Cần xây dựng lộ trình nghiên cứu khoa học cho học sinh dự thi

07/04/2021 07:00
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu sản phẩm khoa học đúng với năng lực học sinh thì việc tuyển thẳng vào đại học là xứng đáng. Các trường đại học cũng sẽ có cơ chế và tiêu chí tuyển sinh riêng.

Thời gian qua, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đang đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi

Giữa những tranh luận về tính trung thực của cuộc thi, nhiều người đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức cuộc thi hay không, có nên áp dụng hình thức tuyển thẳng thí sinh đoạt giải vào các trường đại học?

Cần xây dựng lại lộ trình nghiên cứu khoa học cho học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xoay quanh những câu chuyện liên quan đến Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Cuộc thi Khoa học kỹ thuật đang gây ra nhiều tranh cãi bởi cách thức tổ chức cuộc thi cũng như cách định hướng cho học sinh nghiên cứu khoa học còn nhiều vấn đề bất cập.

Theo cô Quyên, chúng ta chưa có một định hướng nghiên cứu khoa học đúng đắn cho các em học sinh. Cụ thể, việc phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề không xuất phát từ học sinh mà có sự tham gia của các thầy cô, các chuyên gia.

Cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, cần phải xây dựng lại lộ trình nghiên cứu khoa học cho học sinh (Ảnh: Cô Quyên cung cấp)

Cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, cần phải xây dựng lại lộ trình nghiên cứu khoa học cho học sinh (Ảnh: Cô Quyên cung cấp)

Khi người thầy có nhu cầu nghiên cứu, nghĩ ra vấn đề, đề tài, và học sinh cùng hỗ trợ tham gia vào đề tài đó, các em sẽ được đứng tên nghiên cứu khoa học cùng thầy.

Vô hình trung, học sinh được hưởng thành quả và có thể dẫn đến ảo tưởng sức mạnh. Đó cũng chính là lý do khiến cuộc thi thiếu đi tính trung thực.

Chia sẻ về chính sách ưu tiên dành cho thí sinh đoạt giải từ cuộc thi như việc thí sinh sẽ được tuyển thẳng vào đại học, cô Quyên cho rằng, nếu những sản phẩm, dự án khoa học là năng lực thực sự của học sinh thì các em hoàn toàn xứng đáng nhận được ưu tiên đó.

"Chúng ta không nên đánh giá sai vấn đề. Những bất cập của cuộc thi không xuất phát từ việc tuyển thẳng đại học mà do cách thức đào tạo, cách thức tổ chức cuộc thi cũng như tiêu chí chấm giải.

Việc tuyển thẳng những thí sinh này hay không là do các trường đại học quyết định, họ xây dựng cơ chế tuyển sinh, có những tiêu chí tuyển sinh phù hợp với định hướng đào tạo của trường", cô Quyên nhận định.

Theo cô Diễm Quyên, muốn cuộc thi đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phát huy được những điểm tích cực thì cần phải xây dựng lộ trình nghiên cứu khoa học cho học sinh.

Phương pháp giáo dục hiện đại không phải là thầy bảo cái gì trò làm theo cái đó. Nghiên cứu khoa học cũng vậy, giáo viên phải là người giúp học sinh khơi gợi vấn đề thực tiễn, giúp học sinh có khả năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề.

Muốn vậy, thầy cô phải áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực, kỹ thuật dạy học đặt câu hỏi, để học sinh phát triển tư duy, dạy cho trẻ về tư duy phản biện, kỹ năng sáng tạo và những nguyên tắc của sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thi, đánh giá, chấm điểm thí sinh cũng cần phải được nhìn nhận lại để có những điều chỉnh phù hợp.

Tuyển thẳng không có nghĩa 100% trúng tuyển

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Việc tuyển thẳng đổi với thí sinh đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đã có quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dù thí sinh thuộc diện tuyển thẳng nhưng phải theo ngành phù hợp với đề tài dự thi của thí sinh. Ngoài ra, thí sinh cũng phải vượt qua vòng đánh giá của hội đồng xét tuyển.

Việc tuyển thẳng thí sinh đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật vẫn có thêm những tiêu chí xét tuyển khác (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Việc tuyển thẳng thí sinh đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật vẫn có thêm những tiêu chí xét tuyển khác (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

"Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ đánh giá đề tài khoa học thí sinh thực hiện có phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề mà thí sinh đăng ký chọn học hay không.

Cùng với việc đánh giá học lực của thí sinh đó để có quyết định trúng tuyển hay không trúng tuyển.

Chính vì vậy, sẽ vẫn có những trường hợp bị trường từ chối dù là thí sinh đoạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Ví dụ trường hợp học sinh đăng ký chọn ngành không phù hợp, thí sinh làm nghiên cứu khoa học ngành Hóa sinh nhưng lại đăng ký chọn học ngành Công nghệ thông tin là không được chấp nhận.

Không chỉ vậy, đối với các dự án khoa học của thí sinh, hội đồng cũng sẽ thẩm định, đánh giá lại để có căn cứ tuyển sinh theo đúng yêu cầu đã đề ra", Phó Giáo sư Trần Trung Kiên phân tích.

Linh Trang