Để cởi trói cho giáo viên về chuyện hồ sơ sổ sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục có các thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường tiểu học và Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường trung học.
Những chồng hồ sơ vừa in xong để kiểm tra sẽ nhanh chóng được bỏ đi vì không còn dùng lại được nữa (Ảnh minh họa VTV) |
Trong đó, tại Điều 21 quy định hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường đã hướng dẫn: “dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử”.
Giáo viên hào hứng vì sẽ được sử dụng giáo án điện tử. Thế nhưng, thông tư thì mặc thông tư, dưới cơ sở vẫn cứ thực hiện kiểu kiểm tra hồ sơ sổ sách “muôn năm cũ” của hơn 20 năm về trước.
Câu chuyện từ thực tế
Tuần này, trường một đồng nghiệp của chúng tôi có đợt thanh tra toàn diện cấp phòng. Thế là, giáo viên nháo nhào hoàn thành hồ sơ sổ sách để in ra, đóng tập đem nộp.
Vài ba năm, phòng mới về một lần thanh tra nên ai cũng muốn hồ sơ của mình được đánh giá tốt. Thế rồi, sau buổi lên lớp giáo viên lại miệt mài ngồi bên máy tính để chỉnh sửa, để copy, cắt dán…chăm chút cho bộ hồ sơ của mình.
Nếu nhà trường kiểm tra hồ sơ thường đơn giản hơn nhiều đôi khi chỉ lật cho có lệ và phê ngay vào bên dưới dòng chữ như được mặc định sẵn: Hồ sơ kịp thời, đúng quy định.
Bởi trong nghề giáo có lẽ ai cũng biết, cũng hiểu theo quy định phải kiểm tra cho đúng thủ tục chứ mấy ai nhìn vào giáo án mà dạy.
Nhưng phòng giáo dục (mang danh phòng nhưng chủ yếu là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán đang giảng dạy tại một số trường) kiểm tra thì vô cùng kỹ, “vạch lá tìm sâu” để có cái góp ý nên giáo viên, nhà trường đều có phần e ngại.
Sau ngày kiểm tra, nhìn cả chồng giấy vừa in xong thẳng tắp, còn vương mùi mực mới và nghĩ đến cảnh chỉ ngày hôm sau thì đống hồ sơ này đã trở thành giấy vụn mà thấy tiếc vô cùng.
Tiếc bao ngày cặm cụi để soạn, chăm chút và in ấn, những sấp hồ sơ, giáo án ấy lại vào hàng phế liệu cho đỡ vương vãi chứ để lại sang năm cũng không làm gì vì không thể dùng lại được nữa.
Nhiều giáo viên cứ thắc mắc: Vì sao lại có chuyện, Bộ đã ‘cởi trói” nhưng cơ sở vẫn thắt chặt?
Thông tư của Bộ đã ban hành nhưng xem ra nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa động tĩnh gì về việc sử dụng hồ sơ điện tử.
Không chỉ trường của đồng nghiệp mà gần như hết thảy các trường ở địa phương chúng tôi đều thế. Khi được hỏi vì sao Bộ Giáo dục đã "cởi" nhưng nhà trường vẫn "trói"?
Câu trả lời vẫn thường nghe nhất rằng chờ công văn chỉ đạo của phòng giáo dục. Thế là, dù thông tư của Bộ Giáo dục ban hành nhưng để các trường thực hiện "vẫn còn xa lắm".
Thứ nhất, do các trường tiểu học và trung học cơ sở hiện trực thuộc phòng giáo dục, mà phòng lại trực thuộc sở giáo dục quản lý (theo ngành dọc). Bởi thế, bất kỳ thông tư hay công văn nào của Bộ Giáo dục đưa ra, sở giáo dục phải ra công văn hướng dẫn chỉ đạo cụ thể gửi về các phòng giáo dục.
Tại phòng giáo dục sẽ ra công văn gửi về các trường yêu cầu thực hiện thì khi đó các trường mới thực hiện.
Nếu công văn của Bộ ban hành nhưng sở giáo dục chưa có công văn hướng dẫn gửi về phòng giáo dục thì xem vẫn chưa có thay đổi gì.
Thứ hai, Bản thân từng hiệu trưởng nhà trường hiện vẫn làm việc thụ động, mọi chuyện đều trông chờ sự chỉ đạo từ trên. Nhiều hiệu trưởng không dám đổi mới vì sợ sai, sợ phải chịu trách nhiệm.
Kiểu làm việc này đã ăn sâu, bén rễ từ rất lâu. Thế nên trong giáo dục mọi chuyện gần như là “đồng phục”, trường nào cũng làm y chang trường đó một cách rập khuôn.
Bộ đã ban hành 2 Thông tư, trong đó có hướng dẫn việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, nhưng không ít sở giáo dục ở các tỉnh thành vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể gửi về phòng giáo dục nên vẫn xảy ra tình trạng giáo viên soạn và làm hồ sơ bằng điện tử vẫn phải in ra giấy chỉ để ký và bỏ đi.
Vẫn còn những hiệu trưởng năng động có tính tự quyết cao
Phần đông hiệu trưởng trường học chờ đợi “cầm tay chỉ việc” thì vẫn có trường học tại huyện đảo xa xôi của tỉnh Bình Thuận (Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền) áp dụng việc soạn và kiểm tra giáo án, hồ sơ sổ sách trên máy tính từ nhiều năm nay.
Ban giám hiệu nhà trường cho biết, giáo viên soạn bài, làm hồ sơ sổ sách và gửi vào hộp thư của nhà trường. Bất kể Ban giám hiệu hay tổ trưởng chuyên môn muốn kiểm tra lúc nào cũng được.
Giáo viên không phải in ra để ký, muốn bổ sung gì chỉ việc lấy xuống chỉnh sửa. Quản lý hồ sơ bằng phần mềm điện tử như thế nhà trường cũng thuận lợi mà giáo viên cũng đỡ tốn khoản tiền, đỡ mất thời gian ngồi in ấn.
Có lẽ vì thế mà nhiều thầy cô giáo nơi đây luôn tận tâm, tận tụy hết lòng vì học sinh. Nhiều giáo viên đã bỏ công sức dạy phụ đạo học sinh yếu không lấy học phí. Nhờ vậy, chất lượng học tập của các em học sinh ngày một được cải thiện và nâng cao.