Chuyên gia "mách" cách cứu các trường cao đẳng sư phạm, đại học địa phương

11/10/2020 06:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm tại trường cao đẳng sư phạm địa phương + 1 năm tại trường đại học sư phạm trọng điểm.

Trước những nguy cơ về trường cao đẳng sư phạm, đại học địa phương đã được nêu ở bài viết trước, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã đưa ra một vài kiến nghị.

Riêng đối với hệ thống trường cao đẳng sư phạm địa phương, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, cần duy trì việc phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (kể cả việc giao chỉ tiêu và phân công công tác sau tốt nghiệp) cho các địa phương như vẫn làm từ trước tới nay.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp nắm một hệ thống trường sư phạm tập trung (thông qua 10 trường sư phạm trọng điểm) để đào tạo tất cả giáo viên phổ thông là không khả thi.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

“Kinh nghiệm nhiều năm quản lý hoạt động sư phạm cho phép chúng tôi có thể khẳng định không nên xóa đi hệ thống sư phạm địa phương.

Chúng tôi rất lo ngại khi nhu cầu giáo viên phổ thông tăng đột ngột (như đã xảy ra nhiều lần trong 60 năm qua) thì lấy đâu ra các trường sư phạm địa phương để đáp ứng nhu cầu đó vì lúc đó còn đâu cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của các trường đó nữa”, ông Khuyến nói.

Do vậy cần duy trì nguyên vẹn hệ thống trường cao đẳng sư phạm địa phương và có kế hoạch đầu tư toàn diện để vừa nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên (lên đại học), vừa đa ngành hóa các trường này.

Bước đi tiếp là hợp nhất với các cơ sở giáo dục đại học khác trên cùng địa phương, tổ chức lại để hình thành một đại học địa phương đa cấp đa lĩnh vực hoàn chỉnh (Community College / University College / Rural University).

Trước mắt, chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo và nâng chuẩn cho trường cao đẳng/đại học sư phạm địa phương của mình thực hiện.

Riêng đối với những trường sư phạm trong thời gian còn chưa đạt chuẩn đại học như quy định ở Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm).

Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và được xem như một giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.

Còn đối với hệ thống trường đại học địa phương thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định, Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay luôn coi trọng hệ thống giáo dục địa phương nói chung và hệ thống giáo dục đại học địa phương nói riêng và xem giáo dục địa phương là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống giáo dục quốc gia, cũng giống như vai trò của "3 thứ quân" trong chiến lược chiến tranh nhân dân của Đảng ta.

Cho dù chúng ta tạm thời đang gặp khó khăn về kinh tế nhưng không phải vì thế mà một số địa phương phải "hy sinh " đứa con của mình là trường đại học địa phương.

Trường đại học địa phương là trường đại học của địa phương, được thành lập để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực và dân trí của cộng đồng địa phương, do đó phải được cộng đồng người dân địa phương nuôi dưỡng bằng khoản trích ra từ tiền thuế do chính họ đóng góp cho chính quyền địa phương .

Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm duy trì và hỗ trợ cho các trường địa phương của mình để chúng thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập.

Trong trường hợp địa phương gặp khó khăn về ngân sách đầu tư, lãnh đạo địa phương có thể cân nhắc giảm quy mô hoạt động của trường, cũng có thể vận dụng các giải pháp về xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm thêm các nguồn lực mới cho phát triển nhà trường; tuyệt đối không nên chọn giải pháp giải thể hoặc chuyển loại hình, sứ mạng của trường.

Việc hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường địa phương không nhất thiết phải dùng hình thức sáp nhập vào trường trọng điểm, mà có thể chọn các hình thức khác, thí dụ như hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau (như Ngành ta đã đề xuất tại Hội nghị đại học toàn quốc Tháng 8/1993) và triển khai Quy trình đào tạo mới, nhằm khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống giáo dục đại học có trên địa bàn.

Từng bước sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong cả nước:

Những năm gần đây, ngành đại học nước ta nổi bật lên sự cần thiết và cấp bách của việc sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong cả nước, mà phần lớn những trường này đều có quy mô đào tạo dưới chỉ tiêu kinh tế.

Kinh nghiệm nhiều nước Châu Á cho thấy chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên ở các trường đại học có số lượng sinh viên dưới 2.000 có thể gấp rưỡi so với các trường đại học có quy mô trên 4.000 sinh viên.

Tuy nhiên, vấn đề này đang vấp phải những trở ngại nhất định. Vì vậy, trước mắt, sự đề xuất và thực hiện những cơ chế để các trường đại học và cao đẳng có thể tự nguyện liên kết với nhau trong đào tạo, hình thành các cụm trường (bao gồm các trường khác lĩnh vực, khác cấp) có thể là một trong những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự xuất hiện một mạng lưới mới, hợp lý và năng động hơn.

Trong mỗi cụm trường như vậy sẽ có sự phân công lại nhiệm vụ đào tạo của từng trường theo mỗi giai đoạn, trên cơ sở phát huy hết công suất đào tạo của toàn cụm và nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường trong mỗi cụm có thể phối hợp với nhau để đào tạo những chương trình liên môn.

Hạt nhân của các cụm trường trên có thể là các trường trọng điểm quốc gia – những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tức là đạt trình độ quốc tế, có khả năng đào tạo những chuyên gia khoa học kỹ thuật và công nghệ bậc cao, có khả năng giao lưu và hợp tác quốc tế có hiệu quả và từ đó nền đại học Việt Nam có thể từng bước hòa nhập với nền đại học của khu vực và thế giới.

Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư ngân sách, trang thiết bị, tăng thêm quyền chủ động cho các trường trọng điểm quốc gia và những trường nằm trong cụm liên kết.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục trong những năm qua mặc dù có tăng nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của cả ngành, do đó Bộ chủ trương sắp tới sẽ chuyển dần những trường đại học không nằm trong các cụm liên kết sang cơ chế bán công, hoạt động dựa chủ yếu trên kinh phí lấy từ các nguồn thu ngoài nhà nước, hoặc từ các nguồn kinh phí riêng của ngành, của địa phương và của các doanh nghiệp

(Trích : Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị Hiệu trưởng đại học và cao đẳng toàn quốc tháng 8/1993
Thùy Linh