Áp lực thi cử có thể trả giá bằng tính mạng học sinh

16/05/2021 10:55
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nhiều học sinh tự ép mình vào một lịch học nhồi nhét mà không màng đến sự đáp ứng của sức khỏe và khả năng tiếp thu”, thầy Nam cho biết.

Tồn tại suy nghĩ cực đoan

Thời gian này, học sinh chuẩn bị kết thúc năm học lại phải đối diện với áp lực điểm thi, thành tích; áp lực ấy càng lớn hơn với học sinh lớp cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Phần lớn phụ huynh có thói quen đánh giá con mình học tốt hay không qua điểm số, trường chuyên, lớp chọn, xếp hạng học sinh khá, giỏi trong lớp mà quên đi mất chất lượng học tập luôn tỉ lệ thuận với áp lực tâm lý.

Tâm lý học tập thoải mái, học sinh mới có khả năng tiếp nhận kiến thức, ghi nhớ và vận dụng kiến thức. Đồng nghĩa rằng, nếu học sinh bị căng thẳng, áp lực thì kết quả học tập không cao thậm chí còn xảy ra nhiều tiêu cực ảnh hưởng nặng nề tâm lý, dẫn tới trầm cảm.

Những vụ việc nghi ngờ tự tử không thành xảy ra gần đây, nguyên nhân ít nhiều được cho rằng có liên quan đến áp lực học tập, thi cử. Những áp lực này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ nhà trường, thầy cô, bố mẹ, bạn bè thậm chí chính bản thân các em học sinh.

Càng gần đến ngày thi, sự lo lắng càng tăng vượt quá sức chịu đựng. Ảnh minh hoạ: VTV

Càng gần đến ngày thi, sự lo lắng càng tăng vượt quá sức chịu đựng. Ảnh minh hoạ: VTV

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Dường như chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thi cử và điểm số, không chỉ các bạn học sinh mà cả phụ huynh đều cảm thấy áp lực mỗi khi mùa thi đến.

Những áp lực đó là do người lớn đặt ra điểm số mong muốn các em đạt được trong một số cuộc thi nhất định gắn với đánh giá chủ quan có giá trị hay vô dụng, dự báo thành công hay thất bại trong tương lai, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến vị trí xã hội, hôn nhân và thế hệ sau.

Những cá nhân thất bại hoặc không đạt thành tích như kỳ vọng bị đánh đồng với vô giá trị, không được tôn trọng khiến đứa trẻ xấu hổ, mặc cảm.

Chính áp lực từ gia đình khiến học sinh bị rơi vào tâm trạng lo lắng triền miên, ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng ôn thi, kết quả thi”.

Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam con đường của các vấn đề cảm xúc thường đi từ stress đến lo âu, trầm cảm, từ đó có các suy nghĩ, hành vi tự gây hại và cuối cùng là tự tử.

Chúng ta chưa thể quên N.T.N.Y, nữ sinh lớp 10A4 Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xương (Thị xã Tân Châu, An Giang) đã để lại thư tuyệt mệnh và uống thuốc tử tự ngay tại trường để minh chứng mình không vi phạm như quyết định xử lý của nhà trường vào ngày 30/11 năm ngoái. [1]

Vào tháng 12/2020, một học sinh lớp 7 tại Vũng Tàu xin ra khỏi giờ học Toán và nhảy từ tầng 2 xuống đất bị thương tích rất nặng. [2]

Hai sự vụ này chỉ là những minh chứng cụ thể cho rất nhiều sự vụ học sinh cố tình tự sát do áp lực về thi cử, học tập và trạng thái mất cân bằng tâm lý trong cuộc sống và không nhận được sự chia sẻ, động viên kịp thời.

Đặc biệt hầu như năm nào ở vào giai đoạn ôn luyện thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp phổ thông... cũng xảy ra những trường hợp học sinh bị trầm cảm do thời gian ôn luyện quá mức dẫn tới suy nhược cơ thể và tâm lý lo lắng kết quả thi không như mong muốn.

“Nhiều học sinh tự ép mình vào một lịch học nhồi nhét mà không màng đến sức khỏe và khả năng tiếp thu. Các bạn tìm kiếm sự an tâm bằng những hình thức kiêng khem phi khoa học thí dụ như không ăn trứng, không ăn lạc, không ăn thịt bò, thịt lợn, hàng ngày chỉ ăn xôi đỗ. Điều này dẫn đến không đảm bảo về sức khỏe.

Càng gần đến ngày thi, sự lo lắng càng tăng vượt quá sức chịu đựng. Những suy nghĩ kiểu như ‘nếu vẫn còn ngủ 6h/ngày thì sẽ thi trượt thôi’, ‘tất cả mọi người sẽ coi thường tôi nếu tôi không đạt được kết quả như kỳ vọng’, hay ‘tại sao đầu óc của mình lại chẳng tiếp thu thêm được gì nữa thế này’, ‘mình sẽ thất bại và không biết chui vào đâu để khỏi xấu hổ’.

Những suy nghĩ này tiếp tục làm cơ thể và não bộ kiệt sức. Bắt đầu biểu hiện rối loạn nội tiết, hệ thống limpho, giảm sức đề kháng, mất năng lượng, mệt mỏi.

Từ đó hành vi ứng xử của cá nhân bỗng trở nên dễ cáu gắt, giận dữ, mất tính kiên trì, thay đổi lịch ăn ngủ, cùn mòn cảm xúc, trở nên thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh, có thể thu mình lại né tránh các tiếp xúc xã hội”, thầy Nam chia sẻ.

Khi có những tác động của cảm xúc tiêu cực, căng thẳng xảy ra, nhận thức lúc này của các em cũng không thể tiếp tục việc học được, trí nhớ ngắn hạn của các em giảm sút, đọc trước quên sau, não bộ bị ức chế dẫn đến việc không biết cân nhắc ra quyết định giải quyết tối ưu.

Bắt đầu xuất hiện những cảm giác tội lỗi, tự trừng phạt bản thân vì đã không đáp ứng được những yêu cầu, kỳ vọng của người khác và bản thân đề ra.

“Chưa kể có những trường hợp không còn tin vào thực tế, tìm đến những cách giải quyết tiêu cực, tin vào mê tín dị đoan… Nhưng sau tất cả, nếu kết quả vẫn không đạt được như mong muốn, cảm giác tuyệt vọng, tự trách, mất ý nghĩa mục tiêu cuộc sống có thể dẫn đến hành động cực đoan nhất là tự tử”, thầy Thành Nam nhận định.

“Mỉm cười là công cụ, nhờ vả là con đường”

Có rất nhiều trường hợp, học sinh quá căng thẳng gia đình không phát hiện kịp thời dẫn tới những hành động cực đoan thì mọi việc đã không thể cứu vãn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh NVCC)

Theo Giáo sư Trần Thành Nam có rất nhiều cách để giảm tải căng thẳng cho học sinh trong quá trình học tập, thi cử đặc biệt là học sinh cuối cấp, những kỳ thi mang tính bước ngoặt cuộc đời: “Thay đổi các tác nhân bối cảnh gây stress như tránh tiếp xúc với những thông tin hoặc sự việc làm mình khó chịu trong thời gian này, đừng đọc quá nhiều tin về tỉ lệ chọi hay bố mẹ học sinh đang lo lắng như thế nào.

Chúng ta có thể thư giãn bằng những hoạt động sở thích của cá nhân trước đây một cách cân bằng giữa thời gian học tập và thư giãn”.

Duy trì các mối quan hệ xã hội cũng được Giáo sư Trần Thành Nam chú trọng. Ví dụ như nói chuyện với người thân và bạn bè hàng ngày. Khi gặp những vấn đề cần sẻ chia hãy tìm một người để lắng nghe những tâm sự.

Cách nói chuyện, tương tác với người khác sẽ giảm sự căng thẳng, bức bối đáng kể, thậm chí có thể đưa ra những lời khuyên, giải quyết vấn đề học sinh đang mắc phải.

“Hãy tử tế với bản thân bằng cách dành thời gian cho những sở thích cá nhân, thiền, hoàn thành một việc mà mình giỏi nhất, uống một cốc trà ngon, trò chuyện trong tưởng tượng với thần tượng xem người đó giải quyết vấn đề như thế nào.

Chúng ta có thể đi lại hoặc vận động ngoài trời một chút. Chú ý thời gian ngủ, uống đủ nước và ăn cân bằng. Xây dựng một số mục tiêu và bẻ nhỏ ra từng bước để tự giám sát bản thân về tiến độ.

Cuối cùng là đừng ngại việc được trợ giúp. Giai đoạn này, ‘mỉm cười là công cụ, nhờ vả là con đường’ là phương châm hành động của các em”, thầy Nam chia sẻ các phương pháp giúp học sinh giải thoát sự căng thẳng.

Ngoài sự cố gắng của bản thân thì sự ủng hộ, khích lệ, động viên của thầy cô, gia đình và bạn bè cũng thật sự quan trọng.

Thầy cô không nên xem thành tích học tập là quan trọng nhất, bố mẹ nên quên đi điểm số của con mình là thứ tồn tại duy nhất, có như vậy học sinh mới có nền tảng tự nhiên nhất để phấn đấu và cố gắng trong học tập.

Áp lực tạo ra những hiệu quả ngược mà vô hình đó là con dao hai lưỡi, khiến con trẻ có thể bị tổn thương, nặng nề nhất là những hậu quả khôn lường mà trả giá bằng tính mạng của chính các em học sinh.

Thành tích là minh chứng của một quá trình học tập, nhưng đó không phải là tất cả, thậm chí nếu thành tích được gây dựng từ những viên gạch vụn vỡ trong tâm hồn những đứa trẻ thì hoàn toàn không nên bởi nó mang theo quá nhiều hệ lụy ảnh hưởng kéo theo sau này.

Dịch Covid-19 khiến việc ôn tập, thi cử ở một số tỉnh thành được thực hiện trực tuyến, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình học tập, đó cũng là một loại áp lực.

Vì thế thầy cô, phụ huynh và chính các em học sinh nên tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, thoải mái để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại và đạt kết quả tốt nhất cho những dự định sắp tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/nu-sinh-lop-10-uong-thuoc-tu-tu-vi-uat-uc-1312987.html

[2] https://danviet.vn/hang-loat-vu-hoc-sinh-tu-tu-hoc-sinh-dang-co-don-ngay-trong-gia-dinh-va-lop-hoc-20201211114321089.html

Cao Kim Anh