Công nghiệp môi trường cần hướng đến công nghệ thế hệ 4.0

21/02/2017 07:20
Mai Anh
(GDVN) - GS.Nguyễn Mại cho rằng, ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam cần đi vào thị trường ngách, hướng đến công nghệ hiện đại nhất, công nghệ thế hệ 4.0.

Thể hiện nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam

Theo GS.Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 là bước đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Trong đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới.

Công nghệ xử lý rắc thải bằng khí tự nhiên tại huyện Tân Yên, tỉnh Băc Giang - ảnh nguồn Báo Bắc Giang
Công nghệ xử lý rắc thải bằng khí tự nhiên tại huyện Tân Yên, tỉnh Băc Giang - ảnh nguồn Báo Bắc Giang

Cụ thể, đề án chỉ rõ cần đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ. Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh…

GS.Nguyễn Mại cho biết: “Hiện nay các nước trên thế giới đều hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển kinh tế đi cùng với bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, ngay Nghị quyết số 06-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nêu rõ yêu cầu giải quyết tốt các vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế.

Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu triển khai mạnh mẽ các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gây ô nhiễm.

Hạn chế, tiến tới ngăn chặn hoàn toàn tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu công nghiệp, khu đô thị và bờ biển. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn...

Đồng thời triển khai nhanh lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, nhất là ở các đô thị lớn. Khai thác, sử dụng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và đối với môi trường.

“Tất cả yêu cầu đó hướng đến một nền kinh tế xanh, một nền kinh tế phát triển bền vững”, GS.Mại nhấn mạnh.

GS.Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ảnh nguồn Vietnamplus.
GS.Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ảnh nguồn Vietnamplus.

Mặt khác, GS. Nguyễn Mại cũng cho biết, cuối tháng 10 năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị quyết số 93/NQ-CP phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu).

GS. Mại cho rằng, đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam là việc làm cụ thể hóa cam kết của chúng ta nhằm thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. 

Qua đó thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trong việc cùng cộng đồng quốc tế tìm ra biện pháp bảo vệ môi trường, chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên khía cạnh kinh tế, GS.Nguyễn Mại nhận định, nhiều nước tiên tiến đã sớm đầu tư vào ngành công nghiệp môi trường. Vì thế việc Việt Nam đưa ra đề án lúc này tuy không sớm nhưng vẫn còn nhiều cơ hội phát triển, cạnh tranh, mở ra một ngành mới nhiều tiềm năng.

“Ngành công nghiệp môi trường mở ra hướng phát triển kinh tế mới, có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong xuất khẩu nếu chúng ta sản xuất và cung cấp cho thế giới những thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường hiện đại, thông minh”, GS.Mại nhận định.

Hướng đến công nghệ 4.0

Phân tích ngành công nghiệp môi trường, ở khía cạnh đầu tư GS. Mại cho rằng, đây là ngành còn nhiều tiềm năng nhất là khi vấn đề ô nhiễm môi trường trên thế giới ngày càng lớn.

Công nghiệp môi trường cần hướng đến công nghệ thế hệ 4.0 ảnh 3

Phát triển kinh tế, nhưng không thể hủy hoại môi trường

Công nghiệp môi trường cần hướng đến công nghệ thế hệ 4.0 ảnh 4

Kiên quyết không cấp phép đầu tư dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao

Hiện tượng nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu tác động đến nền kinh tế của tất cả các nước. 

Riêng tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu công nghiệp, chế xuất, đặc biệt sau những sự cố môi trường như Vedan, Formosa...Cũng đặt ra thách thức với Việt Nam trong vấn đề xử lý chất thải, nước thải.

“Trong công nghiệp môi trường cũng giống như các ngành khác có nhiều lĩnh vực với công nghệ khác nhau. Vấn đề là lựa chọn của chúng ta.

Theo tôi trong công nghệ môi trường chúng ta cần lựa chọn thị trường ngách, tập chung vào một số lĩnh vực và đặc biệt cần nghiên cứu đưa vào công nghệ tự động hóa kết nối thông minh”, GS.Mại đề xuất.

Theo GS.Nguyễn Mại, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam trước hết cần phát triển đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường cho sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia, tiến tới không nhập khẩu sản phẩm, máy móc, thiết bị bảo vệ môi trường từ các nước đã là một thành công.

Nhìn rộng ra sự phát triển kinh tế thế giới, theo GS.Nguyễn Mại cụm từ “cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4” hay “công nghệ 4.0” đã không còn mới lạ.

Điều đó cho thấy, sự phát triển của thế giới đang hướng đến viễn cảnh  các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa.

Vì thế để cạnh tranh được chúng ta phải đưa ngành công nghiệp môi trường phát triển theo hướng công nghệ thông minh, tiên tiến nhất.

Lĩnh vực công nghệ môi trường theo GS.Nguyễn Mại cũng như công nghệ thông tin rất rộng lớn nếu chúng ta bắt đầu muộn nhưng lại chọn hướng nghiên cứu xuất sản phẩm công nghệ như Samsung hay Apple thì không thể cạnh tranh được mà phải đi vào thị trường ngách.

Do đó trong công nghệ môi trường phải đi vào thị trường ngách, thí dụ đi vào phát triển công nghệ xử lý nước thải. Tập chung nghiên cứu đưa ra thiết bị,  phương tiện, dụng cụ xử lý nước thải với tiêu chuẩn cao, có sức cạnh tranh.

Cũng theo GS.Mại khi có sản phẩm tốt, công nghệ thông minh và giá thành cạnh tranh, chúng ta có thể xuất khẩu.

Xuất khẩu mặt hàng này chúng ta có thể nhập mặt hàng khác để phục vụ trong nước thay vì sản xuất tất cả các hàng hóa nhưng không đáp ứng được cả tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu.

Mai Anh