Cần có cơ chế miễn nhiệm với thành viên Hội đồng trường hoạt động không hiệu quả

27/09/2024 15:27
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -“Có những thành viên ngoài trường không tham gia cuộc họp nào cả, không có đóng góp gì nhưng HĐT không có đánh giá và cũng không có cơ chế miễn nhiệm, thay thế…”

Đó là một trong những bất cập được Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra trong bài tham luận về “Tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường cơ sở giáo dục đại học công lập”, trong khuôn khổ tọa đàm “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường giai đoạn mới” do câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức.

"Có những thành viên ngoài trường không tham gia cuộc họp nào cả..."

GDVN-ht-clb ct hđt (10).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Doãn Nhàn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc, tự chủ đại học trên thế giới diễn ra từ rất sớm. Tại Việt Nam cũng đã có những bước tiến trong việc thực hiện tự chủ đại học, bắt đầu từ Luật Giáo dục đại học 2012 và đặc biệt từ năm 2018, với sự ra đời của Luật 34.

Nhiều nước trên thế giới cũng có các mô hình tương tự ở nước ta, như Nhật Bản, trong đó cơ quan chủ quản dần chuyển giao vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền cho Hội đồng trường.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc đánh giá, đến nay hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường. Trong đó, các Hội đồng trường đã bước đầu thực hiện tốt các chức năng, trách nhiệm và thẩm quyền được giao. Hệ thống quy định cơ bản đảm bảo theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng trường.

GDVN-ht-clb ct hđt (8).jpg
Toàn cảnh tọa đàm “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường giai đoạn mới” do câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức sáng nay (27/9). Ảnh: Doãn Nhàn

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc vẫn trong thực tiễn triển khai.

Đó là bối cảnh chuyển đổi sang cơ chế tự chủ của toàn hệ thống. Trong đó, ở giai đoạn đầu thực hiện, các trường đại học, các bộ/ngành đâu đó có sự lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn đối với việc thành lập, vận hành Hội đồng trường.

Bên cạnh đó, hệ thống quy định về cơ sở giáo dục đại học là đơn vị sự nghiệp công lập còn chồng chéo, chưa đồng bộ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và tài sản.

Sự quan tâm, sát sao chỉ đạo, phân định thẩm quyền của cơ quan chủ quản còn bất cập, thiếu thống nhất…

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc phân tích, hiện có cả nước có 174 cơ sở giáo dục đại học công lập với rất nhiều những cơ quan chủ quản (cơ quan quản lý trực tiếp). Có trường trực thuộc các bộ, có trường trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh. Như vậy, có sự khác nhau về cơ quan chủ quản. Về tổ chức Đảng cấp trên cũng có sự khác nhau, có trường thuộc Ban cán sự đảng, có trường trực Đảng ủy khối, mặc dù có thể đóng trên cùng một địa bàn. Do đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt trong công tác cán bộ sẽ có sự không đồng bộ giữa các đơn vị.

Dù vậy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Viết Lộc cũng cho biết, hiện chưa có giải pháp tối ưu cho vấn đề này, bởi “chẳng hạn nếu đưa tất cả các trường về Ban cán sự đảng hay là Đảng ủy khối thì cũng không hợp lý khi các trường hiện nay đóng trên các địa bàn, các địa phương khác nhau”.

Một điểm bất cập cũng được Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc đề cập đến, đó là Hội đồng trường được giao rất nhiều quyền (về tổ chức, nhân sự, tài chính…) trong khi năng lực thực hiện chưa tương xứng.

Ngoài ra, hiện một số cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện chủ trương Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường. Việc xây dựng và cập nhật hệ thống văn bản quản lý điều hành còn hạn chế.

Vẫn còn có sự lúng túng trong “tự chủ”, trong tổ chức và hoạt động, hay trong phân định trách nhiệm, quyền hạn của Đảng uỷ, Hội đồng trường, Ban giám hiệu…; chưa thực hiện đúng, đủ, phù hợp về trách nhiệm, quyền hạn.

