Căng thẳng sẽ tiếp tục ở Biển Đông ngay cả khi Trung Quốc trả lại UUV cho Mỹ

19/12/2016 06:34
Hồng Thủy
(GDVN) - Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng, Hoa Kỳ không nên nhận, cứ để Trung Quốc giữ nó.

The Wall Street Journal ngày 18/12 bình luận, ảnh hưởng chính trị của vụ Trung Quốc bắt giữ trái phép một thiết bị lặn không người lái (UUV) Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ còn tiếp tục, ngay cả khi Bắc Kinh trả lại nó cho Mỹ.

Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu trên CNN ngày Chủ nhật, hành động này của Trung Quốc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Chính sách của Mỹ đã bị Trung Quốc xem thường:

"Không có sức mạnh trên một phần của Hoa Kỳ. Mọi người đang lợi dụng nó. Hy vọng điều này sẽ sớm thay đổi". [1]

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Chicago Sun-Times.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Chicago Sun-Times.

News.com.au ngày 19/12 dẫn nguồn tin AP cho hay, Trung Quốc đã đồng ý trả lại Mỹ thiết bị lặn không người lái bị họ đánh cắp ở Biển Đông, nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng, Hoa Kỳ không nên nhận, cứ để Trung Quốc giữ nó:

"Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng, chúng tôi không cần chiếc tàu lặn tự hành bị họ lấy trộm được trả lại, hãy để họ giữ nó", ông Trump viết trên Twitter. Trước đó ông Trump chỉ trích vụ bắt giữ trên Twitter rằng:

"Trung Quốc đánh cắp thiết bị lặn không người lái của hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế, kéo nó lên khỏi mặt nước và đưa nó tới Trung Quốc là hành động chưa từng có".

Vị trí vụ bắt giữ nằm ở vùng biển cách vịnh Subic, Philippines 92 km về phía Tây Bắc. Giá thành chế tạo một UUV loại này vào khoảng 150 ngàn USD.

Tiến sĩ Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao cho Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận xét, việc bắt giữ xảy ra ngay bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines chứ không phải của Trung Quốc.

Dường như nó là một sự vi phạm luật pháp quốc tế, mặc dù Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên Phán quyết Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã bác bỏ yêu sách này. [2]

Phản ứng của Philippines, Malaysia

Philippines Daily Inquirer ngày 19/12 cho biết, một nhóm nghị sĩ ủng hộ ông Rodrigo Duterte trong Hạ viện hôm Chủ nhật kêu gọi chính phủ có phản đối ngoại giao chính thức đến cả Hoa Kỳ và Trung Quốc vì "xâm nhập" vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Nhóm nghị sĩ này lập luận: Tàu thăm dò của hải quân Hoa Kỳ đã bị phát hiện hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, trong đó Manila có "quyền chủ quyền độc quyền".

Căng thẳng sẽ tiếp tục ở Biển Đông ngay cả khi Trung Quốc trả lại UUV cho Mỹ ảnh 2

Những bình luận đáng chú ý vụ Trung Quốc bắt UUV của Mỹ ở Biển Đông

(GDVN) - Phải điều chỉnh chính sách và chiến lược của Mỹ để phù hợp với thực tế này, và đảm bảo chúng ta có lực lượng quân sự, khả năng và tư thế cần thiết.

Trong khi Hoa Kỳ có quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, hành vi đó phải được thực hiện với sự quan tâm thích đáng đến lợi ích của các nước khác.

Mỹ không nên tiến hành thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và tàu Trung Quốc bắt giữ thiết bị lặn không người lái này của Mỹ cũng là điều đáng ngờ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Jay Batongbacal, một chuyên gia về an ninh hàng hải từ Đại học Luật Philippines nói với Philippines Daily Inquirer qua điện thoại:

"Chúng ta không thể yêu cầu họ rời khỏi đó. Chúng ta cũng không thể yêu cầu một lời giải thích vì theo UNCLOS có tự do hàng hải trong khu vực này.

Những hành động của Mỹ và Trung Quốc vừa qua không thuộc thẩm quyền của Philippines".

Ông chia sẻ thêm, việc Tổng thống Duterte nói ông sẽ "gác sang một bên" Phán quyết Trọng tài 12/7, tương đương với việc bỏ rơi hoạt động tuyên truyền cho hành xử theo pháp luật:

"Đó là sự chấp nhận thực trạng, khu vực chỉ tuân theo các chính sách thực dụng, pháp luật thuộc về kẻ mạnh". [3]

Tờ Today Online của Singapore ngày 19/12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein hôm qua kêu gọi, ASEAN cần đoàn kết với nhau để ngăn chặn mệnh lệnh chính trị của các siêu cường trong khu vực Biển Đông:

"Khi chỉ có một mình, chúng ta không thể đối mặt với họ. Nhưng nếu có một liên minh giữa 10 quốc gia, tôi tự tin rằng ngay cả Trung Quốc cũng không thể xem nhẹ hay bỏ qua lập trường của chúng ta".

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đưa ra những bình luận như trên về vụ hải quân Trung Quốc bắt giữ một thiết bị lặn không người lái của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Ông cho hay, Malaysia vẫn kiên quyết chống lại việc leo thang triển khai vũ khí trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, cho dù là chống lại Hoa Kỳ và Trung Quốc. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.wsj.com/articles/tensions-linger-over-seizure-of-survey-drone-in-south-china-sea-1482086615

[2]http://www.news.com.au/world/asia/donald-trump-us-should-let-china-keep-drone-seized-in-south-china-sea/news-story/fe9c7dd235ee4a4696203c5c0e6e92b5

[3]https://globalnation.inquirer.net/150870/govt-urged-file-diplomatic-protests-vs-china-us

[4]http://www.todayonline.com/world/asia/malaysia-calls-asean-support-against-beijing-over-s-china-sea

Hồng Thủy