Một số khó khăn trong việc áp dụng thể chế Hội đồng trường (2)

27/06/2020 05:50
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề Hội đồng trường cũng là một trong các vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất khi xây dựng Luật Giáo dục đại học.

(Tiếp theo phần 1)

4. Một số khó khăn trong việc áp dụng thể chế Hội đồng trường và phương hướng khắc phục

Thể chế Hội đồng trường đã được đưa vào Điều lệ trường đại học của Việt Nam từ năm 2003 nhưng cho đến năm 2010 trong cả nước chỉ khoảng 10 trường đại học có Hội đồng trường.

Vấn đề Hội đồng trường cũng là một trong các vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất khi xây dựng Luật Giáo dục đại học.

Sau khi được tiếp tục khẳng định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Điều lệ trường đại học năm 2014, Hội đồng trường mới được thành lập ở nhiều trường đại học (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho đến tháng 3 năm 2017 trong tổng số 169 cơ sở đại học công lập có 58 cơ sở có Hội đồng trường, chiến 34%).

Tuy số lượng Hội đồng trường có tăng nhưng tác dụng của Hội đồng trường cũng còn rất nhiều hạn chế, có thể do các nguyên nhân sau đây:

Cơ chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc” vô hiệu hóa tác dụng của Hội đồng trường.

Thông thường bộ chủ quản chi phối mọi hoạt động của trường trực thuộc, đặc biệt là các quyết định quan trọng về tài chính và nhân sự cấp cao của trường.

Với sự chi phối đó trường không còn mảnh đất nào để tự chủ và tất yếu dẫn đến cơ chế “xin, cho”.

Cộng đồng đại học thế giới quan niệm quyền tự chủ gắn với trường đại học từ khi có khái niệm trường đại học. (Ảnh minh họa, nguồn: Trường Đại học Tôn Đức Thắng)

Cộng đồng đại học thế giới quan niệm quyền tự chủ gắn với trường đại học từ khi có khái niệm trường đại học. (Ảnh minh họa, nguồn: Trường Đại học Tôn Đức Thắng)

Khi luận bàn về quyền lực và trách nhiệm của Hội đồng trường, người ta thường nói quyền lực và trách nhiệm quan trọng nhất của nó là lựa chọn hiệu trưởng, và “Hội đồng trường chỉ có một người thừa hành duy nhất là hiệu trưởng” [John Carver, 2006], do đó khi quyền này thuộc về Bộ chủ quản thì thực tế Hội đồng trường đã bị vô hiệu hóa.

Có thể nêu một ví dụ: theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thể hiện ở Quyết định 7939/QD-BGĐT ngày 20/11/2008, quyền đề cử hiệu trưởng các trường đại học trực thuộc Bộ vẫn là chức năng của Vụ Tổ chức và Cán bộ của Bộ chứ không thuộc chức năng của Hội đồng trường.

(Ngày 24/9/2019, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Nghị quyết số 516-NQ/BCSĐ về việc phân cấp xem xét, phê duyệt quy hoạch cán bộ của các cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã giao quyền cho hội đồng trường - Biên tập viên chú thích).

Như vậy, sự không nhất quán về pháp quy là một trong những lý do vô hiệu hóa tác dụng của Hội đồng trường.

Việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản cần được thực hiện theo hướng đã được đề xuất trong Nghị quyết 14/2005/NQ-CP đã nêu ở mục 3 và xem xét xóa bỏ tính không nhất quán về các các văn bản pháp quy.

Vị thế của chủ tịch Hội đồng trường thường thấp hơn vị thế của hiệu trưởng cũng làm yếu Hội đồng trường.

Từ thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 3/2017 trong 16 Hội đồng trường của các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có 12 người là trưởng khoa hoặc trưởng phòng của trường, 4 người là phó hiệu trưởng trước đây.

Rõ ràng “vị thế” của chủ tịch Hội đồng trường như vậy tất yếu ảnh hưởng đến “vị thế” của bản thân Hội đồng trường.

Rõ ràng để Hội đồng trường hoạt động đúng tầm cần lựa chọn chủ tịch Hội đồng trường có vị thế ít nhất ngang hàng với hiệu trưởng.

Chưa có quan niệm thống nhất về chức năng khác nhau của của Đảng ủy và của Hội đồng trường.

Một lập luận phổ biến là, khi đã nói Đảng lãnh đạo toàn diện thì Hội đồng trường là không cần thiết, vì sự lãnh đạo của Hội đồng trường sẽ chồng chéo với sự lãnh đạo của Đảng ủy cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, có hai ý kiến phản bác lại lập luận này.

Một là, Hội đồng trường là đại diện của của sở hữu cộng đồng, bao gồm các phía có lợi ích liên quan của cả bên trong và bên ngoài trường đại học, còn Đảng ủy chỉ đại diện cho tổ chức Đảng bên trong nhà trường.