Ngoài ra, năng lực, ý thức trách nhiệm… ở một số Chủ tịch, thành viên Hội đồng trường còn hạn chế, chưa tương xứng với “tự chủ”, trách nhiệm, quyền hạn…

“Chúng tôi cũng thấy rằng có một số Hội đồng thường, có những thành viên ngoài trường không tham gia cuộc họp nào cả, không có đóng góp gì nhưng Hội đồng trường không có đánh giá và cũng không có cơ chế để làm sao miễn nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng trường mới để có đóng góp tốt hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc nêu thực tế.

Xây dựng quy định về tương đương để tạo tiền đề cho công tác nhân sự

GDVN-ht-clb ct hđt (9).jpg
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại toạ đàm. Ảnh: Doãn Nhàn

Trước những khó khăn, hạn chế trên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Viết Lộc gởi mở một số hướng giải quyết mang tính căn cơ, bền vững và toàn diện.

Trong đó, đối với vấn đề thực hiện chủ trương Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc nhấn mạnh cần sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của tổ chức đảng cấp trên. Đồng thời, phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể phù hợp (chuẩn bị nhân sự, thời gian…).

"Liên quan đến các quy định tương đương, hiện nay tôi thấy một số bộ, ngành chưa có quy định này. Vì vậy, theo tôi các thầy cô cần kiến nghị với cơ quan chủ quản nhanh chóng quy định tương đương để làm tiền đề cho vấn đề quy hoạch cán bộ.

Bởi nếu không có quy hoạch thì chúng ta không có nguồn để chúng ta chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, kể cả về công tác Đảng, lẫn công tác Hội đồng trường, lãnh đạo nhà trường", Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc nhấn mạnh.

Liên quan đến vướng mắc do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc gợi mở hướng giải quyết thông qua việc rà soát hệ thống quy chế để cập nhật quy định.

Đồng thời, tăng cường kiến nghị cấp có thẩm quyền về sửa đổi quy định, và phải có trách nhiệm trong góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp lý.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc cũng nhấn mạnh tới việc thực hiện đúng, đủ, phù hợp trách nhiệm, quyền hạn Hội đồng trường. Theo đó, rà soát quy định để phân định trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường - Đảng uỷ - Ban giám hiệu (ban hành quy chế phối hợp, đưa vào các văn bản quản lý, điều hành)

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc cũng đề xuất cần có bộ phận giúp việc Hội đồng trường chịu trách nhiệm xác định thẩm quyền, nội dung… ở các kỳ họp. Tổ chức đánh giá, sơ - tổng kết định kỳ hoạt động để hoàn thiện. Khảo sát, nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài nước để học hỏi

Đối với mối quan hệ Đảng uỷ - Hội đồng trường - Ban giám hiệu, Vụ trưởng Nguyễn Viết Lộc gợi mở giải pháp vận hành cơ chế “quản trị” trường hiệu quả thông qua hệ thống quy chế tổ chức hoạt động, hệ thống văn bản quản lý, điều hành,… hướng tới mục tiêu chiến lược phát triển dựa trên vai trò điều hành của Hiệu trưởng và vai trò định hướng, giám sát của Hội đồng trường.

Trên cơ sở đó, cần xây dựng quy chế phối hợp Đảng uỷ - Hội đồng trường - Ban giám hiệu; Quy chế làm việc của Hội đồng trường (trong đó quy định rõ trách nhiệm các thành viên…). Định kỳ rà soát, đánh giá hoạt động phối hợp.

Cuối cùng, liên quan đến hạn chế khi Hội đồng trường không có cơ quan tham mưu, giúp việc, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc đề xuất giải pháp lập kế hoạch giao cho hiệu trưởng xây dựng đề án trình. Đồng thời, tổ chức quy trình thẩm định đảm bảo tính độc lập. Hội đồng trường ban hành hoặc ủy quyền ký ban hành.

Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm, đóng góp… của thành viên Hội đồng trường, quy chế làm việc Hội đồng trường phải quy định rõ trách nhiệm, kỷ luật…, thay thế kịp thời thành viên không đáp ứng được yêu cầu; Thành lập Thường trực Hội đồng trường, Bộ phận kiểm soát…

Doãn Nhàn