Giảm tải chương trình môn tiếng Việt lớp 1, ý kiến giáo viên

02/04/2020 06:37
Phan Tuyết
(GDVN) - Môn học nào, bậc học nào cũng có thể giảm tải nội dung kiến thức nhưng riêng với môn tiếng Việt lớp 1 thì tuyệt đối không nên tí nào.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc học của học sinh các cấp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hướng dẫn cách giảm tải ở môn tiếng Việt lớp 1 (Ảnh tác giả).
Hướng dẫn cách giảm tải ở môn tiếng Việt lớp 1 (Ảnh tác giả).

Sau nhiều lần dời chuyển thời gian kết thúc năm học thì ngày 31/3 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra kế hoạch hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ 2 năm học 2019-2020.

Tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Các nội dung cơ bản được giữ để đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông;

Chỉ tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng và vận dụng cao.

Một số nội dung, yêu cầu trong bài học được giảm tải; một số bài học được chuyển thành bài tự chọn, bài tự học ở nhà hoặc không tổ chức dạy học; các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề được ghép thành một bài học theo chủ đề.

Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý đối với môn Tiếng Việt lớp 1, căn cứ vào trình độ học sinh và giáo viên, các nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt lớp 1 một cách chắc chắn.

Văn bản cũng nêu rõ: “Không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2”.

Giảm tải chương trình môn tiếng Việt lớp 1, ý kiến giáo viên ảnh 2
Hướng dẫn điều chỉnh nội dung 9 môn học ở bậc tiểu học

Thế nhưng, để thực hiện được chỉ đạo này của Bộ Giáo dục lại chẳng hề đơn giản đối với học sinh lớp 1.

Đặc biệt là khi chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về những điều chỉnh trong nội dung dạy học Bộ Giáo dục vừa ban hành.

Điều chỉnh nội dung môn tiếng Việt lớp 1 kiểu cơ học thế này thật đáng lo ngại

Môn tiếng Việt lớp 1 được hướng dẫn điều chỉnh từ tuần 19 đến tuần 35. Nội dung điều chỉnh đối với những bài dạy vần chủ yếu là: Giảm phần Luyện nói; Chuyển nội dung tập viết trên bảng con và tập viết trên vở ô li sang giờ Tập viết.

Ví dụ: Tuần 22:  Bài 91: oa, oe; Bài 92: oai, oay; Bài 93: oan, oăn; Bài 94: oang, oăng;

Nội dung giảm: Giảm phần Luyện nói; Chuyển nội dung tập viết trên bảng con và tập viết trên vở ô li sang giờ Tập viết.

Bài 90: Ôn tập nên nội dung giảm: Giảm yêu cầu kể toàn bộ câu chuyện, chuyển thành yêu cầu trả lời câu hỏi hoặc kể một đoạn truyện.

Sang phần Tập đọc nội dung giảm chủ yếu tìm tiếng trong bài, tìm tiếng ngoài bài…

Phần Kể chuyện: Giảm yêu cầu kể toàn bộ câu chuyện, chuyển thành yêu cầu trả lời câu hỏi hoặc kể một đoạn truyện.

Đây là kiểu giảm nội dung một cách cơ học làm vỡ mạch logic của bài dạy, điều này tối kị với học sinh lớp 1.

Chưa kể, trong thời khóa biểu của học sinh lớp 1 trong nhà trường thường không có tiết dạy Tập viết chính khóa mà thường là tiết dạy bổ sung (kiểu luyện viết thêm).

Trong khi đó, những nội dung viết bảng con, viết vở ô ly được giáo viên thực hiện ngay trong các giờ học âm, vần. Nay, Bộ yêu cầu bỏ phần tập viết trong giờ học để chuyển sang giờ tập viết liệu có hợp lý không?

Khi cung cấp cho học sinh những âm vần mới, giáo viên sẽ cho học sinh luyện đọc, luyện phát âm và sẽ củng cố bằng việc ghép bảng gài, viết bảng con và vở ô ly nhằm khắc sâu âm vần đã học.

Đồng thời thông qua hoạt động viết, học sinh sẽ biết viết các âm vần ấy đúng theo yêu cầu, cũng là cách rèn viết thông qua rèn đọc.

Sau mỗi bài học âm vần, học sinh sẽ có ít phút luyện nói. Hoạt động này đã giúp các em khắc sâu bài học, rèn cho học sinh khả năng trình bày, khả năng tương tác với bạn, phát huy sự tự tin và biết ứng phó với tình huống xảy ra.

Nay, Bộ Giáo dục yêu cầu giảm tải hoạt động luyện nói, học sinh chỉ còn học một cách thụ động.

Giải pháp nào để học sinh lớp 1 biết đọc và biết viết?

Giảm tải chương trình môn tiếng Việt lớp 1, ý kiến giáo viên ảnh 3
Bộ trưởng Nhạ: Tinh giản nội dung nhưng không buông lỏng chất lượng

Muốn học sinh lớp 1 biết đọc biết viết không thể thực hiện việc giảm tải kiểu cơ học như thế mà cần tăng thời lượng học môn tiếng Việt cho các em bởi các lý do sau:

Thứ nhất, học sinh của các địa phương hiện đã học xong tuần 20 (có nơi tuần 21, 22).

Các em đã học xong vần âm và một số vần vần đơn giản, viết tiếng, từ. Kiến thức học kỳ 2 khá nặng (âm vần khó và đọc bài tập đọc, viết câu, bài).

Thứ hai, thời gian nghỉ học quá lâu (hơn 2 tháng và chưa biết bao giờ đi học lại) nên nhiều em đã quên gần hết kiến thức đã học.

Ngày đi học lại, giáo viên còn phải mất cả tuần chỉ để ôn tập lại giúp các em bắt nhịp với mạch kiến thức mới.

Do đó, cần phải tăng thời lượng học môn tiếng Việt lớp 1 và giảm thời lượng một số môn học khác. Thế nhưng tăng, giảm thời lượng bằng cách nào?

Với trường học dạy 2 buổi/ngày sẽ có khá nhiều thời gian để sắp xếp tăng tiết tiếng Việt và giảm một số tiết của môn học khác cho học sinh lớp 1.

Ví như lấy các tiết bổ sung của một số môn như Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, tiết sinh hoạt tập thể bổ sung…để tăng cường dạy tiếng Việt.

Với trường học 1 buổi/ngày nhà trường cần chủ động ghép bài của những môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thủ công, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Thể dục…để dành tiết cho tiếng Việt lớp 1.

Bên cạnh đó, mỗi tuần cần dạy thêm 1 buổi vào thứ 7 cũng chỉ dành dạy riêng môn tiếng Việt.

Học sinh hoàn thành chương trình lớp 1 phải đọc thông viết thạo. Nếu không đạt được điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của những môn học khác.

Lớp 1 đọc yếu, viết yếu lên lớp 2 rồi lớp 3, lớp 4...cũng sẽ khó có cơ hội giúp các em đọc tốt. Và như thế chất lượng học tập của học sinh ở những lớp học này sẽthật sự đáng lo ngại.

Vì thế, môn học nào, bậc học nào cũng có thể giảm tải nhưng riêng với môn tiếng Việt lớp 1 thì tuyệt đối không nên tí nào. 

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/huong-dan-dieu-chinh-noi-dung-9-mon-hoc-o-bac-tieu-hoc-post208248.gd

Phan Tuyết