viết: "Với hai điểm A, B phân biệt ta có được bao nhiêu vectơ có điểm đầu và điểm cuối là A hoặc B."
Đây là một câu hỏi nhưng lại được kết thúc bằng một dấu chấm không đúng ngữ pháp (!).
Cũng ở cuốn sách này, trang bìa có in hình hai chiếc vệ tinh nhân tạo đang chuyển động quanh Trái Đất với quỹ đạo có hình elip.
Cùng với đó tại Bài 1, khi nói về vectơ (một khái niệm hình học) có in hình tràn trang hai chiếc ô tô cùng một chiếc máy bay đang chuyển động theo hướng mũi tên.
Vì thế, khi nhìn vào bìa của cuốn sách và những hình vẽ này, thực chất sẽ hướng chúng ta quan tâm đến sự chuyển động, đó là vấn đề Vật lí chứ không phải là vấn đề của Hình học.
Theo tác giả, hình ảnh minh họa bìa sách giáo khoa Đại số 10 và Hình học 10 chưa nêu bật được tính chất môn học. |
Bìa sách được xem là linh hồn của mỗi cuốn sách, vậy mà bìa cuốn sách giáo khoa Đại Số 10 lại in hình chiếc cầu cong, tháp nghiêng Pisa với sự minh họa độ cong và độ nghiêng bởi các yếu tố xác định hình học.
Không chỉ thế, cũng ở sách giáo khoa Đại số 10, ngay trang đầu tiên của Bài 1, bài học được minh họa ban đầu bởi hai tranh vẽ lớn. Như thế, khi nhìn vào hai bức tranh sẽ gợi cho người đọc về trí tưởng tượng.
Tuy nhiên, Toán học là môn học tư duy chứ không phải là môn học về khả năng tưởng tượng. Do đó, sự minh họa này là không phù hợp về mặt khoa học.
Các lỗi về sách còn được bắt gặp ở nhiều cuốn sách giáo khoa khác nhau. Thậm chí có những lỗi rất "ngây ngô".
Thí dụ, khi chú thích về một bài thơ của Ba-sô, sách giáo khoa Ngữ Văn 10 ở trang 156 viết: "Đây là bài thơ Ba-sô làm trước khi mất."
Chú thích như thế thì "đúng quá" vì có nhà thơ nào sau khi mất mà vẫn làm được thơ đâu.
Ngoài các lỗi, sách giáo khoa hiện hành còn có những chỗ kiến thức sai.
Thí dụ, sách giáo khoa Hình học 11-Chương trình Nâng cao-Ban Khoa học tự nhiên trang 87 khẳng định như sau:
"Nhưng nói chung, không có mặt phẳng song song với ba đường thẳng phân biệt cho trước.".
Đây là một kết luận sai, ta có thể minh chứng sự sai của khẳng định này bằng sự minh họa và phân tích sau đây:
Thầy Trần Trí Dũng chứng minh khẳng định trong trang 87 sách giáo khoa Hình học 11-Chương trình Nâng cao-Ban Khoa học tự nhiên là sai. |
Không chỉ có những chỗ sai mà các bộ sách giáo khoa còn có những chỗ không có sự thống nhất về mặt kiến thức.
Cụ thể, Tích phân là một trong những phần toán cơ bản và quan trọng trong kiến thức Toán học trung học phổ thông. Tuy nhiên, giữa sách Giải thích 12-Chương trình Chuẩn và sách Giải thích 12-Chương trình Nâng cao-Ban KHTN có một nội dung sai lệch nhau.
Thầy Dũng chỉ ra cùng một nội dung nhưng hai cuốn sách về Giải tích lại khác nhau. |
Hay, cùng về một loại hóa chất nhưng cuốn Hóa học 11-Chương trình Chuẩn trang 126 nói dung dịch nước brom có màu nâu đỏ, còn cuốn Hóa học 11 Chương trình Nâng cao-Ban Khoa học tự nhiên trang 160 lại nói rằng dung dịch nước brom có màu vàng-da cam. Vậy sách nào đúng?
Cùng với các lỗi của sách là những sự chênh lệch về nội dung chương trình. Lượng kiến thức được đề cập sơ sài, có những nội dung được học ở môn học này thuộc các lớp học thấp hơn nhưng chỉ được giới thiệu ở môn học khác thuộc lớp học cao hơn khiến cho học sinh lúng túng, không thể áp dụng được.
Ngoài ra, sách giáo khoa còn dành nhiều dung lượng cho những phần kiến thức không cần thiết như ở sách Đại số 10-Chương trình Chuẩn đã có những phần dùng để hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính cá nhân trong tính toán.
Trên thực tế, các máy tính cá nhân đều đã có kèm theo bản hướng dẫn sử dụng khá chi tiết và đầy đủ.
Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Theo đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI cũng đã ra Nghị quyết số 29 về vấn đề này.
Sách trắc nghiệm Toán 12 do cán bộ Cục khảo thí "viết chui" có sai sót nguy hiểm (GDVN) - Đọc kĩ cuốn sách này mới thấy bộc lộ nhiều thiếu sót, rất nguy hiểm cho học sinh và giáo viên khi dạy học và thi cử. |
Một trong những mục tiêu được đặt ra là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Để đạt được những mục tiêu đó cần có sự đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy mà sách giáo khoa là một trong những công cụ để thực hiện.
Như thế, trong lộ trình đổi mới cần thiết phải tiến hành đổi mới sách giáo khoa là một trong những nội dung quan trọng đó.
Tuy nhiên, giáo dục cần có sự ổn định, sự thay đổi sách giáo khoa cũng là sự thay đổi về giáo dục.
Trong nội dung giáo dục, sách giáo khoa được xem là một công cụ và phương tiện quan trọng nhất dùng trong việc giảng dạy, học tập.
Sách giáo khoa là tài liệu chuẩn về kiến thức, cơ sở xác định kiến thức, từ đó có thể đánh giá nội dung giảng dạy và định lượng đào tạo.
Vì thế, chúng ta cần có những bộ sách giáo khoa chất lượng tốt, dùng ổn định thường xuyên.
Tại kỳ hợp thứ 2 Quốc hội khóa XVI vừa qua Quốc hội đã ra Nghị quyết là đến năm học 2018-1019 phải thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
Như thế, trong nhu cầu phát triển trí tuệ của con người, sách giáo khoa cũng cần phải thay đổi, nhưng đó là nhịp dài, ít nhất cũng phải là sau 20 năm hoặc 30 năm, có như thế mới thực sự là ổn định.
Theo thạc sĩ Doãn Minh Cường, một trong những tác giả viết cuốn sách giáo khoa Đại số 10, thì chỉ cần thay đổi một chữ trong sách giáo khoa cũng là cả một vấn đề.
Thực tế, sách giáo khoa vừa là người thầy, vừa là người bạn của học sinh. "Học thầy không tầy học bạn" và "muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi".
Ý nghĩa và vai trò của sách giáo khoa là thế, để có được những bộ sách giáo khoa tốt, chúng ta cần huy động những người tài giỏi về giáo dục trong cả nước tham gia viết.
Có như thế chúng ta mới có một nền giáo dục tốt, đảm bảo nâng cao và phát triển dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tốt cho xã hội.