Hai là, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực, lãnh đạo cụ thể, còn Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị tư tưởng.

Hơn nữa, trong một hội thảo về quản trị giáo dục đại học, một cán bộ cao cấp chuyên nghiệp của Đảng đã phân tích như sau:

Đảng lãnh đạo dựa vào hệ thống giá trị mà Đảng theo đuổi chứ không phải dựa vào sự áp đặt bằng quyền lực. Hội đồng trường là một thực thể quyền lực.

Sự lãnh đạo của Đảng ủy sẽ hỗ trợ những quyết định đúng đắn của Hội đồng trường và ngăn chặn những quyết định không đúng đắn, do đó sẽ tạo sự đồng thuận trong nhà trường để nhà trường phát triển tốt.

Nếu Đảng ủy dùng quyền lực của mình khi lãnh đạo trường đại học thì sẽ dễ bị thoái hóa. Chính trong thời kỳ hoạt động bí mật uy tín và hiệu quả lãnh đạo của Đảng rất cao vì phong cách lãnh đạo dựa vào hệ thống giá trị nói trên chứ không dựa vào quyền lực.

Quy định bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch Hội đồng trường như Nghị quyết 19-NQ/TW là phương hướng hợp lý để khắc phục mâu thuẫn trên đây.

Tuy nhiên, muốn vậy, khi bầu cử bí thư Đảng ủy cần chú ý lựa chọn ứng viên có trình độ khoa học thích hợp.

Nhận thức của bản thân các thành viên Hội đồng trường còn hạn chế

Thật vậy, phần lớn các thành viên Hội đồng trường chưa hiểu rõ chức năng và thể thức hoạt động của Hội đồng trường cũng như trách nhiệm của từng thành viên.

Quản trị là một khoa học. Sau khi thành lập Hội đồng trường, rất cần tổ chức các hội thảo hoặc các lớp tập huấn cho các thành viên Hội đồng trường trao đổi về cách thức hoạt động của Hội đồng trường và quan hệ giữa Hội đồng trường và bộ máy điều hành nhà trường.

5. Thể chế vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện

Mặc dù có những giải pháp cố gắng xử lý các vấn đề thể chế Hội đồng trường như đã nêu ở các mục 3 và 4, nhiều cản trở và khó khăn vẫn tiếp tục nảy sinh.

Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này ở chỗ đây là cơ chế tạo nên sự di chuyển về quyền lực, không phải bộ phận nào trong hệ thống giáo dục đại học cũng dễ dàng chấp nhận sự dịch chuyển ấy, nên nảy sinh nhiều phản ứng không thuận lợi ở nhiều cấp độ khác nhau.

Các phản ứng này có thể liên quan đến nhận thức, cũng có thể gắn với lợi ích nhóm.

Hãy lấy một ví dụ liên quan đến Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học năm 2018 vừa mới ban hành ngày 30/12/2019.

Ở Điều 7 của Nghị định nói trên vẫn quy định cơ quan chủ quản (tuy gọi chệch là cơ quan quản lý trực tiếp) có nhiều quyền quyết định bên trên Hội đồng trường chứ không phải chỉ cử đại diện tham gia Hội đồng trường.

Ví dụ này chứng tỏ những người soạn thảo Nghị định do những lý do khác nhau không thật thấm nhuần những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc đảm bảo cho “Hội đồng trường là cơ quan có thực quyền cao nhất của trường đại học” như đã nêu ở mục 3.

***

Cộng đồng đại học thế giới quan niệm quyền tự chủ gắn với trường đại học từ khi có khái niệm trường đại học.

Vận dụng kinh nghiệm thế giới, khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cũng được đưa vào giáo dục đại học nước ta từ thập niên đầu của thời kỳ đổi mới.

Việc hoàn thiện cơ sở pháp quy để thực thi quyền tự chủ của trường đại học, đặc biệt là thể chế Hội đồng trường, là một quá trình, diễn ra suốt hai thập niên vừa qua.

Tuy nhiên, đây là một quá trình di chuyển quyền lực nên nó không xảy ra đơn giản, mà thực chất là một quá trình đấu tranh để khẳng định quyền lực.

Quá trình đấu tranh đó sẽ làm cho hệ thống giáo dục đại học nước ta ngày càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Tài liệu dẫn:

1. The History of Higher Education, 1997. ASHE Reader Series, Simon & Schuster Custom Publishing.

2. Lâm Quang Thiệp, 2018. “Humboldt, Hoa Kỳ và Giáo dục đại học Việt Nam”, trong “Nghiệp vụ sư phạm đại học”, NXB Giáo dục. Có thể xem ở https://drive.google.com/file/d/1nDEKZKJ4qivdn4h3U1veiHa5d_MCAvjB/view

3. Lâm Quang Thiệp, 2013. "Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học công lập nước ta". Báo cáo thường niên giáo dục Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. John Carver, Miriam Carver, 2006. Reinventing Your Board. Jossey-Bass Publishers.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp