Phòng tránh ngộ độc thực phẩm, cần sự chung sức của cả cộng đồng

19/09/2020 21:19
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đẩy lùi ngộ độc thực phẩm không chỉ là nỗ lực của ngành y tế mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Vừa khai giảng được 4 ngày thì tại Trường Tiểu học Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Theo đó, sau bữa ăn ngày 9/9, 22 học sinh trường Tiên Dương có triệu chứng nôn, đau bụng, đi ngoài, trong đó có 7 học sinh phải nhập Bệnh viện Đa khoa Đông Anh khám và điều trị.

Đến sáng 10/9, có 58 học sinh vắng mặt không đến lớp, trong đó có 48 học sinh vẫn còn một số biểu hiện triệu chứng như buồn nôn, sốt và đi ngoài.

Hai ngày sau nhiều học sinh Trường tiểu học Lê Hữu Tựu cũng tại huyện Đông Anh (Hà Nội) nhập viện điều trị vì ngộ độc sau bữa ăn tại trường.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc và đang trong quá trình xử lý hậu quả vụ việc. Dư luận cũng đang chờ đợi cơ quan chức năng đánh giá đúng mức trách nhiệm của những cá nhân và tập thể liên quan, không để vụ việc "chìm xuồng".

Trường Tiểu học Tiên Dương xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm chỉ 4 ngày sau khai giảng. Ảnh: Tùng Dương.

Trường Tiểu học Tiên Dương xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm chỉ 4 ngày sau khai giảng. Ảnh: Tùng Dương.

Liên tiếp từ ngày 13/9 – 14/9, một số giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2, Thành phố Hồ chí Minh) đến khám và nhập viện tại bệnh viện Quận 2 với biểu hiện sốt, đau bụng, tiêu chảy.

Đã có 32 trường hợp nhập viện, gồm 30 học sinh, 1 giáo viên và 1 bảo mẫu.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đã từng xảy ra.

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 31/5, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong.

So sánh với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người.

Cũng theo theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2015-2019, số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình/năm, số người mắc, số người nhập viện và tử vong trung bình/năm đều giảm so với giai đoạn 2010-2014.

Tính chung từ năm 2010 - 2019, cả nước ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 47.400 người mắc; trong đó có 271 người chết, gần 40.190 người phải nhập viện điều trị.

Phân tích từ 1.604 vụ ngộ độc được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2020, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%)…

Đối với các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp, từ năm 2010 đến năm 2019, cả nước ghi nhận 149 vụ với 10.847 người mắc, 9.889 người nhập viện. Trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với 1.135 người mắc và 1.084 người nhập viện.

Các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp xảy ra nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Bộ và Bắc Bộ, tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (đặc biệt là giai đoạn 2015-2019).

Học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông với các dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Quận 2. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông với các dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Quận 2. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Trong một thông cáo báo chí của WHO, với sự đánh giá trên toàn cầu về vấn đề ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng hàng năm. Họ phát hiện gần 1/10 dân số thế giới, hay nói một cách khác khoảng 600 triệu người mắc bệnh do thức ăn độc hại và kết quả theo báo cáo là có 420.000 người tử vong, bi thảm là 1/3 trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi.

Điều đó cho thấy, ngộ độc thực phẩm đang là vấn nạn mà chúng ta phải đối mặt. Để đẩy lùi được đòi hỏi sự quyết tâm của cả cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học... vẫn có thể xảy ra.

Một trong những vấn đề đáng chú ý là việc các bếp ăn tập thể sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không bảo đảm an toàn.

Mối nguy lớn nhất chính là từ các suất ăn chế biến sẵn. Qua kiểm tra giám sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến.

Để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ đặc trách nắm chắc các đối tượng, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp đối với từng khu chế xuất, khu công nghiệp, từng bếp ăn tập thể.

Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất chính sách can thiệp về giá thành tối thiểu, khuyến cáo về định mức dinh dưỡng của một suất ăn sẵn cho công nhân. Bởi nếu công nhân ăn uống không đủ chất hay ngộ độc thực phẩm là những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho đơn vị, ký cam kết giữa doanh nghiệp với y tế địa phương, Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp.

Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở chế biến thực phẩm, công khai các vi phạm.

Trần Phương